loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nghe một số hãng xe quảng cáo có giá xe tốt nhất từ nhiều tháng cuối năm 2017 nhưng anh Thanh Hoàng (TP.HCM) vẫn nấn ná chờ đợi với hy vọng thuế nhập khẩu xe trong khu vực giảm về 0% từ 1/1/2018, cộng thêm các chương trình ưu đãi mạnh tay của người bán theo thông lệ hàng năm, thường bắt đầu ngay sau Tết âm lịch.
Giờ thì anh ngán ngẩm cho biết kế hoạch mua xe chưa biết khi nào mới thực hiện được. "Ít lựa chọn hơn, nhất là muốn lấy xe ngay, một vài mẫu xe mình thích nhân viên bảo nhận đặt cọc nhưng chưa biết khi nào có xe, một số khác lại còn tăng giá một cách vô lý" - anh Hoàng chia sẻ.
Thị trường xe nhập khẩu gần như đóng băng từ đầu năm 2018 sau khi Nghị định 116 chính thức có hiệu lực với những qui định mang tính hành chính siết chặt các điều kiện nhập khẩu xe, ngay cả nhập khẩu chính hãng.
Trong khi đó, để đón đầu thuế nhập khẩu về 0% đối với các xe sản xuất trong các nước ASEAN, hầu hết liên doanh đã chuyển dần nhiều dòng xe qua nhập khẩu và mở rộng danh mục các dòng xe nhập khẩu.
Honda Việt Nam hiện chỉ còn sản xuất duy nhất dòng City, chuyển Civic và CR-V từ lắp ráp qua nhập khẩu nguyên chiếc. Toyota cũng ngừng lắp ráp Fortuner thế hệ mới, chuyển qua nhập khẩu từ Indonesia. Ford cũng nhập khẩu Everest thế hệ mới từ Thái và Explorer từ Mỹ…
Hầu hết các mẫu xe được nhà sản xuất chuyển qua nhập khẩu đều thuộc thế hệ mới với nhiều cải tiến hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng như Fortuner hay CR-V mới. Trước khi ngừng nhập khẩu, Fortuner luôn nằm trong Top 3 những chiếc xe bán chạy nhất tại Việt Nam, năm 2017 doanh số mẫu xe này đạt hơn 13.000 xe, tức trung bình tiêu thụ hơn 1.000 xe/tháng. CR-V mới ngay sau khi ra mắt (chưa có xe) đã nhận được hơn 2.000 đơn đặt hàng. Đó là chưa kể toàn bộ phân khúc xe bán tải - phân khúc tăng trưởng nhanh nhất hiện nay - đều là xe nhập khẩu, trong đó Ranger là chiếc xe bán chạy thứ hai tại Việt Nam trong năm 2017 (gần 15.000 xe) và là con át chủ bài quan trọng nhất của Ford Việt Nam.
Việc những mẫu xe “hot” này về “mo” - không chiếc nào thông quan từ đầu năm 2018 tới nay, thậm chí các nhà máy của Toyota, Honda tại Thái Lan và Indonesia còn ngừng sản xuất xe cho thị trường Việt Nam vì chưa có “cửa về” khiến thị trường xe đầu năm 2018 “rối loạn”. Fortuner bị đội giá lên hàng trăm triệu đồng nhưng tới nay chỉ có xe cũ bán lại. Hơn 700 chiếc CR-V đầu tiên dù bị tăng giá nhiều hơn dự kiến vẫn hết bay…
Một số mẫu xe lắp ráp trong nước tranh thủ cơ hội này tăng giá. Mazda, một trong những thương hiệu được hưởng lợi từ việc các đối thủ nhập khẩu không còn hàng, đã tăng giá thêm 10 triệu đồng cho Mazda2 phiên bản hatchback (đối thủ Toyota Yaris nhập khẩu), Mazda3 (đối thủ Honda Civic nhập khẩu), CX-5 tăng thêm 20 triệu (đối thủ của CR-V nhập khẩu), bán tải BT50 cũng tăng giá thêm 20 triệu đồng.
Khả năng “băng tan” với thị trường xe nhập khẩu khó có thể trong quý 1/2018 ngay cả khi Nghị định 116 có được điều chỉnh theo chiều hướng nới lỏng một vài quy định, thậm chí có thể lâu hơn (hết quý 2), do vậy, tình trạng nói trên sẽ còn tiếp tục trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nếu anh Hoàng lựa chọn những mẫu xe nằm ngoài danh sách kể trên, nhất là xe lắp ráp trong nước, thì sẽ không gặp khó, thậm chí vẫn nhận thêm được các ưu đãi.
Cụ thể, các mẫu xe lắp ráp của Toyota, Honda, Ford, Kia, Hyundai,… vẫn giữ nguyên giá bán, các đại lý có thể bớt thêm 5-10 triệu đồng tùy từng mẫu xe. Đặc biệt, nếu mua một số mẫu xe Chevrolet trong thời điểm này, anh Hoàng còn nhận được mức giá tốt nhất từ trước tới nay.
Cruze, chiếc sedan bán chạy nhất của Chevrolet (cùng phân khúc Civic, Altis, Mazda3) bản LTZ được giảm 10 triệu đồng, còn 619 triệu đồng. Mẫu xe nhỏ đô thị Spark được giảm 10-25 triệu đồng so với tháng 1/2018 trong đó phiên bản Spark Duo (2 chỗ) chỉ còn 269 triệu đồng. Các thương hiệu xe sang như Mercedes, Audi, BMA, Lexus…vẫn giữ nguyên giá bán, tuy nhiên một số mẫu chỉ có giá mà chưa có xe !
Từ không đầy 100.000 xe tiêu thụ trong năm 2013, sau 5 năm, hết năm 2017, chỉ riêng số lượng xe do các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) bán ra thị trường đã đạt gần 273.000 chiếc, chưa tính hàng chục ngàn xe không công bố chính thức của các đơn vị sản xuất và nhập khẩu không trong khối VAMA.
Phan Ka
loading...