Khi phỏng vấn xin việc, làm gì để thuyết phục nhà tuyển dụng?
Sau khi vượt qua vòng sàng lọc hồ sơ, các ứng viên tiềm năng đều phải trải qua các vòng phỏng vấn để trao đổi chi tiết hơn về sự phù hợp giữa mình và nhà tuyển dụng.
Ngoài những kinh nghiệm và năng lực sẵn có, bạn cũng sẽ cần thêm một vài bí quyết dưới đây để có thể vượt qua vòng phỏng vấn thành công khi ứng tuyển việc làm ở Đà Nẵng, Hà Nội hay TPHCM…
Liên kết những gì bạn “có” và những điều doanh nghiệp “cần”
Các ứng viên được chọn phỏng vấn xin việc hầu hết đều đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định và có kinh nghiệm liên quan đến vị trí mà nhà tuyển dụng đang cần. Tuy nhiên, không chỉ ưu tiên ứng viên có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, các doanh nghiệp còn mong muốn tìm được người có thể áp dụng điều này vào công việc sắp đảm nhiệm.
Vì vậy, trước khi phỏng vấn, bạn hãy dành thời gian để liên kết những kinh nghiệm, kỹ năng và bạn sở hữu với các trách nhiệm công việc mà nhà tuyển dụng mong đợi. Càng nói chi tiết thì bạn càng có nhiều cơ hội để thuyết phục được họ.
Ngoài ra, bạn cũng hãy giữ cho mình một tinh thần chủ động, tự tin khi tham gia phỏng vấn, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng tin tưởng hơn vào khả năng hoàn thành công việc của bạn.
Chia sẻ về giá trị khác biệt của bạn cho nhà tuyển dụng
Bên cạnh những kinh nghiệm, kỹ năng thì một điều quan trọng mà các ứng viên cần xác định trước mỗi buổi phỏng vấn là các giá trị khác biệt của mình. Đây chính là điều giúp bạn tạo ấn tượng tích cực và thuyết phục nhà tuyển dụng chọn bạn.
Bạn là một người có trách nhiệm hoặc trung thực và không dễ dàng thỏa hiệp, hãy kể về những tình huống và kết quả tốt đẹp mà bạn gặp phải liên quan đến các phẩm chất này.
Một mẹo nhỏ là những giá trị khác biệt bạn chọn để chia sẻ nên tương đồng với các giá trị cốt lõi của đơn vị tuyển dụng và có thể đóng góp vào lợi ích chung của tổ chức trong tương lai gần.
Thể hiện sự mong muốn và cam kết hợp tác của bạn
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều muốn ứng viên gắn bó lâu dài bởi việc tuyển dụng mới tiêu tốn khá nhiều chi phí, thời gian và sức lực. Vì vậy nếu khi phỏng vấn xin việc, bạn cho thấy rằng mình mong muốn làm việc lâu dài thì bạn sẽ lợi thế khá lớn đấy.
Điểm này cũng có thể được chứng minh thông qua thời gian làm việc với các nơi làm việc trước đó hay những định hướng nghề nghiệp của bạn tương thích với các tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp.
Tuy vậy, bạn nên lưu ý không đưa ra những cam kết không thực tế để tránh mang lại tác dụng ngược. Ví như bạn không thể cam kết việc sẽ làm việc ở đơn vị trong khoảng 10 năm khi còn chưa bắt đầu trải nghiệm môi trường làm việc thực tế. Thay vào đó, bạn có thể cam kết thời gian làm việc tối thiểu ở vị trí ứng tuyển.
Thẳng thắn về các điểm chưa hoàn thiện của mình
Bên cạnh những điểm mạnh, bất kì ứng viên nào cũng sẽ có những điểm cần được hoàn thiện khi tiếp cận với một công việc mới. Vì vậy, đừng cố gắng tỏ ra hoàn hảo, mà hãy thẳng thắn chia sẻ những điều bạn cảm thấy cần được hỗ trợ và hoàn thiện. Chỉ có một lưu ý nhỏ khi nhắc đến những điều này là hãy luôn đính kèm giải pháp và chia sẻ về điều bạn mong đợi được hỗ trợ từ đồng nghiệp hay quản lý trực tiếp.
Sẵn sàng cung cấp thông tin người tham khảo
Không có gì khiến nhà tuyển dụng yên tâm hơn là một lời nhận xét từ một nguồn đáng tin cậy. Khi được yêu cầu, hãy cung cấp cho nhà tuyển dụng thông tin liên hệ chính xác của cấp trên, đồng nghiệp trước đây hoặc bất cứ ai hiểu rõ về kỹ năng và kinh nghiệm của bạn.
Thuyết phục nhà tuyển dụng công nhận năng lực của bạn là điều cần thiết để có được việc làm mới. Áp dụng tốt những điều chia sẻ trên đây, bạn sẽ tự tin hơn khi thuyết phục bất kỳ nhà tuyển dụng nào để nhận về kết quả phỏng vấn xin việc tốt đẹp nhất.
Hà Phương