loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung chính của luật này là quy định 13 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được đề cập đầu tiên.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về dự án Luật này.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội bảo, ngày 14-6-2019, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật có những điểm đáng lưu ý sau:
- Đã uống rượu, bia thì không được lái xe. Tại Điều 5 của Luật này, có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa.
- Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;
- Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
- Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
- Cơ sở bán, rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.
- Không được mở mới các điểm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ (các quán bia, nhà hàng có phục vụ rượu, bia...) trong bán kính 100m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông…
Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ở mức báo động
Theo khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn một năm. Năm 2017, người Việt đã uống khoảng 305 triệu lít rượu tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỉ lít bia, tương đương 161 triệu lít cồn. Tỷ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia đều ở mức cao. Trong đó tỷ lệ nam giới sử dụng rượu, bia đang ở mức gây nguy hại.
Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khảo sát tình hình tai nạn giao thông tại 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy, 80%-90% vụ tai nạn giao thông mà nam giới gây ra xuất phát từ việc uống rượu bia rồi lái xe. Cũng theo kết quả khảo sát này, tỷ lệ thực khách tự lái xe sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng, quán nhậu chiếm 68%, trong số đó có 40% say xỉn và vi phạm Luật Giao thông.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính toán chi phí cho rượu bia tại Việt Nam ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Chi phí để giải quyết các hậu quả về sức khỏe liên quan đến việc sử dụng rượu bia cũng rất lớn, trong đó, tổng chi phí y tế cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú, cổ tử cung) là gần 26.000 tỷ đồng; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vào khoảng 50.000 tỷ đồng...
Đồ uống có cồn là nguyên nhân thứ ba dẫn đến tử vong sớm và tàn tật
Theo WHO, đồ uống có cồn là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm, gần 200 loại bệnh tật khác và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Rượu ảnh hưởng đến toàn bộ các bộ phận cơ thể, nặng nhất là não và hệ thần kinh trung ương, sau đến gan, thận, tim, dạ dày... Nhưng chúng không làm hỏng các cơ quan, nội tạng ngay (trừ trường hợp uống phải rượu dởm chứa độc chất methanol dẫn đến tử vong) mà phá hủy cơ thể một cách từ từ.
Cụ thể, đối với hệ thống não bộ, khi nồng độ rượu trong máu trên 0,3% sẽ bị rối loạn tư duy, tri giác, vận động, khi nồng độ rượu từ 0,4-0,5% cả hai quá trình hưng phấn và ức chế bị suy giảm, người uống rượu có thể dẫn đến hôn mê. Khi nồng độ rượu đến 0,6-0,7% người uống rượu có thể tử vong. Người uống rượu thường xuyên kéo dài thường bị rối loạn cảm xúc, có tư tưởng chống đối, rối loạn lo âu, gần 40% số người nghiện rượu bị trầm cảm, có thể bị liệt mềm, mất trí.
Đối với hệ tim mạch, hô hấp, rượu bia sẽ làm tăng huyết áp, mạch nhanh, phù, dễ dẫn đến hội chứng suy tim, viêm phổi hoặc lao phổi. Đồ uống có cồn cũng tác động lên hệ tiêu hóa, gây kích thích, viêm niêm mạc dạ dày, viêm teo dạ dày, loét dạ dày và xuất huyết dạ dày, viêm loét hành tá tràng, trào ngược thực quản. Trường hợp nặng có thể thủng dạ dày ở vùng co thắt.
Đối với gan, một lượng lớn rượu được chuyển hóa tại gan, làm gan bị suy yếu, ngộ độc, dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan. Người nghiện rượu lâu năm có thể bị xơ gan, vàng da, lách to, cổ trướng, gan to hoặc teo nhỏ, ung thư gan... Ngoài ra, rượu còn cản trở sự hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng; gây thiếu máu; làm tăng nguy cơ gây ung thư: vòm hầu, họng, thanh quản, thực quản...
Sử dụng rượu bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế-xã hội như: Bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khỏe giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.
Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp)
loading...