loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng châu Á tăng trong phiên chiều 4/6.
Giá vàng đang tăng mạnh khi các chỉ số chứng khoán thế giới ổn định sau những biến động. Các chỉ số chứng khoán của Hoa Kỳ bị xáo trộn nhưng chủ yếu giảm.
Giá vàng châu Á đi lên trong phiên 4/6, sau đà tăng điểm của các thị trường chứng khoán trong phiên trước nhờ các dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế.
Vào lúc 14 giờ 15 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.701,02 USD/ounce, sau khi giảm 1,7% trong phiên trước. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,1% xuống 1.703,7 USD/ounce.
Tại Việt nam, vào lúc 16 giờ 12 phút ngày 4/6, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,45-48,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Chiến lược gia về tiền tệ Ilya Spivak tại DailyFx cho biết, thị trường đang có một số điều chỉnh sau đà giảm mạnh của giá vàng trong phiên trước. Tâm lý lạc quan về khả năng nền kinh tế phục hồi khi các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng thời gian gần đây, qua đó làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn là vàng, khiến giá kim loại quý trong tuần này giảm 1,5%.
Số liệu công bố ngày 3/6 cho thấy số lượng việc làm trong khu vực tư nhân tại Mỹ giảm ít hơn dự kiến trong tháng 5/2020, trong khi lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc lần đầu tiên tăng trở lại kể từ tháng 1/2020.
Chỉ số đồng USD trong tuần này giảm khoảng 1%. Tâm lý lạc quan về việc các nền kinh tế trên toàn thế giới mở cửa trở lại làm giảm nhu cầu với đồng bạc xanh.
Các thị trường hiện đang dõi theo quyết sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp diễn ra trong ngày 4/6 (giờ địa phương).
Giá palladium phiên này giảm 0,6% xuống 1.937,55 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,5% lên 830,04 USD/ounce. Giá bạc giảm phiên thứ ba liên tiếp, với mức giảm 1% xuống còn 17,49 USD/ounce.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 4/6
Các nhà đầu tư giữ tâm lý lạc quan khi các biện pháp phong tỏa tiếp tục được nởi lỏng và có những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đã vượt qua thời khắc tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng COVID-19. Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán châu Á phiên này vẫn biến động do hoạt động bán ra chốt lời và những quan ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,4% lên 22.695,74 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng phiên thứ tư liên tiếp, cộng thêm 0,17% (40,68 điểm) lên 24.366,30 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,14% (4,12 điểm) xuống 2.919,25 điểm.
Chứng khoán Sydney tăng 0,8%, chứng khoán Seoul nhích 0,2%, chứng khoán Đài Bắc cộng thêm 0,7%, còn chứng khoán Bangkok tăng hơn 2%. Chứng khoán Manila cũng tăng hơn 4%, giữa bối cảnh các nhà lập pháp chuẩn bị thông qua dự thảo kích thích kinh tế trị giá 30 tỷ USD. Tuy nhiên, chứng khoán Mumbai giảm 1%, còn chứng khoán Singapore và Jakarta đi ngang.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,31% lên 883,90 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,8% lên 117,42 điểm.
Trong bối cảnh các quán bar, quán cà phê và các điểm tham quan nổi tiếng đã hoạt động trở lại trên khắp châu Âu, một số quốc gia bao gồm Đức, Italy, Áo và Bỉ đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế biên giới, qua đó làm tăng hy vọng về sự phục hồi của ngành du lịch hiện đang gặp khó khăn.
Đức cũng cho biết sẽ bơm 130 tỷ euro (146 tỷ USD) vào gói kích thích để khởi động nền kinh tế lớn nhất khu vực, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng quy mô chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỷ euro thêm 500 tỷ euro.
Cùng ngày, Mỹ công bố số liệu cho thấy lĩnh vực tư nhân đã bị “bốc hơi” 2,76 triệu việc làm trong tháng 5/2020, thấp hơn so với mức dự báo giảm 9 triệu việc làm mà các nhà kinh tế đưa ra.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có chiều hướng gia tăng khi Washington ngày 3/6 yêu cầu đình chỉ các chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc vận hành đến và đi từ Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngày 4/6 thông báo sẽ cho phép nhiều hãng hàng không nước ngoài đang bị cấm thực hiện các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục được phép thực hiện một số chuyến nhất định từ ngày 8/6.
Nhóm P.V
loading...