loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng chốt phiên cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 53,85 triệu đồng/lượng mua vào và 54,95 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 109 nghìn đồng so với ngày hôm qua ở chiều mua vào.
Giá vàng hôm nay 25/7 cập nhật giá mới nhất
Tại thị trường trong nước, tính đến 11h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC niêm yết tại TP.HCM ở mức 53,50 - 55,02 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện đang được niêm yết ở mức 53,50 - 55,00 triệu đồng/lượng, giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng DOJI AVPL đang được niêm yết ở mức 53,70 - 54,70 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, tại TP. HCM giá vàng DOJI AVPL đang được niêm yết ở mức 53,50 - 54,80 triệu đồng/lượng. Giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/7, cho dù biên độ tăng đã thu hẹp.
Theo nhận định của giới chuyên gia, thời gian tới, giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc.
Mặt khác, giá vàng sẽ hưởng lợi khi các nước đồng loạt tung ra các gói kích thích kinh tế.
Mốc 2.000 USD/ounce liệu có còn xa?
Giá vàng đã phá ngưỡng 1.900 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011 trong phiên giao dịch 24/7 và đang tiến gần đến mức cao kỷ lục từ trước đến nay, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và quan ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 tiếp tục củng cố xu hướng tăng giá vàng trong tuần vừa qua.
Tuần qua, giá vàng ước tăng 5%, mức tăng cao nhất kể từ tuần kết thúc ngày 27/3, chủ yếu được thúc đẩy khi quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn tồi tệ nhất hàng chục năm qua.
Đáng chú ý, giá kim loại quý này liên tục thiết lập các mức cao mới, đạt “đỉnh” trong 9 năm vào phiên 21/7 - ở mức 1.842,52 USD/ounce, giữa bối cảnh giới đầu tư bán tháo đồng USD, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào việc các chính phủ sẽ tăng quy mô hỗ trợ sự phục hồi của các nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
Đến phiên cuối tuần 24/7, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.899,68 USD/ounce. Trước đó, trong cùng phiên, giá kim loại quý này đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 là 1.905,99 USD/ounce.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tiến thêm 0,4% lên 1.897,5 USD/ounce.
Như vậy, đây là tuần thứ bảy kim loại quý này kéo dài xu hướng đi lên, đà tăng dài nhất kể từ năm 2011. Giá vàng có thể tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tuần tới, một nhà giao dịch tại RJO Futures ở Chicago dự báo.
Nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX cho rằng, yếu tố duy nhất có thể làm suy yếu đà tăng giá vàng là sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin ngừa COVID-19. Giá vàng đã tăng hơn 25% từ đầu năm đến nay, hưởng lợi nhờ chính sách lãi suất thấp và các biện pháp kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương.
Theo chuyên gia Tai Wong thuộc công ty môi giới đầu tư BMO, lo ngại về nguy cơ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc do căng thẳng Mỹ-Trung leo thang được cho là yếu tố thúc đẩy các chính phủ trên thế giới duy trì chính sách hỗ trợ nền kinh tế lâu hơn. Kim loại quý này thường được coi là “bùa hộ mệnh” chống lạm phát và rủi ro đồng tiền mất giá.
Đà tăng giá vàng có thể kéo dài đến năm 2021, khi đồng bạc xanh suy yếu do rủi ro địa chính trị gia tăng trong môi trường lãi suất thấp hơn, theo nhận định của Long Eily Ong, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence. Tập đoàn tài chính UBS Group AG của Thụy Sỹ đã dự đoán giá vàng có thể phá mốc 2.000 USD/ounce vào cuối tháng 9.
Liên quan đến căng thẳng Mỹ-Trung, Bắc Kinh đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ đóng cửa Tổng lãnh sự tại thành phố Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Đây được cho là động thái đáp trả của Trung Quốc sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas, phải đóng cửa trong vòng 72h với cáo buộc đây là trung tâm của các hoạt động gián điệp và những hoạt động thu thập trái phép các bí mật thương mại của doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với tổng số người nhiễm tại Mỹ đã vượt mốc 4 triệu và trên thế giới con số này là 15,58 triệu ca.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường của OANDA, cũng cho rằng với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm xuống và đồng USD yếu đi, những yếu tố này củng cố triển vọng giá vàng tiếp tục tăng cao hơn do làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản trú ẩn an toàn.
Giới quan sát cũng cho rằng, hỗ trợ đà tăng của giá vàng là kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Mỹ tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế do con đường phục hồi vẫn còn bất ổn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về các biện pháp bổ sung nếu cần thiết.
Giá vàng liệu có phá vỡ mức cao mọi thời đại
Nhận định về giá vàng tuần tới, hầu hết các ý kiến được Kitco khảo sát đều nghiêng về khả năng giá vàng sẽ tăng tiếp ngay cả khi thị trường đã chứng kiến 7 tuần giá tăng liên tục.
Đến 10h sáng nay 25/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 14,7 USD/oz (0,78%) so với đóng cửa phiên gần nhất, chốt ở mức 1.901,3 USD/oz. Giao dịch trong phiên dao động quanh mức 1.880,9 - 1.907,1 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng hợp đồng tương lai tháng 8 tăng 10,3 so với cuối phiên trước đó, lên mức 1.900,3 USD/oz.
Các nhà phân tích và nhà đầu tư ví thị trường vàng đang là một "chuyến tàu siêu tốc" đến mức cao nhất mọi thời đại.
Nhận định về giá vàng tuần tới, hầu hết các ý kiến được Kitco khảo sát đều nghiêng về khả năng giá vàng sẽ tăng tiếp ngay cả khi thị trường đã chứng kiến 7 tuần giá tăng liên tục.
Tuần này, trong số 14 chuyên gia tham gia khảo sát, có 11 chuyên gia (79%), cho rằng giá vàng sẽ tăng, 2 chuyên gia (14%) cho rằng giá thấp hơn, trong khi đó, 01 chuyên gia (7%) cho rằng vàng đi ngang.
Với 1.870 người tham gia khảo sát trực tuyến, 1.334 người (71%) cho rằng giá sẽ tăng trong tuần tới. 01 người (17%), cho rằng giá thấp hơn, trong 219 người tương đương 12% cho rằng giá đi ngang.
Sean Lusk, đồng giám đốc bảo hiểm rủi ro thương mại tại Walsh Trading, nói rằng sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng, môi trường lãi suất thấp và đồng đô la Mỹ yếu hơn đang là những yếu tố hoàn hảo trợ giúp giá vàng: "Thị trường lên trên 1.900 USD/oz đã đạt mục tiêu 23% trong năm nay. Nhưng sức mua vẫn còn khá lớn và với đà này, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy giá tăng cao hơn 10% nữa".
Giá vàng đang chứng kiến hiệu suất hàng tuần tốt nhất kể từ đầu tháng 4, khi thị trường đang hồi phục từ đợt bán tháo vào cuối tháng 3.
Eugen Weinberg, người đứng đầu nghiên cứu thị trường tại Commerzbank, nói rằng: "Sẽ không ngạc nhiên nếu giá vàng đẩy lên 2.000 USD/oz vào cuối tuần tới. Và chỉ là vấn đề thời gian trước khi giá vàng chạm mức đó".
Đồng quan điểm, Afshin Nabavi, người đứng đầu giao dịch tại MKS SA Thụy Sĩ, cũng nói rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại sau khi phá vỡ trên 1.900 USD/oz: "Tất cả mọi thứ hiện nay là một "mớ hỗn độn" và khó đoán, vì vậy các nhà đầu tư muốn giữ vàng để bảo vệ hoặc coi như một tài sản trú ẩn an toàn".
Giá vàng hôm nay 25/7/2020: Thế giới chạm mốc 1.900 USD
Giá vàng thế giới khép lại phiên cuối tuần chạm mốc đỉnh cao 1.900 USD/ounce. Trong nước chiều qua giá vàng hạ nhiệt phần nào so với mức tăng kỷ lục 56 triệu vào buổi trưa.
Cụ thể, giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1901.30 - 1902.30 USD/ounce.
Diễn biến phức tạp của COVID-19, quá trình phục hồi kinh tế chậm hay căng thẳng leo thang Mỹ – Trung là những yếu tố đang ủng hộ vàng.
Kim loại quý đã tăng vọt lên ngưỡng 1.900 USD mỗi ounce, tiến gần tới mức cao nhất trong lịch sử chín năm trước và cũng hướng tới tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, bạc cũng đứng trước tuần tăng giá mạnh nhất trong bốn thập kỷ.
Giới phân tích đang đặt cược vào đà tăng của vàng khi nhiều yếu tố cùng ủng hộ kim loại quý này. Tỷ giá thực âm, đồng đôla yếu, lo ngại khả năng phục hồi của kinh tế hay những bất ổn địa chính trị toàn cầu giúp vàng hướng tới năm tăng giá mạnh nhất trong một thập kỷ.
Kể từ ngày 1/1/2020 tới ngày 22/7/2020, giá vàng trên thế giới đã tăng 22% lên mức giá 1.857,55 USD/ounce. Nếu so với giá thấp nhất trong tháng 3/2020 thì giá vàng đã tăng 25%, đây là mức giá cao chưa từng thấy trong 9 năm trở lại đây.
Chỉ riêng trong ngày 23/7/2020 giá vàng quốc tế đã tăng 39 USD/oz, tương đương mức tăng 2,1% trong ngày
Vốn được coi là lá chắn hữu hiệu chống lạm phát, trong trường hợp Chính phủ Mỹ có thể mở rộng các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, trong thời gian tới giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chiến lược gia tiền tệ của DailyFx Ilya Spivak cho biết, xét theo logic cơ bản, giá vàng sẽ hưởng lợi khi các nước đồng loạt tung ra các gói kích thích kinh tế. Trong khi tỷ lệ lãi suất cũng được dự báo sẽ không tăng cao hơn và hệ quả của việc này có thể là lạm phát.
Tỷ giá ngoại tệ thị trường trong nước
Hết phiên giao dịch ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.221 đồng (tăng 1 đồng so với ngày hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.867 đồng.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại như sau: Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.090 đồng (mua) và 23.270 đồng (bán). Eximbank: 23.090 đồng (mua) và 23.260 đồng (bán).
Tỷ giá ngoại tệ thị trường thế giới
USD giảm giá tại châu Âu, khi thị trường cân nhắc về đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ trong bối cảnh nước này đang rất vất vả trong cuộc chiến chống COVID-19.
Chỉ số đồng Đô la, theo dõi đồng bạc xanh so với rổ sáu loại tiền tệ khác, đã giảm 0,1%, còn 94,627, chạm mức thấp nhất trong tháng 3 là 94,650 để đạt mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối năm 2018 và hướng đến ghi nhận tuần suy yếu nhất trong một tháng.
USD hiện đứng ở mức: 1 Euro đổi 1.1656 USD, 1 bảng Anh đổi 1.2795 USD, 1 USD đổi 106.14 Yên.
Hoa Kỳ đã báo cáo sự gia tăng đầu tiên số đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ tháng 3 vào thứ Năm, với 1,416 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua. Điều này xảy ra khi một số bang mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.
Dường như không có dấu hiệu nào cho thấy Virus Corona đang dừng đà lây lan trên khắp nước Mỹ. Số người nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt qua mốc 4 triệu trường hợp, một phần tư trong số đó đã được ghi nhận chỉ trong 15 ngày qua.
Ngoài ra, gói giải cứu tài chính tiếp theo của Mỹ dường như bị bế tắc tại Quốc hội trong khi thời hạn cuối tháng đang đến gần, khi một số biện pháp trợ cấp thất nghiệp sắp hết hạn.
Chứng khoán Phố Wall đi xuống do căng thẳng Mỹ-Trung
Thị trường chứng khoán Phố Wall chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 24/7, khép lại một tuần không mấy khởi sắc trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc làm giảm sức hấp dẫn của các kênh đầu tư rủi ro.
Trong phiên đầu tuần (20/7), nhóm cổ phiếu công nghệ đã hậu thuẫn thị trường đi lên, xong xu hướng này đã đảo ngược trong những phiên tiếp theo khi nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại giá trị cổ phiếu mà họ nắm giữ trước những lo ngại giá trị thị trường bị thổi phồng.
Đến phiên giao dịch cuối tuần 24/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,68% xuống 26.469,89 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,62% xuống 3.215,63 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 0,94% và đóng cửa phiên ở mức 10.363,18 điểm.
Tính chung cả tuần, các chỉ số chủ chốt đều hạ so với tuần trước, với chỉ số S&P 500 và Dow Jones chấm dứt đà tăng điểm của 3 tuần liên tiếp trước đó. Nasdaq thì có kết quả kém nhất trong bốn tuần qua.
Thị trường chứng khoán đã tăng mạnh kể từ tháng Ba bất chấp triển vọng kinh tế Mỹ không chắc chắn. Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp từ chối đưa ra dự báo thu nhập của năm nay.
Giờ đây khi chương trình hỗ trợ lao động thất nghiệp của Mỹ dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng Bảy, sự chú ý của thị trường hiện đang chuyển hướng tới các nghị sĩ ở Washington về khả năng họ có thể thông qua gói tài trợ bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế hay không.
Bộ Lao động Mỹ cho biết 1,4 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, ghi dấu lần đầu tiên lượng đơn xin trợ cấp hàng tuần tăng so với tuần trước đó kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào mùa Xuân vừa qua. Ngoài số liệu yếu kém về việc làm, tâm lý của giới đầu tư trở nên tiêu cực hơn khi số liệu gần đây cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ đóng cửa Tổng Lãnh sự tại thành phố Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Đây được cho là động thái đáp trả của Trung Quốc sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas, phải đóng cửa trong vòng 72h đồng hồ với cáo buộc đây là trung tâm của các hoạt động gián điệp và những hoạt động thu thập trái phép các bí mật thương mại của doanh nghiệp Mỹ.
Các diễn biến này làm gia tăng quan ngại về xung đột Mỹ-Trung gia tăng trong khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với triển vọng u ám do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các nhà quan sát cũng chỉ ra rằng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Mỹ cũng là yếu tố vĩ mô gây bất ổn thị trường.
WTO: Các biện pháp hạn chế xuất-nhập khẩu thời COVID-19 tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 24/7 cho biết thương mại toàn cầu đã chịu ảnh hưởng tiêu cực của các biện pháp hạn chế nhập khẩu cũ và mới trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngay khi các nền kinh tế cần tái thiết.
Trong báo cáo công bố 6 tháng một lần, WTO cho rằng một số hạn chế xuất khẩu áp dụng đối với khẩu trang y tế, dược phẩm và thiết bị y tế khi dich COVID-19 bắt đầu bùng phát đang được dỡ bỏ.
Theo Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết mặc dù tác động đầy đủ của dịch COVID-19 vẫn chưa được phản ánh đầy đủ thông qua các số liệu thống kê về hoạt động thương mại song mức độ ảnh hưởng này dự kiến là rất lớn.
Trước đó, WTO ngày 23/6 dự đoán trong quý II/2020, thương mại toàn cầu sẽ giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái do tác động của dịch COVID-19 cùng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
WTO cho biết trong các ước tính ban đầu cho quý II, khi dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa được áp đặt đã gây ảnh hưởng đến phần lớn người dân trên toàn thế giới, thương mại toàn cầu sẽ bị sụt giảm khoảng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2020, lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu đã giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù ông Roberto Azevedo thừa nhận mức sụt giảm 18,5% sẽ là lớn nhất trong lịch sử, song vẫn khá hơn so với kịch bản xấu nhất của WTO và kinh tế thế giới thậm chí còn có thể "chạm đáy" trong quý II/2020.
Nhóm P.V
loading...