loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng hôm nay 8/7 trên thị trường thế giới tiếp tục tăng nhanh sau những phiên tăng vọt và lên sát đỉnh cao lịch sử ghi nhận hồi cuối 2011. Giá vàng trong nước tăng tiếp sau khi ghi nhận đỉnh cao lịch sử trên 50 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hết phá kỷ lục này đến kỷ lục khác nhưng thị trường vàng vẫn nguội lạnh
Giá vàng thế giới mức 1.800 USD/ounce chiều 8/7. Giá vàng miếng SJC cũng lên lại ngưỡng 50,3 triệu đồng/lượng, nhưng thị trường vàng không sôi động do người dân ít có cơ hội lướt sóng.
Trong khi đó giá, vàng miếng SJC đã tăng lên mức 50,3 triệu đồng/lượng rồi giảm về mức 50,25 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang thấp hơn 80.000 đồng/lượng.
Đầu chiều nay, giá vàng nhẫn bốn số chín SJC cũng chính thức vượt mốc 50 triệu đồng/lượng, lên mức 50,1 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua - bán giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Với vàng miếng, hiện mức chênh 400.000 đồng/lượng trong khi vàng nhẫn chênh lệch 550.000 đồng/lượng.
Dù giá vàng hết phá kỷ lục này đến kỷ lục khác nhưng thị trường vàng vẫn nguội lạnh.
Theo ghi nhận, dù giá vàng miếng SJC đã ở mức cao nhất từ trước đến nay nhưng không có cảnh xếp hàng mua vàng hoặc giá vàng nhảy nhót như thời điểm năm 2011 khi giá vàng lần đầu lên đến mức 49 triệu đồng/lượng.
Lý do, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấm huy động và cho vay vàng nên các ngân hàng, nhà đầu tư lớn không còn có thể tạo ra các đợt sóng vàng khiến thị trường chao đảo như trước. Hiện chỉ còn nhu cầu thật.
Tuy nhiên, với giá vàng như hiện nay, nhà đầu tư cá nhân chủ yếu chỉ quan sát chứ không dám mua. Chưa kể do không còn được cấp phép nhập vàng nên giá vàng trong nước thường không bám sát theo giá vàng thế giới nên mua vàng lúc này quá rủi ro.
Giá vàng châu Á vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên chiều 8/7
Trong phiên giao dịch chiều 8/7, giá vàng châu Á đã có lúc vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011, giữa lúc số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh trên toàn cầu khiến các nhà đầu tư quan ngại và chuyển sang nắm giữ các tài sản an toàn.
Vào lúc 15 giờ 54 phút ngày 8/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,3% lên 1.799,22 USD/ounce, sau khi vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2011 là 1.800,18 USD/ounce trước đó trong cùng phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2% lên 1.812,90 USD/ounce.
Các nhà phân tích của ngân hàng HSBC cho rằng, những bất ổn về y tế, tài chính và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra cùng với những hậu quả đi kèm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng cho đến năm 2021. Theo nhà phân tích thị trường Michael Hewson của CMC Markets UK, các nhà đầu tư đang rút khỏi các tài sản rủi ro khi ngày càng nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế thế giới khó có thể hồi phục nhanh sau giai đoạn sụt giảm mạnh do dịch COVID-19.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ đã vượt 3 triệu người, trong khi số ca nhiễm mới tại nhiều nơi khác trên thế giới cũng tăng mạnh. Bên cạnh những quan ngại về tình hình kinh tế, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại rằng diễn biến tiêu cực của dịch COVID-19 có thể tác động xấu tới chi tiêu tiêu dùng và việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng dự báo nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ rơi vào tình trạng suy thoái sâu hơn trong năm 2020.
Tuy vậy, nhà phân tích Julius Baer của Carsten Menke cho hay về trung và dài hạn, sự cải thiện về tình hình kinh tế có thể ảnh hưởng tới giá vàng và nhu cầu mạnh nhất đối với các tài sản an toàn hiện thuộc về các quốc gia chịu nhiều tác động nhất bởi dịch COVID-19, như Mỹ và Vương quốc Anh.
Hội đồng Vàng Thế giới ngày 7/7 cho biết giá vàng đã tăng hơn 18% kể đầu năm 2020 đến nay và với sức hấp dẫn của kim loại quý này, các quỹ giao dịch vàng đã mua 104 tấn vàng với tổng giá trị 5,6 tỷ USD trong tháng 6/2020.
Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá palladium giảm 0,7% xuống 1.902,17 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,6% xuống còn 830,21 USD/ounce và giá bạc tăng 0,5% lên 18,38 USD/ounce.
Giá vàng lên mức cao nhất kể từ năm 2011
Giá vàng thế giới ngày 8/7 đã vượt mức 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011, do kim loại quý này được xem là kênh an toàn trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra nhiều lo ngại trên toàn cầu.
Vào lúc 15h30' theo giờ Việt Nam, giá vàng tại Thị trường vàng bạc London đã lên mức 1.800,86 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn 8 năm, do đồng USD suy yếu khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Chuyên gia phân tích Carlo Alberto De Casa tại ActivTrades nhận định việc các nhà đầu tư tiếp tục mua vàng cho thấy họ muốn giảm thiểu rủi ro trong trường hợp thị trường có biến động.
Trong khi đó, nhà phân tích thị trường Markets.com Neil Wilson cho rằng vàng đang nhận được nhiều sự ủng hộ do những lo ngại về nguy cơ lạm phát cao, khi ngân hàng trung ương sử dụng các gói kích thích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mức cao kỷ lục của giá vàng là 1.921,18 USD/ounce.
Giá vàng lập đỉnh mới: Người dân vẫn thờ ơ
Ngày thứ 2 sau khi giá vàng lập đỉnh lịch sử, thị trường vàng trong nước vẫn yên ắng và người dân tỏ ra thờ ơ với kim loại quý này. Lượng giao dịch mua - bán vàng ở các phố Trần Nhân Tông, Hàng Bạc... (Hà Nội) tăng không đáng kể so với những ngày trước đó.
Theo một số chủ cửa hiệu vàng, người đến giao dịch những ngày này chủ yếu là khách hàng nhỏ lẻ bán vàng chốt lời và cá nhân mua - bán vàng trang sức, không có bóng dáng các nhà đầu tư.
Ông Hoàng Tiến Hải, chủ cửa hàng vàng Hoàng Hải trên phố Hàng Bạc (Hà Nội) cho biết, so với lịch sử giá vàng năm 2011, dường như người dân chưa thực sự hào hứng với đầu tư lướt sóng vàng.
Bên cạnh đó, giao dịch vàng có giá mua vào - bán ra chênh lệch nên người mua vàng không thể có lãi dù giá tăng mạnh. Đặc biệt, khi giá vàng liên tục đạt đỉnh, rủi ro khi đầu tư lướt sóng vàng là rất lớn.
Ông Hải cho biết thêm, tại cửa hàng, nhiều khách hàng quen vẫn gọi điện cập nhật giá vàng, tuy nhiên vẫn tỏ ra lưỡng lự, nghe ngóng chứ chưa có giao dịch đầu tư phát sinh. Giá vàng tại cửa hàng vàng Hoàng Hải đang được niêm yết ở mức mua vào - bán ra là 50.000.000 đồng/lượng - 50.150.000 đồng/lượng, tăng 210 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với hôm qua.
Chủ một cửa hàng vàng bạc trên phố Hàng Bạc cũng cho biết, giá vàng tăng cao nhưng giao dịch không mấy biến động. Hiện tại giá vàng tăng cao, nhưng người mua rất ít mà chủ yếu là bán ra chốt lời. Có lẽ người dân đã tỉnh táo bởi kinh nghiệm những năm 2011 - 2012 vẫn còn đó. Bên cạnh đó. giá vàng lên xuống thất thường, nếu mua vào lúc giá cao rất dễ gặp rủi ro.
Chị Đào Mai Hoa ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) chia sẻ, thời điểm này tôi cũng chỉ nghe ngóng và không có ý định mua vàng. Tôi có vài lượng vàng và đợi giá tăng thêm chút nữa sẽ bán.
"Giờ không phải thời điểm thích hợp để mua vàng hay lướt sóng vì giá vàng biến động rất khó lường. Chính vì thế tôi chỉ chờ giá lên để bán, sau đó chuyển tiền qua gửi tiết kiệm", chị Hoa nói.
Chị Nguyễn Hồng Linh ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng chia sẻ, thấy thông tin giá vàng tăng cao, tôi đến cửa hàng để bán vàng. So với thời điểm mua thì có lãi, song thời điểm này tôi không có ý định mua thêm vàng hay đầu tư vàng. Theo chị, giá vàng tăng mạnh và cũng có thể giảm mạnh bất cứ lúc nào.
Theo đại diện Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, giá vàng tăng vọt và giao dịch cũng tương đối sôi động hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, khác với 9 năm trước khi giá vàng lần đầu lên mức 49 triệu đồng/lượng, hiện nay nhiều nhà đầu tư cá nhân chủ yếu vẫn quan sát và chưa dám gia nhập thị trường. Lý do bởi nhiều người lo sợ lịch sử của gần 9 năm trước sẽ lặp lại một lần nữa, sau khi chạm mức này vàng đã rớt giá rất mạnh.
Cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 49,95 - 50,35 triêu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng nhẹ so với đầu giờ sáng, nhưng vẫn đắt hơn khoảng 200 nghìn đồng/lượng so với giá đóng cửa hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng châu Á trong phiên chiều 8/7 đã rời mốc 1.800 USD/ounce trong thời gian ngắn lần đầu tiên kể từ năm 2011 do các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trên toàn cầu khiến các nhà đầu tư lo ngại chuyển sang giữ vàng để bảo toàn tài sản.
Vào lúc 15 giờ 54 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Bengaluru tăng 0,3% lên 1.799,22 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất 1.800,18 USD/ounce kể từ tháng 11/2011 trước đó trong phiên. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,2% lên 1.812,90 USD/ounce.
Các nhà phân tích của ngân hàng HSBC cho rằng những bất ổn về sức khỏe, tài chính và kinh tế do đại dịch COVID-19 và hậu quả của nó sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng cho đến năm 2021.
Tỷ giá trung tâm giảm 4 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 8/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.218 VND/USD, giảm 4 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.915 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.521 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD ổn định và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động nhẹ.
Lúc 8 giờ 25 phút, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 23.070 - 23.280 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Tại BIDV, giá USD cũng được niêm yết ở mức 23.100 - 23.280 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.260 - 3.353 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 3 đồng ở chiều mua vào và 1 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm sáng qua.
Tại Techcombank, giá đồng bạc xanh được điều chỉnh giảm 4 đồng ở chiều mua vào và tăng 25 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm sáng qua, niêm yết ở mức 23.081 - 23.310 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.241 - 3.372 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 2 đồng ở chiều mua vào và 3 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm sáng qua.
Chứng khoán châu Á diễn biến ngược chiều trong phiên 8/7
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên chiều 8/7, sau khi ghi nhận mức giảm mạnh trong phiên trước, giữa lúc tâm lý lạc quan về khả năng các nền kinh tế được mở cửa trở lại bị "lấn át" bởi những lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh trên toàn cầu.
Dẫn đầu nhóm tăng điểm tại khu vực châu Á trong phiên này là chứng khoán Trung Quốc, với chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong tiến 153,52 điểm (0,59%) lên khép phiên ở mức 26.129,18 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng tăng 58,1 điểm (1,74%) lên 3.403,44 điểm.
Chứng khoán Singapore phiên này tăng 0,1%, Jakarta tiến 1,8% trong khi Manila và Taipei đều trong vùng tăng điểm.
Ở phía ngược lại, chứng khoán Nhật Bản đi xuống trong phiên chiều 8/7, khi tâm lý nhà đầu tư tại đây bị tác động bởi diễn biến giảm điểm của Phố Wall. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 176,04 điểm (0,78%) xuống 22.438,65 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng ghi nhận phiên đi xuống thứ hai liên tiếp, khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng quá trình phục hồi của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt. Sau một phiên giao dịch khá thất thường, chỉ số Kospi tại thị trường Seoul giảm 5,29 điểm (0,24%), xuống đóng cửa ở mức 2.158,88 điểm.
Thị trường Wellington ghi nhận mức giảm 0,3%, trong khi Mumbai và Bangkok đều giảm 0,1% phiên này.
Đáng chú ý, khoán Sydney phiên này giảm tới 1,5% giữa lúc các nhà đầu tư tại Australia trở nên cảnh giác trước quyết định phong tỏa kéo dài sáu tuần tại Melbourne - thành phố đông dân thứ hai và cũng là một động lực kinh tế lớn của nước này.
Chuyên gia Jeff Mills tại ngân hàng Bryn Mawr Trust cho biết, sau chuỗi tăng kéo dài 5 phiên liên tiếp, không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường có phần “hạ nhiệt” đôi chút. Theo chuyên gia này, đây chỉ là diễn biến tự nhiên khi các thị trường không thể liên tục đi lên mỗi ngày.
Chuyên gia Stephen Innes tại công ty tư vấn tài chính AxiCorp cho rằng khi bước vào giai đoạn giao dịch mùa Hè, các nhà đầu tư thường có xu hướng chốt lời và quan sát diễn biến thị trường nhiều hơn.
Bên cạnh đó, dù giới đầu tư nhìn chung tin tưởng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi sau cuộc suy thoái dự kiến xảy ra trong năm nay, diễn biến khó lường của dịch COVID-19 vẫn là mối rủi ro chính chi phối thị trường.
Ngoài ra, những căng thẳng đang diễn ra giữa Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác về việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh mới ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng khiến nhà đầu tư trở nên bất an hơn.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số VN - Index tăng 1,08 điểm (0,13%) lên 864,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 237 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.302,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 156 mã tăng giá, 75 mã đứng giá và 196 mã giảm giá.
HNX - Index tăng 0,66 điểm (0,58%) lên 114,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 29,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 340,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 78 mã tăng giá, 65 mã đứng giá và 54 mã giảm giá.
Giá vàng lập đỉnh lịch sử không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán
Giá vàng liên tiếp tăng mạnh trong thời gian vừa qua và đã vượt mốc hơn 50,3 triệu đồng/lượng trong sáng nay (8/7). Dù vậy, theo giới chuyên gia, việc giá vàng tăng không có ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán.
Lúc 9 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 49,93 - 50,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 230 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 180 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử giá vàng.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, việc giá vàng tăng hầu như không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, bởi nhu cầu vàng tại Việt Nam không nhiều, nếu có thì chủ yếu là những tổ chức, ngân hàng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam sau khi không còn chính sách gửi vàng có lãi (gửi tiết kiệm bằng vàng là hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng mà khi đến kỳ hạn, nhà đầu tư được hoàn vốn gốc bằng vàng miếng theo chuẩn của bên ngân hàng, còn phần lãi suất sẽ tính trên giá vàng, phần tiền lãi thì được tính theo giá mua vào và nhận tiền mặt) thì nhu cầu yếu hơn nên mức độ ảnh hưởng đến thị trường không đáng kể.
Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, hiện nay hầu hết các nước lớn đều bơm tiền tương đối mạnh nên các kênh đầu tư, dòng tiền lớn giúp cho thị trường chứng khoán lẫn thị trường vàng đều có cơ hội tăng.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam kênh đầu tư chủ chốt là gửi tiết kiệm hiện có lãi suất giảm khá mạnh và liên tục giảm nên hoàn toàn có thể là dòng tiền đã dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư có kỳ vọng sinh lợi tốt hơn như chứng khoán, bất động sản…, thậm chí là vàng.
Trên thị trường chứng khoán, cuối phiên sáng nay (8/7), VN - Index tăng nhẹ 0,96 điểm lên 864,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 130,46 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 2.421,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng giá, 167 mã giảm giá và 75 mã đứng giá.
HNX - Index giảm nhẹ 0,05 điểm xuống 113,66 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 14,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 166 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, 47 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 12 mã tăng giá, 16 mã giảm giá và 2 mã đứng giá. Các mã tăng giá là BVH, FPT, MSN, VIC, SSI, SAB… Các mã giảm giá là VNM, VHM, VJC, SBT, PNJ… Tuy nhiên, mức biến động giá của các cổ phiếu trong nhóm VN30 không lớn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có SBT, VPB, TPB, MBB, CTG, ACB… Ở chiều giảm giá có EIB, TCB, VCB, BID…
Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, GAS tăng tới 1,7%, PVC tăng 1,8%, trong khi PLX giảm 0,5%, POW giảm 0,2%.
Trước đó, thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm trong phiên ngày 7/7 do lo ngại về việc các biện pháp phong toả mới và những thông tin kinh tế kém lạc quan đã thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời sau đà tăng mạnh trong phiên trước đó.
Các chỉ số chứng khoán châu Âu rơi xuống vùng đỏ sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) đưa ra dự báo tăng trưởng kém tích cực cho Khu vực sử đụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo EC, kinh tế khu vực sẽ giảm khoảng 8,7% trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng COVID-19.
Chỉ số FTSE 100 của London (Anh) giảm 1,5% xuống 6.189,90 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) hạ 0,9% xuống 12.616,80 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) để mất 0,7% xuống 5.043,73 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,9% xuống 3.321,56 điểm.
Chứng khoán Phố Wall cũng hoà cùng không khí ảm đạm này, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng phiên giảm 0,9% xuống 10.343,89 điểm và kết thúc chuỗi ba phiên tăng điểm kỷ lục. Chỉ số công nghiệp Dow Jones để mất 1,5% xuống 25.890,18 điểm, còn chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 3.145,32 điểm.
Tâm lý của các nhà đầu tư ở châu Âu và Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán ra cổ phiếu vào phút cuối trên các thị trường Trung Quốc, mặc dù chứng khoán Thượng Hải khép phiên tăng nhẹ.
Các biện pháp nới lỏng lệnh phong toả và mở lại nền kinh tế là động lực chính thúc đẩy thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 mới tại một số nước tăng lên đã khiến các nhà đầu tư "chùn bước".
Melbourne, thành phố lớn thứ hai của Australia đã tiến hành biện pháp phong toả sau khi số ca mắc COVID-19 tại đây tăng lên.
Các nhà đầu tư cũng đang bắt đầu tập trung vào báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2020, dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.
Giá dầu châu Á giảm phiên chiều 8/7
Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 8/7, khi các số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ gia tăng đã khiến thị trường lo ngại về tình trạng dư cung, trong khi số ca nhiễm COVID mới tăng mạnh tại Mỹ và các khu vực khác làm dấy lên mối hoài nghi về sự phục hồi trong nhu cầu nhiên liệu.
Vào lúc 13 giờ 42 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 11 xu Mỹ (0,3%) xuống 42,97 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 11 xu Mỹ (0,3%) xuống còn 40,51 USD/thùng.
Victor Shum, chuyên gia cao cấp tại trung tâm IHS Markit, nhận định thị trường đang rất quan ngại về số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh, đặc biệt là tại Mỹ. Ông Victor Shum cho rằng giá dầu Brent có thể dao động từ 37-44 USD/thùng trong vài tuần tới.
Theo số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng trong tuần trước, trái ngược với dự báo giảm, cho dù dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất giảm hơn dự kiến.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 7/7 dự báo sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ trong năm 2020 sẽ giảm 600.000 thùng/ngày xuống 11,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức dự báo giảm 670.000 thùng/ngày được đưa ra trước đó. EIA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi vào cuối năm 2021.
Chuyên gia Hiroyuki Kikukawa, thuộc trung tâm Nissan Securities, cho rằng những đồn đoán về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, sẽ hạn chế dần mức cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2020 cũng sẽ tác động thị trường dầu mỏ.
Nhóm P.V
loading...