loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay 19/7 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/7 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
Giá vàng sáng 19/7 biến động trái chiều
Sáng 19/7, giá vàng trong nước biến động trái chiều; trong khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng tuần thứ 4 liên tiếp.
Lúc 8 giờ 45 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,90 - 57,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC lại giảm 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua, ở mức 56,87 - 57,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng tuần qua tiếp tục ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Ông Phillip Streible, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Môi giới Blue Line Futures (Mỹ) cho rằng, số liệu việc làm tích cực khó có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vội vàng thu hẹp chương trình kích thích kinh tế, đặc biệt khi biến thể Delta khiến một số quốc gia ở châu Á và châu Âu tạm dừng kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại.
Đồng quan điểm này, Bart Melek, người đứng đầu Bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Công ty TD Securities đưa ra nhận định, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số khu vực tại Mỹ có thể thuyết phục một số nhà đầu tư rằng lập trường của Fed sẽ thận trọng hơn về vấn đề tăng lãi suất. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ vàng trong dài hạn.
Tỷ giá trung tâm không đổi
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 19/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.192 VND, giữ nguyên so với cuối tuần qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.887 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.496 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) ổn định.
Lúc 8 giờ 11 phút, giá USD tại Vietcombank không có sự điều chỉnh ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua, giữ nguyên ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.491 - 3.637 VND/NDT (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với cuối tuần qua.
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh vẫn được duy trì ở cả chiều mua vào lẫn bán ra, tương ứng với mức 22.910 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra) so với cuối tuần qua.
Giá đồng NDT tại BIDV được niêm yết ở mức 3.508 - 3.611 VND/NDT (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần qua.
Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên sáng 19/7
Thị trường chứng khoán đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần sáng 19/7, chạm mức thấp nhất trong một tuần qua, giữa bối cảnh các tài sản vốn được coi là “thiên đường trú ẩn an toàn” như đồng yen và vàng tăng cao hơn do lo ngại về lạm phát và sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Sáng phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 1,1%, ghi dấu ngày giảm thứ hai liên tiếp, xuống 677,45 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 12/7. Chỉ số này đang trên đà hướng tới mức giảm theo ngày tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ ngày 8/7.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng hạ 376,08 điểm (1,34 %), xuống 27.627 điểm. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi thị trường chứng kiến đà đi xuống của Phố Wall trong tuần trước, cũng như những lo ngại về tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp với số ca mắc tăng cao. Ngoài ra, khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán Tokyo trong phiên này cũng bị thu hẹp khi thị trường này dự kiến sẽ chỉ giao dịch ba phiên trong tuần này, trước khi đóng cửa ngày 22-23/7 để chuẩn bị cho sự kiện khai mạc Thế vận hội Tokyo.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt ngả sắc đỏ, sau khi chứng kiến đà bán tháo tại thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tuần trước do lo ngại mới dấy lên trở lại về lạm phát và đại dịch. Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt mở cửa với mức giảm 218,14 điểm (0,78%) và 8,81 điểm (0,25%) xuống 27.786,54 điểm và 3.530,49 điểm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhiều lần khẳng định bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào cũng chỉ là tạm thời, cho thấy chính sách tiền tệ của Fed sẽ vẫn hỗ trợ tình trạng này trong một thời gian nữa. Trong khi đó, Aviva Investors - đơn vị quản lý tài sản toàn cầu của công ty bảo hiểm đa quốc gia Aviva plc, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) - dự kiến tăng trưởng nhanh chóng và lạm phát tăng sẽ tạo áp lực lên lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn.
Tai thị trường Việt Nam, vào giữa phiên giao dịch sáng 19/7, chỉ số VN-Index giảm 31,12 điểm (2,35%) xuống 1.268,52 điểm, còn chỉ số HNX-Index lùi 11,41 điểm (2,38%), xuống 469,63 điểm.
Lời cảnh báo khi các ngân hàng Mỹ đang ngày càng một lớn hơn
Tại Washington, đã có những lo lắng về việc các ngân hàng đang thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A) quá nhiều trong năm qua.
Lần lượt các Thượng nghị sĩ như Elizabeth Warren và Sherrod Brown đã lên tiếng chỉ trích các ngân hàng hàng đầu về giao dịch của họ, với lo ngại việc sáp nhập này sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng bình thường và khiến các ngân hàng nhỏ hơn khó duy trì khả năng cạnh tranh.
Tính đến cuối quý I/2021, nước Mỹ có đến 52 ngân hàng có khối tài sản hơn 50 tỷ USD, tăng từ con số chỉ 39 ngân hàng hồi cuối năm 2017, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu S&P Global Market Intelligence.
Trong năm nay, ngân hàng PNC đã mua lại tập đoàn tài chính BBVA USA Bancshares. Thương vụ này đã khiến PNC sau đó trở thành ngân hàng lớn thứ 5 tại Mỹ tính theo tài sản. Cùng với đó, ngân hàng Huntington Bancshares (HBAN) cũng hợp nhất với ngân hàng TCF.
Ngoài ra, một số giao dịch khác được công bố vào đầu năm nay cũng đang chờ phê duyệt, bao gồm việc Ngân hàng M&T (MTB) mua lại People's United (PBCT), New York Community Bancorp (NYCB) mua lại Flagstar Bancorp (FBC) và Webster Financial (WBS) sáp nhập với Sterling Bancorp (SBT).
Sự tăng tốc của những thương vụ mua bán và sáp nhập được cho là hậu quả của những thay đổi trong các quy định về tài chính một vài năm qua. Năm 2018, sau khi các nhà lập pháp ra phán quyết yêu cầu các ngân hàng phải sở hữu tài sản lên đến 250 tỷ USD, chứ không phải "chỉ" 50 tỷ USD, để được coi là các Tổ chức tài chính quan trọng có hệ thống (SIFI), hàng loạt vụ sáp nhập ngân hàng đã được đăng ký.
Vào thời điểm đó, quy định mới khiến nước Mỹ chỉ có hơn 10 ngân hàng đủ lớn để được coi là một SIFI, bao gồm JPMorgan Chase (JPM), Bank of America (BAC), Wells Fargo (WFC), Citigroup (C), Truist (TFC), US Bancorp (USB) và PNC.
Những “tên tuổi” nằm trong danh sách SIFI thường phải đối mặt với nhiều sự kiểm tra giám sát hơn. Do đó, sự thay đổi tiêu chuẩn SIFI từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD đã mở ra cánh cửa để nhiều ngân hàng có quy mô trung bình “săn đón” đối thủ mà không phải lo sợ bị kiểm tra giám sát nghiêm ngặt và khó khăn hơn.
Trong khi đó, nền kinh tế được cải thiện cũng là tin tốt cho các ngân hàng. Các ngân hàng đã tận dụng lợi thế của sự thay đổi để “bắt tay” với nhau. Lý do cho kế sách này là khá rõ ràng, đó là các tổ chức lớn hơn có thể cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả để tăng lợi nhuận.
Đại dịch cũng tạo ra nhiều giao dịch hơn. Việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến các ngân hàng khó thu lợi từ các khoản cho vay do lãi suất được hạ xuống ngưỡng gần bằng 0, một viễn cảnh dự kiến sẽ kéo dài.
Điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh theo quý mới nhất của các ngân hàng hàng đầu. Trong đó, doanh thu trong quý II/2021 của JPMorgan Chase, Bank of America, Citi và BNY Mellon (BK) đã giảm so với một năm trước đó.
Mặc dù vậy, việc làn sóng M&A giữa các ngân hàng sẽ kéo dài bao lâu là một câu hỏi lớn. Điều đáng chú ý là những thay đổi gần đây nhất trong luật ngân hàng ở Washington đều được thực hiện dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và với Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã từng “đánh tiếng” về việc sẽ đưa ra một sắc lệnh nhằm rà soát kỹ lưỡng hơn các vụ mua bán, sáp nhập so với người tiền nhiệm của mình.
Một kịch bản có khả năng xảy ra đó là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, cùng với Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jesus "Chuy" Garcia, người đã từng giới thiệu dự luật Đạo luật rà soát quá trình sáp nhập ngân hàng vào tháng 12/2019, có thể tái giới thiệu Đạo luật này ngay bây giờ khi đảng Dân chủ đang chiếm đa số trong Thượng viện.
Mục tiêu của Đạo luật Warren-Garcia là "chấm dứt việc đưa ra quyết định một cách quá nhanh chóng đối với các yêu cầu sáp nhập ngân hàng”. Kịch bản này nhiều khả năng sẽ nhận được sự đồng thuận từ Sherrod Brown, Thượng nghị sĩ Ohio đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị của Thượng viện.
Ông nói: "Chúng ta không thể để các ngân hàng lớn hợp nhất thành các ngân hàng lớn hơn và hơn thế nữa. Điều này sẽ khiến các ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh hơn và khiến khu vực nông thôn bị bỏ lại phía sau".
Nhóm P.V
loading...