loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay 1/7 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay 7/7 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
Giá vàng châu Á tăng nhẹ trong phiên chiều 1/7
Tại thị trường Hà Nội, lúc 15 giờ 32 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,30-56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng châu Á tăng trong phiên chiều ngày 1/7 do những quan ngại về sự lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gia tăng làm tăng sức hấp dẫn của kênh đầu tư an toàn này, trước lúc công bố báo cáo việc làm Mỹ, vốn được xem là số liệu quan trọng đối với triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vào lúc 14 giờ 10 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã tăng 0,4% lên 1.776,40 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng nhẹ lên 1.776,50 USD/ounce.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management cho hay mặc dù thị trường lo ngại lãi suất tăng lên sau số liệ báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, song sự lây lan của biến thể Delta trên toàn cầu đang hỗ trợ giá vàng.
Số ca mắc COVID-19 biến thể Delta gia tăng đã thúc đẩy Pháp hoãn nới lỏng các hạn chế tại khu vực Landes, trong khi số ca mắc tại châu Á cũng đang tăng lên.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, công bố vào ngày 2/7, để tìm kiếm manh mối về bước đi tiếp theo của Fed.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Dallas Robert Kaplan ngày 30/6 cho hay Fed có thể bắt đầu giảm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trước khi kết thúc năm 2021, một phần để giảm khả năng thắt chặt chính sách đột ngột sau này.
Lãi suất tăng sẽ làm tăng cơ hội chi phí nắm giữ vàng, làm lu mờ sức hấp dẫn của vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,4% lên 26,22 USD/ounce, giá palladium giảm 1% xuống 2.751,5 USD/ounce, còn giá bạch kim nhích 0,1% lên 1.073,5 USD/ounce.
Giá vàng sáng 1/7 giao dịch sát mốc 57 triệu đồng/lượng
Sáng 1/7, giá vàng trong nước niêm yết tại các công ty vàng bạc đá quý tăng giảm trái chiều, giao dịch sát mốc 57 triệu đồng/lượng.
Lúc 8 giờ 44 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,25 - 56,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, so với chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết ở mức 56,45 - 56,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC giữ nguyên so với cuối phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,3 - 56,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trước đó trong phiên giao dịch 30/6, giá vàng thế giới đi lên. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.768,78 USD/ounce, còn giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,5% đóng cửa ở mức 1.771,60 USD/ounce.
Michael Matousek, nhà giao dịch hàng đầu thuộc tổ chức đầu tư U.S. Global Investors, có trụ sở tại Texas (Mỹ) cho rằng, giá vàng tăng nhẹ là nhờ một số hoạt động mua vào, sau khi giá kim loại quý này giảm 8,6% so với mức cao nhất đạt được vào đầu tháng Sáu.
Tỷ giá trung tâm tăng 5 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 1/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.182 VND/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.877 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.468 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD khá ổn định, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng nhẹ.
Lúc 8 giờ 20 phút, tại Vietcombank, giá USD không đổi so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.890 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 22.920 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV được điều chỉnh ở mức 3.515 - 3.618 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 4 đồng ở chiều mua vào và 5 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại Vietinbank, giá USD được niêm yết ở mức 22.890 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.523 - 3.633 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 2 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá vàng thế giới phiên 29/6 thấp nhất kể từ giữa tháng 4/2021
Giá vàng thế giới có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4/2021 trong phiên giao dịch 29/6 do đồng USD mạnh lên trong khi các nhà đầu tư chờ đợi Mỹ công bố báo cáo việc làm trong tuần này.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,93% xuống 1.761,66 USD/ounce vào lúc 0 giờ 39 phút ngày 30/6 (theo giờ Việt Nam) sau khi chạm mốc 1.749,20 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 15/4, trong cùng phiên. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 1% xuống 1.763,60 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chuyên gia thị trường cấp cao tại trung tâm RJO Futures, cho biết, ngoài đồng USD mạnh, một số nhà đầu tư có thể dự đoán số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn mong đợi.
Bộ Lao động Mỹ dự kiến số việc làm trong các lĩnh vực phi nông nghiệp ước tăng thêm 690.000 trong tháng Sáu, so với mức 559.000 vào tháng Năm, theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Chỉ số đồng USD tăng 0,2% khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định đồng USD rồi sẽ bắt đầu suy yếu trở lại bởi lẽ triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất là khá rõ ràng trong ít nhất 18 - 24 tháng nữa.
Han Tan, nhà phân tích thị trường hàng đầu tại trung tâm Exinity Group, cho biết, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản sẽ tạo ra áp lực giảm nhiều hơn đối với vàng, có khả năng đưa giá vàng xuống 1.730 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán 6 tháng: Những con số kỷ lục
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có bước tăng trưởng mạnh, lập kỷ lục lịch sử về điểm số, thanh khoản, số tài khoản mở mới... Trong nửa đầu năm cũng ghi nhận hệ thống giao dịch liên tục nghẽn lệnh gây không ít bất tiện cho nhà đầu tư và khó khăn cho nhà điều hành thị trường chứng khoán.
Con số kỷ lục đầu tiên có thể kể đến là điểm số. Theo đó, chỉ số VN - Index liên tục xô đổ các kỷ lục lịch sử đã lập trước đó và trở thành chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi kể từ đầu năm cho đến cuối tháng 5. Chỉ số VN - Index đã tăng 15,8% và trở thành chỉ số có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu khi mức tăng trưởng này ở thị trường Mỹ và châu Âu là 11%, thị trường khu vực châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chỉ đạt 3,2%, thậm chí chứng khoán khu vực Đông Nam Á giảm 2,9%.
VN - Index tăng 14,9% trong năm 2020, nhưng chỉ từ đầu năm 2021 đến ngày 30/6/2021, chỉ số này đạt 1.408,55 điểm, tăng gần 26% và tăng mạnh gần 113% so với thời điểm cuối tháng 3/2020 (thời điểm vùng đáy của thị trường).
Thị trường tăng mạnh là do có sự hỗ trợ từ thanh khoản. Theo đó, thanh khoản thị trường cũng liên tục lập kỷ lục và những phiên giao dịch 25.000 tỷ đồng, thậm chí là trên 30.000 tỷ đồng không còn là điều bất ngờ đối với nhà đầu tư.
Thanh khoản đã tăng từ mức 16.725 tỷ đồng/phiên trong tháng 2 lên mức 25.037 tỷ đồng/phiên kể từ đầu tháng 5, nhờ lượng tài khoản mở mới liên tục duy trì bình quân trên 100.000 tài khoản/tháng trong 3 tháng liên tiếp.
Kể từ đầu tháng 6 đến nay, thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục tăng rất mạnh với giao dịch bình quân đạt trên 32.000 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường không ngường nghỉ, khiến chứng khoán ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút mọi tầng lớp người dân tham gia.
Thực tế, xu hướng tăng thanh khoản tiếp tục được dẫn dắt bởi sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản mở mới và tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư cá nhân. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới cũng liên tục xác lập kỷ lục lịch sử.
Theo công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, kỷ lục lịch sử về số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021, đạt 113.191 tài khoản. Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận thuộc về tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản.
Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước; trong đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021 đã có tới 500.000 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở. Đây là con số tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới cao kỷ lục của thị trường chứng khoán và cao hơn 27,3% so với cả năm 2020. Cụ thể, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước năm 2020 đạt 392.527 tài khoản.
Thanh khoản gia tăng, số lượng lệnh giao dịch cũng tăng cao dẫn đến tình trạng liên tiếp nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), do hệ thống công nghệ thông tin không đáp ứng được. Thậm chí, HOSE đã phải đóng cửa giao dịch trong phiên chiều ngày 1/6, để đảm bảo an toàn hệ thống.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng từng tâm sự: “Hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra là điều rất đáng tiếc, nhất là trong thời điểm thị trường đang phát triển rất mạnh. Gần 1/4 thế kỷ tham gia gây dựng thị trường, cơ quan quản lý chỉ mong muốn được như ngày hôm nay, thị trường phát triển về quy mô, giao dịch, huy động vốn…, nhưng sự cố nghẽn lệnh làm cho chúng ta rất phiền toái ở trong niềm vui chung đó”.
Trước tình trạng nghẽn lệnh kéo dài trên sàn HOSE, cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp xử lý nghẽn lệnh như nâng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phiếu, chuyển bớt cổ phiếu giao dịch trên HOSE sang HNX, hợp tác với FPT để xử lý nghẽn lệnh…
Chia sẻ về tiến độ xử lý nghẽn lệnh, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE cho biết, những nỗ lực của Công ty cổ phần FPT và HOSE đã mang đến kết quả tích cực. Hiện nay, đã vào đến bước cuối cùng để báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính việc giải quyết triệt để vấn đề nghẽn lệnh đã kéo dài trong 6 tháng qua.
Theo Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), ông Dương Dũng Triều, từ tháng 7/2021, hệ thống mới cho HOSE sẽ sẵn sàng chờ lệnh vận hành từ Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Còn theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, ông rất hy vọng có thể đưa hệ thống KRX do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc thiết kế đi vào hoạt động trong cuối năm nay. Từ đó, giải quyết triệt để vấn đề hệ thống, tạo tiền để phát triển thị trường chứng khoán nhanh và bền vững hơn.
Quay trở lại với diễn biến thị trường tăng mạnh khiến nhu cầu đầu tư rất lớn. Lượng margin (dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ) cũng đạt mức kỷ lục khi các công ty chứng khoán đẩy mạnh tăng vốn và tìm nguồn để cung cấp cho thị trường chứng khoán.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết, lượng margin từ đầu năm đến giữa tháng 6 đã tăng khoảng hơn 30% so với cuối năm 2020. Tổng margin toàn thị trường khoảng từ 110.000 - 115.000 tỷ đồng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Ông Ngọc cho rằng, với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay và năng lực huy động vốn của các công ty chứng khoán, margin của công ty chứng khoán trong 6 tháng cuối năm có thể còn cao hơn nữa.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm sôi động và là một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới là nhờ kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, hồi phục sau dịch khá ấn tượng so với mặt bằng chung của thế giới.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam ở mức thấp khiến dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển từ các kênh tiết kiệm, bất động sản, ngoại tệ... vào kênh chứng khoán.
Ngoài ra, yếu tố quan trọng hơn đó là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết vẫn thể hiện sự tích cực. Tổng lợi nhuận quý I/2021 của các công ty niêm yết tăng trưởng khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển sang các kênh tài sản có giá trị sinh lời cao hơn; trong đó có kênh đầu tư chứng khoán.
Dưới góc nhìn của Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình, những tín hiệu hồi phục của nền kinh tế là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Diễn biến của thị trường chứng khoán luôn đi trước diễn biến thực của nền kinh tế. Việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện rõ kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, bà Bình nhận định.
Theo bà Bình, thị trường chứng khoán trong mỗi giai đoạn đều có cơ hội và thách thức riêng. Trong giai đoạn hiện nay, cơ hội vẫn thắng thế so với thách thức vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ; trong đó có độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Thực tế, thời gian qua, thị trường tăng trưởng mạnh giúp nhiều nhà đầu tư kiếm lời từ chứng khoán. Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, có hơn 70% các mã cổ phiếu trên HOSE đạt mức lợi nhuận lớn hơn mức tăng của VN - Index.
Điều này cho thấy lợi nhuận đến từ cổ phiếu của các ngành khác nhau. “Đây là thời kỳ rất tốt đối với thị trường chứng khoán. Hiệu suất đầu tư chứng khoán tương đối cao”, ông Nam nói.
Dù vậy ông Nam cho rằng, hiện tại nhà đầu tư khá kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II/2021. Khi kết quả kinh doanh quý II/2021 được công bố không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, thị trường có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Xu hướng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản. Lợi nhuận của các nhóm ngành này sẽ có tác động lớn đến thị trường trong thời gian tới.
Ông Nam dự báo những nhóm ngành này có tốc độ phát triển tương đối tích cực, nhưng sẽ chậm lại so với quý I/2021 và mức độ phân hóa của các nhóm cổ phiếu này cũng sẽ cao hơn.
“Trong 6 tháng cuối năm, tôi nghĩ thị trường sẽ tương đối tích cực. Tuy vậy, sẽ diễn ra sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhiều hơn”, vị chuyên gia nói.
Về dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ (margin), ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, margin như con dao hai lưỡi. Với quy mô thị trường như ở Việt Nam hiện nay, các công ty chứng khoán phải hết sức cẩn trọng vì hiện tại margin hiện đã tương đối nhiều. Trong 6 tháng tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ quyết liệt kiểm tra các công ty chứng khoán để đảm bảo các công ty chứng khoán cung cấp đúng dịch vụ theo quy định của pháp luật, để bảo vệ cho chính công ty chứng khoán và nhà đầu tư cũng như cho toàn bộ thị trường. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các công ty chứng khoán yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật về tất cả dịch vụ liên quan.
Phiên sáng đầu tháng 7, chứng khoán Việt Nam có đỉnh mới
Các chỉ số chứng khoán trong suốt phiên sáng 1/7 diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu. Dù vậy, đến cuối phiên, chỉ số VN-Index vẫn xác lập mức cao mới đạt 1.412,56 điểm.
Đà tăng của chỉ số nhờ vào nhóm các mã cổ phiếu đầu ngành và sự tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán.
Hàng loạt mã cổ phiếu chứng khoán sáng nay tăng giá như: HCM, FTS, VCI, MBS, BMS, SHS, VND, VDS, SBS, SSI, BVS…
Bên cạnh đó, thị trường còn nhận được hỗ trợ bởi các cổ phiếu vốn hoá lớn là BVH, FPT, GAS, MSN, HPG, PDR, VNM… Đây là động lực lớn giúp chỉ số VN-Index lập đỉnh lịch sử trong sáng nay.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến rất tiêu cực với hàng loạt mã giảm giá như PLX, PVB, PVS, PVC, BSR, OIL…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hoá với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có ACB, TCB, HDB, OCB, TPB, VPB, MSB, STB… Trong khi đó, ở chiều giảm giá có BID, LPB, SGB, VCB, VIB, CTG, KLB, SHB, SSB, PGB, EIB…
Điểm tiêu cực là khối ngoại đã đảo chiều bán ròng trong phiên sáng nay. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 76,48 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong khi đó, phiên hôm qua, khối ngoại mua ròng hơn 1.750 tỷ đồng.
Cuối phiên giao dịch sáng 1/7, VN-Index tăng 4,01 điểm lên 1.412,56 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 452,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 15.299 tỷ đồng. Toàn sàn có 180 mã tăng giá, 198 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,39 điểm lên 324,71 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 100,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.466 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng giá, 92 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,1 điểm xuống 90,15 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 56 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.077 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 119 mã giảm giá và 81 mã đứng giá.
Về diễn biến thị trường chứng khoán thế giới, trong phiên giao dịch ngày 30/6 tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% lên 34.502,51 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 4.297,50 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 14.503,95 điểm.
Chứng khoán Phố Wall đã ghi nhận mức tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021, với chỉ số S&P 500 có kỷ lục năm phiên liên tiếp tính đến ngày 30/6, nâng mức tăng từ đầu năm đến nay của chỉ số này lên 14%.
Cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng quý thứ năm liên tiếp, với S&P tăng 8,2%, Nasdaq tăng 9,5% và Dow Jones tăng 4,6%, nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư về phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Dù vậy, bất chấp mức tăng kỷ lục của chỉ số S&P 500 trong phiên 30/6, thị trường lớn hàng đầu châu Á là chứng khoán Nhật Bản lại đi xuống khi mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng Bảy, giữa bối cảnh giới đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần này.
Đầu phiên 1/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 39,99 điểm (0,14%) xuống 28.751,54 điểm.
Công ty chứng khoán Mizuho Securities có trụ sở tại Nhật Bản nhận định các nhà đầu tư sẽ vẫn giữ tâm lý thận trọng do lo ngại về sự lây lan các ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản và chờ đợi số liệu về thị trường việc làm Mỹ, dự kiến công bố trong ngày 2/7.
Nhóm P.V
loading...