loading...
Giá dầu thế giới chốt phiên cuối tuần 5/8 tăng, nhưng nếu tính chung cả tuần lại giảm mạnh khi báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến của Mỹ đã không hoàn toàn xua tan được lo ngại về sự giảm tốc mạnh của kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên 2/8, trước khi diễn ra cuộc họp của các nước sản xuất lớn về dầu mỏ.
Giá dầu giảm mạnh trong tuần qua, khi nguy cơ giảm tốc của kinh tế toàn cầu và tác động đến nhu cầu trở thành mối lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư.
Những lo ngại gia tăng sau khi Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào ngày 4/8 và cảnh báo kinh tế nước này sẽ suy thoái vào cuối năm nay.
Trong cả tuần, giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 9,7%, trong khi giá Brent giảm 8,7%.
Giá dầu phiên 5/8 phục hồi từ mức thấp sau khi số liệu mới cho thấy kinh tế Mỹ tạo thêm 528.000 việc làm trong tháng Bảy, vượt xa mức dự báo 258.000, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,6% xuống 3,5%.
Giá dầu WTI giao tháng Chín tăng 47 xu Mỹ, hay 0,5%, chốt phiên ở mức 89,01 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 10 tăng 80 xu Mỹ, hay 0,9%, lên 94,92 USD/thùng.
Báo cáo việc làm mới là dấu hiệu tích cực của kinh tế Mỹ và góp phần hạn chế đà giảm của giá dầu trong tuần qua. Châu Âu cũng công bố số liệu về sản xuất công nghiệp cao hơn dự báo của cả Đức và Pháp.
Phiên 4/8, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hồi tháng Hai năm nay, do giới đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 2,66 USD, tương đương 2,75%, xuống mức 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng hạ 2,34 USD, tương đương 2,12%, xuống 88,54 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/2.
Giá dầu thế giới giảm khoảng 4% trong phiên 3/8 xuống mức thấp nhất trong gần sáu tháng, sau khi số liệu của Mỹ cho thấy lượng xăng và dầu thô dự trữ của nước này bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ cho biết sẽ nâng mức mục tiêu sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày. Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm 3,76 USD, hay 3,7%, xuống 96,78 USD/thùng, mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 21/2. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 3,76 USD, hay 4%, xuống 90,66 USD/thùng, mức khép phiên thấp nhất kể từ ngày 10/2.
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên 2/8, trước khi diễn ra cuộc họp của các nước sản xuất lớn về dầu mỏ. Giá dầu WTI tăng 53 xu Mỹ, hay 0,6%, chốt phiên ở mức 94,42 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 51 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 100,54 USD/thùng tại London.
Trong phiên giao dịch 1/8, giá dầu giảm khoảng 4% khi số liệu tiêu cực về hoạt động sản xuất tại một số quốc gia làm giảm triển vọng nhu cầu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào cuộc họp diễn ra trong tuần này của OPEC+. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 3,94 USD (3,8%) xuống 100,03 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 4,73 USD (4,8%) xuống 93,89 USD/thùng.
Nhà phân tích về thị trường tại Oanda, Edward Moya, cho rằng dù có những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, thị trường dầu mỏ vẫn thắt chặt.
Các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng lại gây lo ngại sẽ khiến nền kinh tế suy thoái.
Các nhà phân tích tại Sevens Report Research cho rằng các nhà giao dịch đang dần bớt quan tâm đến xung đột Nga-Ukraine hơn nhiều so với lo ngại về nhu cầu dầu khi các cảnh báo về suy thoái gia tăng.
Lê Minh/TTXVN (Tổng hợp)
loading...