A+ A A- Kiểu đọc sách

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến vận hành chính thức từ tháng 4/2019

21:44 14/02/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, UBND Tp. Hà Nội và Tổng thầu EPC dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông vừa đưa ra kiến nghị sẽ kết thúc chạy thử vào cuối quý I/2019.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ kết nối với các tuyến đường Hà Nội như thế nào?

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ kết nối với các tuyến đường Hà Nội như thế nào?

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội Cát Linh – Hà Đông có vai trò quan trọng nối trung tâm thành phố Hà Nội với quận Hà Đông, là trục giao thông huyết mạch phía Tây, có mật độ giao thông đông đúc nhất thành phố, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ cuối năm nay.

Trước khi chạy chính thức, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội sẽ phải chờ kết quả đánh giá an toàn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị đánh giá độc lập của Pháp.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, hiện dự án không còn vướng mắc và chỉ còn khoảng 4% khối lượng thi công liên quan tới một số hạng mục thô như đường dẫn, bên trong nhà chờ... Sau khi kết thúc chạy thử, tổng thầu sẽ căn chỉnh trước khi được nghiệm thu, tiếp nhận và bàn giao cho Tp. Hà Nội quản lý, khai thác thương mại. Giai đoạn đầu có thể thí điểm cho người dân sử dụng nhưng chưa thu phí. Dự kiến thời gian chạy chính thức vào tháng 4/2019.

Chú thích ảnh
Hà Nội có phương án sắp xếp khoảng 30 tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga, tạo điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga tuyến đường sắt đô thị đến các vị trí khác nhau trong thành phố. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), Ban đang nỗ lực hoàn thiện toàn bộ các hạng mục còn lại trước khi Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị đánh giá độc lập của Pháp tiến hành đánh giá an toàn. Sau khi có đánh giá an toàn của các đơn vị này, tuyến đường sắt sẽ được Hội đồng nghiệm thu  Nhà nước nghiệm thu trước khi đưa ra phục vụ người dân chính thức.

Chú thích ảnh
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề ra mốc thời gian hoàn thành lắp đặt thiết bị của toàn dự án này trong tháng 8/2018. Bắt đầu vận hành chạy thử không tải từ tháng 9/2018 và thời gian vận hành thử từ 3 - 6 tháng trước khi khai thác thương mại. Dự án Cát Linh - Hà Đông thực hiện chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu từ tháng 9/2018, tốc độ trung bình 35 km/giờ.

Chú thích ảnh
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Về vấn đề kết nối hạ tầng giao thông với tuyến đường sắt trên cao, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã có phương án tổ chức lại mạng lưới xe buýt để tăng cường kết nối với tuyến đường sắt đô thị này. Qua đó, tạo điều kiện cho hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận lợi hơn, đặc biệt là giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân cũng như áp lực giao thông trên tuyến.

Chú thích ảnh
Sau khi kết thúc chạy thử, Tổng thầu Trung Quốc sẽ căn chỉnh trước khi được nghiệm thu, tiếp nhận và bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý, khai thác thương mại. Giai đoạn đầu có thể thí điểm cho người dân sử dụng nhưng chưa thu phí. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Theo phương án ban đầu sẽ có khoảng 30 tuyến xe buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga, tạo điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đến các vị trí khác nhau trong thành phố.

Chú thích ảnh
Người dân trong một chuyến đi thử tàu Cát Linh - Hà Đông đợt tháng 8/2018. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Sở Giao thông Vận tải sẽ tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng đi bộ để hành khách tiếp cận thuận lợi an toàn tại các điểm dừng và nhà ga trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tính toán cải thiện trạm dừng xe buýt tới gần các ga đường sắt; cải thiện hành lang cho việc lưu thông xe buýt, nhà chờ, hệ thống sơn kẻ, cầu vượt, cải tạo vỉa hè, lòng lề đường, cây xanh, chiếu sáng; tổ chức giao thông, bãi đỗ các phương tiện giao thông cá nhân cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị...

Chú thích ảnh
Nhà ga Cát Linh, nhà ga cuối cùng trong số 12 nhà ga trên tuyến. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Chú thích ảnh
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 12 nhà ga trên cao. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Dự án bao gồm các hạng mục: xây dựng 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, đường sắt đôi khổ 1,435 m, tốc độ tối đa 80 km/h; trang bị 13 đoàn tàu 4 toa xe công suất khoảng 1.200 người, tần suất chạy 2 phút/chuyến. Dự án cũng bao gồm 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.

Quang Toàn - TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...