loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bà Nguyễn Thị Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cho biết, từ ngày 3/2 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận giám định chất lượng 117 mẫu khẩu trang do các đơn vị chức năng của Hà Nội và các tỉnh, thành gửi đến, trong đó phát hiện có 21 mẫu khẩu trang không đạt tiêu chuẩn kháng khuẩn như quảng cáo sản phẩm.
Ngày 18/2, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Lê Thị Liên (sinh năm 1992, thường trú tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vì có hành vi lừa bán khẩu trang trên mạng xã hội facebook để chiếm đoạt gần 600 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương, trong số 21 mẫu khẩu trang này có 11 mẫu thay lớp vi lọc bằng lớp giấy vệ sinh, 1 mẫu khẩu trang giả khẩu trang của Nhật và 9 mẫu còn lại chỉ là khẩu trang thường, không phải khẩu trang y tế kháng khuẩn. Đây là những lô khẩu trang không rõ nguồn gốc do lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ.
Điển hình là ngày 13/2, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội gửi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội giám định chất lượng 6 mẫu khẩu trang lấy ngẫu nhiên trong lô hàng 360 chiếc khẩu trang 3 lớp, khẩu trang y tế là hàng hóa nhập lậu, chưa qua sử dụng và 24.050 chiếc khẩu trang y tế là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ. Qua giám định chất lượng phát hiện có 1 mẫu khẩu trang lớp lọc bụi được thay bằng lớp giấy.
Ngày 17/2, Sở Y tế Lạng Sơn cũng đã gửi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội trưng cầu giám định chất lượng hàng hóa đối với 3 mẫu khẩu trang y tế trong số 21.400 chiếc do Công an huyện Văn Lãng thu giữ khi tiến hành kiểm tra xe tô tô biển kiểm soát 30F – 187.12 tại ngã ba xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn) do ông Hoàng Tuấn Anh, địa chỉ thường trú tại số 488, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) điều khiển. Theo thông tin quảng cáo trên bao bì thì đây là khẩu trang y tế kháng khuẩn hoặc than hoạt tính, nhưng kết quả giám định chất lượng cho thấy 3 mẫu khẩu trang trên không có lớp kháng khuẩn hoặc không có lớp màng than hoạt tính.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết thêm, sau khi giám định chất lượng, Trung tâm đã trả kết quả cho các cơ quan chức năng để làm căn cứ xử lý theo quy định. Đối với số khẩu trang đạt chất lượng kháng khuẩn sẽ tham mưu đề nghị cho sử dụng để phòng bệnh cho người dân.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cũng giám định chất chất lượng 19 mẫu dung dịch rửa tay, gel rửa tay khô do Cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi đến; trong đó có 5 mẫu có hàm lượng methanol rất cao, 4 mẫu không có số công bố và đăng ký chất lượng. Ngoài ra, giám định chất lượng 15 mẫu cồn thì có 7 mẫu là cồn công nghiệp, chủ yếu là methanol.
Thời gian qua, nhu cầu sử dụng cồn sát khuẩn, nước rửa tay khô để phòng dịch bệnh COVID-19 tăng cao, các cơ quan, người dân đổ xô đi mua nhưng nhiều người mua nhầm phải cồn công nghiệp có hàm lượng methanol cao rất độc hại. Methanol là chất dễ dàng được hấp thu qua ruột, da, phổi của người.
Sau khi được đưa vào cơ thể chất này có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa. Bà Nguyễn Thị Thanh Phương khuyến cáo, người dân khi mua sản phẩm cồn, nước rửa tay sát khuẩn cần chú ý kiểm tra nhãn mác sản phẩm. Người sản xuất, kinh doanh cũng cần tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm tra kết quả kiểm nghiệm chất lượng của sản phẩm, đảm bảo không bán sản phẩm không được phép kinh doanh, có chất độc hại.
Thời gian tới, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tăng cường giám sát chất lượng thuốc, vật tư y tế phòng chống dịch ở tất cả các loại hình kinh doanh, phân phối trên địa bàn để chủ động phát hiện sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm giả, không để những sản phẩm này lưu thông trên thị trường, không những không có tác dụng phòng bệnh mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuyết Mai/TTXVN
loading...