loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Toán và Ngữ văn là hai môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, đồng thời là môn học được đa số thí sinh lựa chọn để sử dụng kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì vậy, đề thi tham khảo hai môn này nhận được sự quan tâm đặc biệt của tất cả các thí sinh dự thi.
Ngày 31/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của 7 môn: Toán học, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Các môn còn lại sẽ tiếp tục được công bố.
* Đề Ngữ văn – kiểm tra kiến thức văn học và mang tính thời sự
Nhận xét về đề thi Ngữ văn, cô giáo Nguyễn Thị Dịu, Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh, nhận xét: Về nội dung, đề tham khảo không chỉ kiểm tra kiến thức văn học mà còn đề cập các vấn đề thời sự. Ngữ liệu trong phần Đọc hiểu là một đoạn trích trong bài thơ "Miền Trung" của tác giả Hoàng Trần Cương. Hệ thống câu hỏi ở phần Đọc hiểu dẫn dắt học sinh tìm hiểu về mảnh đất và con người miền Trung- vùng đất vừa trải qua thiên tai bão lũ. Chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội là sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Đây là vấn đề giàu ý nghĩa, có tính giáo dục cao. Bằng chính trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt là những hiểu biết, trải nghiệm về tình người trong hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai vừa qua, học sinh có thể bàn luận sâu sắc về vấn đề này.
Câu 2 của phần Làm văn chiếm tỉ lệ điểm cao nhất trong bài thi (5,0 điểm) yêu cầu phân tích hình tượng sông Hương trong một đoạn trích của tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" và nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là tác giả, tác phẩm học sinh đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 12, tập một. Như vậy, phạm vi kiến thức của đề thi bám sát kiến thức lớp 12, không đánh đố học sinh. Tính phân hóa của đề thi tham khảo thể hiện rõ ở yêu cầu nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Như vậy, trong một cấu trúc quen thuộc, đề thi tham khảo năm nay vẫn tạo được nét tươi mới, mang hơi thở cuộc sống. Dựa vào đề thi này, học sinh sẽ biết định hướng ôn tập, tự tin chuẩn bị tâm thế, kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp 2021.
Cô giáo Phạm Thị Thu Phương, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ: Đề tham khảo môn Ngữ văn giữ nguyên cấu trúc cũ, có sự giảm bớt về độ khó đã mang lại cảm giác yên tâm cho cả giáo viên, học sinh trong giai đoạn học tập, ôn thi, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc dạy - học của giáo viên, học sinh trong suốt thời gian qua.
Theo cô giáo Phương, đề tham khảo năm nay giữ nguyên thời lượng, cấu trúc của đề thi chính thức môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. Cấu trúc đề gồm 2 phần. Phần I - Đọc hiểu (3 điểm), cung cấp một văn bản đọc hiểu là một đoạn thơ với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết (câu 1 và câu 2) đến thông hiểu (câu 3) rồi đến vận dụng (câu 4). Dù ở các mức độ của tư duy nhưng các câu hỏi đều không khó, học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,25 điểm.
Phần II - Làm văn (7 điểm), gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội- giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng. Đề cung cấp sẵn văn bản đoạn trích sẽ giảm nhẹ gánh nặng học thuộc dẫn chứng nhưng sẽ đòi hỏi kỹ năng lập ý, phân tích ở học sinh. Điều này sẽ tránh tình trạng học sinh bị điểm quá kém, tuy nhiên, để bật lên điểm giỏi thì học sinh cần có khả năng tư duy, khả năng cảm thụ, diễn đạt ở mức độ tốt. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12.
Để giúp học sinh ôn tập hiệu quả đối với kỳ thi, cô giáo Phương nhắn nhủ: Các em cần tranh thủ vừa học bài mới vừa ôn tập lại các kiến thức đã học từ đầu năm. Kiến thức phần văn học cần được hệ thống theo hình thức sơ đồ tư duy và lập bảng để việc ghi nhớ được thuận lợi, bền vững. Học sinh cần có kế hoạch tự ôn tập một cách khoa học, thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác; trong đó, tăng cường luyện tập các dạng bài: đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học để hình thành các kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, học sinh nên làm thật nhiều đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi để có sự chuẩn bị tâm lí tốt nhất.
* Đề Toán – câu hỏi dễ chiếm tỉ trọng lớn
Với đề thi tham khảo môn Toán, thầy giáo Lê Xuân Sơn, Trường Trung học phổ thông Chuyên (Đại học Vinh), nhận xét: Cảm nhận ban đầu là đề khá "mềm", số câu hỏi dễ và vừa chiếm tỉ trọng lớn, mặc dù có một số câu hỏi phân loại cao. Nội dung đề thi bám sát theo chuẩn kiến thức kỹ năng môn Toán Trung học phổ thông. Số câu hỏi ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu khoảng 76%, tương đương so với các năm 2019, 2020, đều tập trung vào kiến thức rất cơ bản, quen thuộc. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể chọn ngay được đáp án đúng. Học sinh khá có thể đạt ngay 7 điểm ở phần này của bài thi. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao không đánh đố, không phức tạp trong tính toán, có thể phân loại được học sinh khá giỏi, trong đó, hầu hết các câu hỏi quen thuộc và có 1-2 câu đòi hỏi tư duy sâu sắc.
Đề thi cũng được sắp xếp theo mạch kiến thức của lớp 11 và 12. Các câu hỏi thuộc lớp 11 chỉ ở mức độ 1 và mức độ 2. Bố cục như thế tạo điều kiện để các thầy cô giáo và học sinh dễ dàng hình dung được các nội dung kiến thức cần thiết, trọng tâm trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021.
Thầy giáo Đỗ Xuân Thắng (Hà Nội) nêu rõ: Đề thi tham khảo môn Toán có tính phân loại từ mốc điểm 8 trở đi, còn ở cấp độ dưới 7 ở mức chương trình cơ bản, đủ để phân loại phân khúc 8,9 ,10 (cao, thấp). Các câu hỏi từ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các mã đề có mức độ tương đương nhau, công bằng cho các thí sinh. Phần dễ là từ câu 1 đến 39, phần khó hơn từ câu 40 đến câu 50. Các câu phận loại trong đề thi hạn chế được việc bấm máy tính ra ngay đáp số cũng như hạn chế các câu hỏi mà học sinh có thể làm ngược (thử lại đáp số). Đề thi đòi hỏi học sinh hiểu bản chất vấn đề mới làm tốt được.
Theo đánh giá của thầy giáo Thắng, với tình hình dịch bệnh không có biến động mới, đề thi như vậy là hoàn toàn hợp lý về nội dung so với chương trình học tập hiện nay của đa số các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, khi ra đề thi chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc phân loại thêm từ phân khúc điểm 7 đến điểm 8 để tránh phổ điểm dồn ở mức 7 - 8 – 9, giúp các thí sinh và các trường phân loại đầu vào khi xét tuyển đại học dễ dàng hơn.
Thầy giáo Đỗ Xuân Thắng lưu ý học sinh cần hệ thống được tất cả các phần kiến thức lớp 12, những kiến thức hay thi của lớp 11 trong những năm gần đây. Các em cần ôn tập tốt, thành thạo tất cả các dạng bài thường gặp, các kỹ năng giải toán để giải quyết thật nhanh những bài toán dễ và những bài đã biết cách giải. Từ giai đoạn này, học sinh nên tăng cường giải đề thi thử và đặc biệt là giai đoạn sát kỳ thi chính thức nhằm tạo thói quen làm đề trắc nghiệm.
Để đạt điểm cao môn này, thí sinh vừa phải có tư duy tốt, đồng thời giỏi về khả năng tính toán và thực sự tinh ý trong quá trình làm bài, vận dụng các kỹ năng sử dụng máy tính cá nhân để rút ngắn nhất thời gian làm bài.
Việt Hà - TTXVN
loading...