loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sản xuất ô tô là mục tiêu chính của các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ.
So với cùng thời kỳ năm ngoái, khi dịch Covid mới bùng phát, thị trường ô tô đã có sự phục hồi nhanh chóng.
Lý do là việc xuất xưởng một chiếc xe liên quan đến các chuỗi cung ứng phức tạp cung cấp hàng trăm nghìn việc làm, thu hút hàng tỷ đô la đầu tư và yêu cầu các loại chuyển giao kỹ năng và công nghệ góp phần vào tăng trưởng dài hạn. Hơn nữa, những quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã trở thành những quyền lực kinh tế toàn cầu, một phần nhờ làm chủ được việc sản xuất và xuất khẩu ô tô, là một mô hình nhiều nước Đông Nam Á tìm cách mô phỏng.
Nhưng làm thế nào để một quốc gia trở thành trung tâm sản xuất xe hơi? Malaysia đã cố gắng làm điều đó khi thành lập một công ty xe quốc gia. Chính phủ đã dựng lên các rào cản thương mại khiến việc nhập khẩu ô tô nước ngoài trở nên đắt đỏ và sau đó tìm cách phát triển thương hiệu nội địa : Proton. Proton dẫn đầu thị phần xe trong nước nhờ chính sách bảo hộ song không thể xuất khẩu vì không đủ sức cạnh tranh. Kết quả là sản xuất sớm bão hoà.
Thái Lan đã đi theo con đường ngược lại, là mở cửa chuỗi cung ứng của mình cho đầu tư nước ngoài và nhập khẩu. Năm 1995, Thái Lan sản xuất khoảng 600.000 xe ô tô - mang thương hiệu quốc tế, ban đầu chủ yếu tiêu thụ trong nước. Đến năm 2015, Thái Lan sản xuất 1,9 triệu xe ô tô, với 800.000 xe bán ra trong nước và 1,2 triệu xe xuất khẩu. Do chính phủ đưa ra các ưu đãi đầu tư hấp dẫn và cho phép các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tự do hơn trong cách tổ chức chuỗi cung ứng của mình, các nhà máy của Thái có thể chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả, giúp cho việc xuất khẩu ô tô của họ trở nên cạnh tranh nhất trong khu vực.
Indonesia đã đi theo một con đường ở giữa Malaysia và Thái Lan. Thập niên 1970 và 1980, các hàng rào bảo hộ nhằm phát triển sản xuất ô tô trong nước được dựng lên song không thành công. Con trai của Tổng thống Suharto lúc đó được giao phụ trách công ty ô tô quốc gia mới thành lập, Timor Putra Nasional. Gặp Khủng hoảng Tài chính năm 1997, công ty này nhanh chóng sụp đổ và Indonesia đã quay trở lại cải cách thị trường. Tới giữa những năm 2000, ngành công nghiệp ô tô của Indonesia mới bắt đầu có được vị thế đáng chú ý.
Chìa khoá của ngành công nghiệp ô tô là quy mô thị trường - nói cách khác chính là số lượng khách hàng. Thành công của người Thái là bằng cách chuyên môn hóa và tự do hóa, đã có thể thúc đẩy nhu cầu toàn cầu vì hàng xuất khẩu của họ rẻ.
Trong khi đó, công nghiệp ô tô của Indonesia phát triển nhờ nhu cầu nội địa, bùng nổ từ 486.000 xe bán trong năm 2009 lên 1,2 triệu năm 2014. Sản lượng tăng, giá thành hạ, từ đó xe sản xuất tại Indonesia tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu với Thái Lan. Nhưng không giống Thái Lan, sản lượng xe của Indonesia không tăng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thay vào đó, xuất khẩu là tác động thúc đẩy tăng doanh thu trong nước.
Với lợi thế đông dân, thị trường nội địa đang trên đà bùng nổ, Indonesia được dự đoán sẽ tiếm ngôi của người Thái. Nhưng COVID-19 khiến tiêu thụ trong nước giảm mạnh, sản lượng chỉ còn 690.000 xe năm 2020 (so với 1,34 triệu năm 2018 và 1.29 triệu năm 2019) với tiêu thụ trong nước chỉ 530.000 xe. Quý 1/2021 giảm tiếp 22% so với cùng kỳ 2020, chỉ còn hơn 255 ngàn xe.
Cũng chịu ảnh hưởng đại dịch, sản lượng xe hơi của Thái Lan vào năm 2020 giảm 29% so với 2019 song vẫn còn 1,43 triệu chiếc trong đó gần 800 ngàn xe xuất khẩu. Quý 1/2021 nước này vẫn xuất xưởng khoảng 470 ngàn chiếc, tiếp tục là nhà sản xuất ô tô số 1 khu vực.
Hiện Thái Lan và Indonesia là hai nguồn xe nhập khẩu lớn vào Việt Nam.
PK (theo The Diplomat)
loading...