Bí kíp đi chơi công viên mùa hè vừa Vui vừa Khoẻ
Các công viên giải trí tầm cỡ đang là lựa chọn của rất nhiều gia đình cho chuyến du lịch hè. Nhưng công viên quốc tế vừa rộng, vừa nhiều trải nghiệm, lại vừa đông đúc. Làm sao để đi chơi cho khoẻ, cho vui và cho đáng “đồng tiền bát gạo”, những điều này cần cả bí kíp lẫn văn minh văn hóa khi đi du lịch.
Xếp hàng chơi công viên chủ đề– chuyện… toàn cầu
Rạp chiếu phim Airship tại Sun World Ba Na Hills một ngày cuối tuần tháng 6/2022, vài chục người xếp hàng mỗi line, chờ mỗi phiên chiếu 10 phút, với số lượng giới hạn 20 khách vào rạp/lần. Trung bình, du khách phải chờ khoảng 10-20 phút để trải nghiệm bay lượn trong không gian với những hiệu ứng đỉnh cao, như thể đang bay giữa sa mạc nóng bỏng, hay xuyên những tầng mây lạnh, rung lắc sợ hãi khi đi qua vùng nhiễu động trên bầu trời, cảm nhận luồng khói màu từ cuộc trình diễn máy bay táp vào mặt…, chân thật và choáng ngợp, thú vị đến mức chỉ muốn được bay mãi không dừng. Việc xếp hàng chờ vào rạp phim A irship- một cực phẩm mới ở Bà Nà, dù trong những ngày tháng 6 cao điểm đông đúc cũng không khiến du khách quá sốt ruột, bởi trong Lâu đài Mặt trăng, không khí mát rượi, không gian hết sức thoải mái.
Chuyện xếp hàng chơi công viên mùa cao điểm đã trở nên rất đỗi bình thường đối với du khách Việt, bởi nhiều người đã không ít lần trải nghiệm văn hóa xếp hàng chờ đợi tại các công viên nổi tiếng thế giới như Disneyland, Everland hay Universal Studio… Chị Phương Huyền (Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi từng xếp hàng cả tiếng đồng hồ để chơi một trò tại Universal Studio ở Singapore, dưới trời nắng nóng, đồ thì buộc phải gửi ở tủ đựng đồ với giá tương đương khoảng 70.000 đồng, sau một tiếng nếu mình không nhận thì phí gửi tăng giá. Nhưng đi chơi mà, mình phải tự biết cách làm thế nào để có thể tận dụng tối đa thời gian, bởi các công viên quốc tế thì không thể tránh khỏi việc đông đúc, chờ đợi”.
Với hàng chục triệu lượt khách mỗi năm, các công viên giải trí nổi tiếng thế giới luôn biết cách thử thách sự kiên nhẫn của du khách khi phải xếp hàng nhiều giờ trước mỗi trò chơi hay khu vực tham quan trải nghiệm. Còn tại Việt Nam, các công viên chủ đề lớn cũng đón hàng triệu du khách mỗi năm cả trong nước lẫn quốc tế. Bởi thế, chuyện xếp hàng dài chờ tới lượt chơi những trò chơi hay tận hưởng những trải nghiệm đẳng cấp quốc tế âu cũng là chuyện không phải cá biệt, và khi đã xác định cần trải nghiệm và khám phá, hẳn du khách cũng sẽ không ngần ngại giữ nếp văn hóa xếp hàng.
Mạnh tay chi tiền ăn hay mang theo …bánh mỳ, xôi nắm?
Không phải ai cũng dư dả để thoải mái tận hưởng thế giới ẩm thực đa dạng và tất nhiên không hề rẻ, tại các công viên giải trí lớn. Nhưng, mang theo đồ ăn sẵn như bánh mỳ, xôi lạc, xúc xích nguội… để tiết kiệm tiền ăn, tính ra cũng quả là “lợi bất cập hại”. Vừa lỉnh kỉnh phiền phức, vừa nguội lạnh đồ ăn, thậm chí có thể thiu vì trời nắng nóng. Đồ ăn như thế có đủ nạp năng lượng để bạn sung sức …chơi tới bến với vô số trò vui?
Trong khi đó, rất nhiều công viên giải trí xem ẩm thực là một trong những trải nghiệm phải thử. Ví dụ, Sun World Halong Complex có cả một dãy kios đủ thức ngon. Hay tại Sun World Ba Na Hills, có đến 7 nhà hàng ngập tràn hương vị bia tươi trong lễ hội ẩm thực và bia B’estival. Bạn có đành lòng ngồi …gặm bánh mỳ trước thế giới mùi hương quyến rũ như thế? Tiếc đồ ăn mang đi, ấy là đã bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm ẩm thực đặc trưng vùng miền, thậm chí là ẩm thực đến từ nhiều quốc gia khác.
Chị Hoàng Anh (Thanh Hoá) chia sẻ: “Trước khi đến công viên giải trí, tôi luôn tìm hiểu kỹ về các lựa chọn ẩm thực phù hợp với khẩu vị và túi tiền. Việc sa đà và ngẫu hứng khi lựa chọn đồ ăn tại các khu vui chơi rất dễ dẫn đến lãng phí và tốn kém”.
Các công viên giải trí đẳng cấp cũng đều có nhà hàng buffet phong phú các món ăn để du khách có thể “ăn cho đã bụng” với mức giá khoảng hơn 200.000 đồng/người. Rất nhiều người lựa chọn loại hình ẩm thực này. Mua vé theo combo cũng là một cách tuyệt vời để tiết kiệm chi phí. Ví như tại Fansipan, mua combo vé cáp treo + buffet có giá 935.000đồng/người lớn, rẻ hơn tầm 50.000 đồng/người khi mua lẻ và còn được tặng thêm vé tàu hoả leo núi Mường Hoa hai chiều có giá 100.000đồng. Hệ thống Vinpearl cũng đưa ra những combo giá trọn gói hấp dẫn và du khách được vui chơi công viên chủ đề không giới hạn.
Có nhiều cách để tiết kiệm chi phí cho chuyến vui chơi tại các công viên giải trí lớn, chỉ cần bạn chịu khó nghiên cứu kỹ điểm đến trước khi xách ba lô lên và đi.
Check-in bất chấp hay nâng niu điểm đến?
Hàng ngàn du khách đến với Fansipan mỗi ngày, đôi khi chỉ để được check-in với hoa và ‘bay” trong khung cảnh thần tiên. Miền Trung, Bà Nà cũng quanh năm rực rỡ với các sắc hoa đặc trưng của vùng núi Chúa như Arapang, lavender, cẩm tú cầu... Được ngắm hoa, check-in với hoa, thậm chí đôi khi khó cưỡng được cảm giác muốn ngắt hoa, ấy cũng là điều dễ hiểu.
Chị Phan Trang (Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi đến Fansipan nhiều lần vì ở đây có thung lũng hoa quá đẹp. Thỉnh thoảng nhìn thấy có bạn trẻ dẫm đạp lên hoa để chụp ảnh check-in tôi xót lắm. Hoa là để ngắm, là để nâng niu mà”.
Thưởng hoa, thưởng thức cái đẹp, ấy là một lẽ đáng trân trọng. Chỉ mong, ấy là sự tưởng thưởng đi cùng với thái độ nâng niu để giữ gìn điểm đến. Chỉ có vậy, các hành vi hái hoa bẻ cành, xả rác bừa bãi, lãng phí đồ khi ăn buffet… mới không còn là những câu chuyện buồn về văn hoá du lịch.
Thế mới nói, đi du lịch cũng cần văn minh, đó không chỉ là một thói quen tốt cho bản thân mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ cảnh quan và xây dựng hình ảnh du lịch Việt trong mắt du khách, bạn bè quốc tế.
PTTT