Bác sỹ thể thao: Lỗ hổng của bóng đá chuyên nghiệp
(Thethaovanhoa.vn) - Đã đến lúc, y học trong thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng cần được đề cao, hệt như vấn đề chuyên môn.
CLB Hà Nội vừa thông báo, họ đã mời chuyên gia Kim Kwang Jae đảm nhiệm vị trí trưởng bộ phận y tế. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành CLB Hà Nội cho rằng: “Trước hết, trong quá trình chuyên nghiệp hóa đội bóng, đặc biệt chú trọng vào công tác cải thiện thể hình, thể lực cho toàn bộ cầu thủ từ đội 1 đến các lứa U, CLB Hà Nội rất cần một chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực này đảm nhiệm công việc”.
Rõ ràng, bóng đá bất kể thời điểm nào cũng cần đến y học. Đó chẳng khác nào là “đôi bạn cùng tiến”, nhất là bóng đá đương đại, vai trò của y học càng hết sức quan trọng. Không chỉ xoay quanh các chấn thương mà y học kết hợp với các yếu tố chuyên môn sẽ giúp cầu thủ có thể hình cũng như nền tảng sức khỏe tốt nhất.
Từ đó, các yêu cầu về mặt chiến thuật mới được vận hành trơn tru. Trước đây và kể cả bây giờ, vấn đề này không được quan tâm đúng mức. Nhiều đội bóng chỉ sử dụng bác sĩ theo dạng “amateur”. Họ cũng xuất phát từ ngành y nhưng có người từ y đa khoa, thậm chí cả y học cổ truyền rồi “điều chuyển” sang làm bác sĩ thể thao.
Cần phải tách bạch rõ ràng, bác sĩ thể thao là một ngành hoàn toàn chuyên biệt, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao. Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến không ít cầu thủ lụi đời sự nghiệp quần đùi áo số vì cách chữa trị sai, lộ trình thiếu khoa học.
Hiện tại, nhiều đội bóng cũng dành sự quan tâm nhưng nếu nhìn thực trạng chung thì thật là đáng buồn. Bác sĩ của CLB SLNA chỉ được trả lương “bèo” khoảng 7-8 triệu/tháng và phải tìm đường ra đi. Các CLB hạng Nhất còn thảm hơn khi các trợ lý cũng phải kiêm nhiệm cả vai trò của… bác sĩ.
CLB Hà Nội đã mời vị chuyên gia người Hàn Quốc. Ông từng là thành viên góp công giúp Viettel FC vô địch V-League 2019. Nhưng, đội bóng Thủ đô chỉ thực sự coi trọng vấn đề này khi số lượng ca chấn thương hai năm qua quá lớn. “Xuất phát từ thực tế trong 2 năm qua, số lượng ca chấn thương của đội bóng luôn ở mức cao. Đó là hệ quả của việc các cầu thủ Hà Nội luôn thi đấu với cường độ lớn, mật độ dày đặc cả trong màu áo ĐTQG và CLB”, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
Các cầu thủ Hà Nội chấn thương vì thi đấu, tập luyện ở đội tuyển quốc gia cũng có mà ở CLB cũng có. Nó cho thấy, chấn thương luôn hiện hữu bất cứ lúc nào. Song, vấn đề về cách chữa trị chưa thật sự xứng tầm để dứt điểm chấn thương.
Ngay ở đội tuyển quốc gia thôi, 1 chuyên gia Hàn Quốc khác là ông Choi Ju Yong được biết đến là “thần y”. Vai trò của vị bác sĩ này rất lớn, là cánh tay đắc lực của HLV Park Hang Seo ở đội tuyển quốc gia. Ấy thế, biết bao cầu thủ lên tuyển rồi chấn thương; thậm chí chấn thương nặng, dai dẳng trong thời gian dài qua vì chưa được đánh giá đúng mức độ. Đó vẫn là bài toán cần lời giải để có sự đồng bộ nhất định từ ĐTQG cho đến các CLB.
Nhìn từ vấn đề y học của ĐTQG, các CLB mới học hỏi, tham vấn và có sự chọn lọc nhất định.Thế nên, việc CLB Hà Nội bổ sung chuyên gia y học là cách để họ tự “cứu” lấy chấn thương cầu thủ của mình và cũng là cách đánh tiếng về vấn nạn chấn thương xảy ra liên tiếp với tần suất càng nghiêm trọng ở đội tuyển trong thời gian qua.
Gia Bình