Bác sĩ Tôn Thất Tùng - Người thầy thuốc làm rạng danh y học Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan, suốt cuộc đời, Giáo sư Tôn Thất Tùng luôn gắn bó với bệnh viện và bệnh nhân. Làm việc không mệt mỏi cho đến tận cuối đời, ông đã để lại 123 công trình khoa học có giá trị.
- Khen thưởng 19 thầy thuốc nguy cơ phơi nhiễm HIV do quên mình cứu bệnh nhân
- Thầy thuốc trẻ cùng ngư dân bám biển
Cha đẻ của “phương pháp Tôn Thất Tùng” trong phẫu thuật gan
GS Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 trong một gia đình quý tộc tại Thanh Hoá. Cha ông qua đời khi ông mới ba tháng tuổi. Mẹ ông đã đưa gia đình vào Huế và định cư ở đó. Từ chối làm quan, người thanh niên Tôn Thất Tùng đã ra Hà Nội học trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay) và năm 1932 bắt đầu vào học Trường Đại học Y khoa Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân.
Thông minh xuất chúng, mới 27 - 28 tuổi, Tôn Thất Tùng đã có công trình được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp và huy chương bạc của Đại học Y Paris. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã công bố 62 công trình trên các tạp chí y học Pháp ở Paris và ở Viễn Đông.
Ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch” còn được gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”. Phương pháp này cho phép cắt gan chỉ mất 4-8 phút trong khi, nếu theo phương pháp vẫn được coi là kinh điển mang tên vị giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-6 giờ. Sáng chế của Tôn Thất Tùng không phải là do sự “khéo tay”, thay đổi kỹ xảo vụn vặt, như có người lầm tưởng, mà chính là bắt nguồn từ những nghiên cứu cơ bản do anh sinh viên nội trú thuộc dòng dõi hoàng gia này thực hiện trong những năm 1935-1939.
Lần đầu tiên trong nền y học thế giới, Tôn Thất Tùng đã mô tả các mạch máu và ống mật trong gan sau khi phẫu tích hơn 200 lá gan người chết. Trên cơ sở đó ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp với nhan đề: “Cách phân chia mạch máu của gan”. Đây là một công trình thuộc về giải phẫu loài người chứ không phải riêng cho Việt Nam, nên ông đã hướng nghiên cứu của mình vào việc cắt gan, lĩnh vực mà cả thế giới chưa có ai dám đề cập. Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Với bản luận án này, Tôn Thất Tùng đã được Trường Đại học Tổng hợp Paris tặng Huy chương bạc.
Năm 1939, khi Tôn Thất Tùng trở thành bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Phủ Doãn (BV Việt-Đức ngày nay), sau nhiều lần cắt trên gan người chết, ông đề xuất với thầy hướng dẫn về phương pháp của mình. GS.Mayer-May tán thành nhưng còn e sợ. Một hôm có một bệnh nhân chuẩn đoán tưởng là ung thư dạ dày nhưng khi mổ lại phát hiện bị ung thư gan của thùy gan trái. Để thực hiện ca giải phẫu này, dưới sự hướng dẫn của BSTôn Thất Tùng, GS.Mayer-May đã tiến hành cắt bỏ thùy gan trái cho bệnh nhân. Đây là phương pháp cắt gan mới, bởi theo khảo cứu của Tôn Thất Tùng, từ năm 1938 trở về trước y học thế giới mới cắt gan 87 lần - một con số không đáng kể vì cắt gan “không kế hoạch”, nghĩa là cắt vu vơ, gặp mạch máu thì buộc lại.
Thấy bệnh nhân sống sót sau khi mổ, GS.Mayer-May bảo Tôn Thất Tùng: “Anh chép lại bệnh án trao cho tôi ngay. Chúng tôi sẽ gửi báo cáo này lên Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris”. Không ngờ, tại đây bản báo cáo bị công kích dữ dội, vì “ý tưởng của Tôn Thất Tùng quá mới”. Mãi đến năm 1952, tại Hội nghị Phẫu thuật quốc tế ở Copenhaghen - Đan Mạch phương pháp cắt gan của ông mới được thừa nhận.
Năm 1963, GS Tôn Thất Tùng cho công bố phương pháp cắt gan mới trên tờ “The Lancet” ở London, tờ tạp chí rất nổi tiếng trong ngành phẫu thuật thế giới. Công trình gây chấn động dư luận. Chỉ sau một tháng, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Australia gửi thư sang Hà Nội, xin ông tài liệu về Phương pháp cắt gan này. Phương pháp này cũng được đưa vào "Bách khoa thư Nội thương – Phẫu thuật" của Pháp, và được in trong "Chọn lọc các Tài liệu Sản khoa và Phẫu thuật" của Mỹ…
Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, giải thưởng cao quý nhất trong ngành phẫu thuật thế giới, 5 năm mới tặng 1 lần cho một nhà phẫu thuật xuất sắc tại thời điểm đó.
Đến năm 1979, GS Tôn Thất Tùng đã thực hiện khoảng trên 700 ca cắt gan lớn, nhỏ, bỏ xa một nhà phẫu thuật Singapore đứng sau ông cắt hơn 100 ca. Ngày nay, mổ gan khô đã trở thành một trong hai phương pháp cắt gan chính trên toàn thế giới.
Xây dựng một nền y học Việt Nam hiện đại
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, GS Tôn Thất Tùng được giao nhiệm vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian đó, ông đã viết cuốn sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu về giun với vấn đề "Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật". Đây là cuốn sách khoa học thuộc ngành Y được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Một thời gian sau, ông được cử làm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn và cùng với giáo sư Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi Pháp nổ súng tái xâm lược Đông Dương, ông tham gia tổ chức cứu chữa thương bệnh binh, xây dựng các tuyến mổ xẻ như ở mặt trận Tây Nam Hà Nội cùng các bác sĩ Nguyễn Hữu Trí, Hoàng Đình Cầu...
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông vẫn tham gia tổ chức điều trị, phát triển ngành y tế, đồng thời với nghiên cứu khoa học, với đào tạo sinh viên, xây dựng nền tảng trường Y khoa Việt Nam, dù phải di chuyển nhiều lần, ở nhiều địa bàn như Vân Đình, Hà Đông (1946), Lăng Quán, Tuyên Quang (1947), Phù Ninh, Phú Thọ (1948), Đại Lục, Phú Thọ (1949), Chiêm Hóa, Tuyên Quang (1950)... Ông cũng được cử làm làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc Phòng. Cũng trong thời gian này, cùng với Giáo sư Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần sản xuất Penicillin phục vụ thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến. Năm 1947, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế và giữ chức vụ này cho tới năm 1961.
Từ năm 1954, ông làm Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, và giữ cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Dược Hà Nội. Ông đề cao việc tiếp thụ y học phương Tây để xây dựng và phát triển nền y học của Việt Nam, nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật phát triển ngành ngoại khoa Việt Nam.
Ngày 5-5-1958, GS Tôn Thất Tùng thực hiện thành công ca mổ tim đầu tiên và đến năm 1965 ca mổ tim bằng máy tim - phổi nhân tạo đã thành công như mong đợi. Ông cũng là người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học dioxin đến con người và môi trường tại Việt Nam, phương pháp điều trị các vết thương do bom bi, phương pháp điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật kết hợp dùng miễn dịch và rất nhiều công trình khoa học khác...
Ngoài ra, ông còn có công lao to lớn trong việc đào tạo một đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn, là tấm gương người thầy mẫu mực, trung thực, say mê khoa học, hết lòng yêu thương học trò…
Do công lao và những cống hiến to lớn đối với đất nước, GS Tôn Thất Tùng được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật và nhiều huân, huy chương khác…
Ngày 7-5-1982 ông qua đời tại Hà Nội. Hơn ba thập kỷ đã trôi qua, nhưng những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho nền y học Việt Nam và thế giới của GS Tôn Thất Tùng còn sống mãi. Không chỉ Huế và Hà Nội mà ở cả TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Đồng Tháp đều có con đường mang tên ông.
Linh Quang - TTXVN