Bắc Ninh tổ chức vinh danh 3 bảo vật quốc gia
Bắc Ninh nổi tiếng không chỉ là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh mà còn là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia.
Vừa qua, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia, trong đó, tỉnh Bắc Ninh có 3 bảo vật quốc gia là tượng Quan thế âm chùa Cung Kiệm (huyện Quế Võ); bia đá chùa Tĩnh Lự (huyện Gia Bình) và thạp đồng văn hóa Đông Sơn (thành phố Từ Sơn). Tối nay (25/2), trong khuôn khổ Festival về miền Quan họ, tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức lễ vinh danh ba bảo vật này.
Pho tượng Quan âm được khắc với niên đại sớm nhất
Tượng Quan âm bằng đá thời Lê Sơ tại chùa Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh hay còn gọi là Pho tượng Quan Âm Nam Hải. Đây là pho được khắc với niên đại sớm nhất ở nước ta. Theo Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quế Võ Hoàng Minh Tuấn, pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm được tạo tác năm Kỷ Tỵ (1449), niên hiệu Thái Hòa thứ 3 do nhóm người tại địa phương lúc bấy giờ hưng công cung tiến phục vụ mục đích thờ cúng tại chùa. Tượng gồm 2 phần chính là phần bệ tượng và phần thân tượng với chiều cao tổng thể là 88,7cm. Trong đó, chiều cao phần bệ là 36,9cm và chiều cao phần thân tượng là 51,8cm.
Tượng Quan âm bằng đá là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi thiền, bán kiết già, đường nét chạm khắc tinh tế, mềm mại. Khuôn mặt bầu, phúc hậu toát lên vẻ từ bi của nhà Phật. Đầu đội mũ thiên quan được trang trí rất tỉ mỉ với các đồ án như hoa sen, hoa mai, đồ án hoa dây cách điệu. Đặc biệt, đây là pho tượng Quan Âm đá duy nhất tạo hình bệ tượng với sự xuất hiện của đôi thủy quái đỡ bệ sen.
Theo các nhà nghiên cứu, Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ vào hai triều đại Lý - Trần, nhưng bước sang thời Lê sơ khi Nho giáo là hệ tư tưởng chủ đạo với chính sách "trọng Nho khinh Phật", tư tưởng "Nho giáo độc tôn" thì Phật giáo không còn được quan tâm như các thời kỳ trước đó, việc xây dựng chùa và các đồ tế tự cũng không được chú ý nhiều. Tuy nhiên, với pho Quan âm đá chùa Cung Kiệm được tạo tác rất đẹp do một nhóm người thuộc tầng lớp bình dân ở địa phương hưng công tạo tác thì có thể thấy rằng văn hóa Phật giáo vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân tận các nơi thôn dã. Đây là pho tượng rất quan trọng đối với lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử tạo tượng Việt Nam.
Hiện nay, tại Việt Nam, đối với hệ thống tượng Quan âm chỉ có duy nhất 2 pho tượng được khắc niên đại tuyệt đối, gồm: Tượng Quan âm chùa Cung Kiệm (1449) và Pho tượng Phật bà Quan âm chùa Bút tháp tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (1656). Như vậy, pho tượng Quan âm chùa Cung Kiệm là pho tượng được khắc niên đại sớm nhất, đồng thời là pho tượng Quan âm thời Lê sơ duy nhất. Điều này, có giá trị đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử tạo tượng Việt Nam nói chung và lịch sử tín ngưỡng thờ Quan Âm của người Việt nói riêng.
Bia Tĩnh Lự thiền tự bi mang tính độc bản
Trong khi đó, bia Tĩnh Lự thiền tự bi ở chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình là kiệt tác nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng. Đây là hiện vật gốc trong di tích, được dựng theo sự chỉ đạo của chúa Trịnh Tráng để ghi chép về việc trùng tu, mở rộng quy mô chùa Tĩnh Lự năm Mậu Tý 1648. Ngoài giá trị về mỹ thuật, kiến trúc, nội dung văn bia cung cấp rất nhiều giá trị về việc nghiên cứu lịch sử trùng tu, mở rộng chùa Tĩnh Lự.
Theo ông Nguyễn Gia Toản, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Bình, bia và nhà bia chùa Tĩnh Lự được tạo tác hết sức công phu, mang nhiều giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật và hình thái kiến trúc. Bia có kết cấu tổng thể gồm 4 phần gồm đế bia, tấm bia (khắc minh văn), hai tấm phù điêu (chạm hoạt cảnh) và mái che. Bia và nhà bia chùa Tĩnh Lự được tạo tác công phu, mang nhiều giá trị về nghệ thuật điêu khắc, mỹ thuật và hình thái kiến trúc. Nội dung văn bia ghi chép về việc trùng tu và những người công đức vào chùa Tĩnh Lự ở thời điểm bấy giờ nên đây là hiện vật mang tính độc bản.
Nội dung trên văn bia cho thấy, việc tham gia vào trùng tu, mở rộng quy mô chùa Tĩnh Lự bao gồm rất nhiều các tín chủ, trong đó có cả những người đứng đầu bộ máy triều chính như: vua Lê (Thái Thượng hoàng Lê Duy Kỳ), chúa Trịnh (Trịnh Tráng), Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Tây vương (Tây Quốc công) Trịnh Tạc, Quỳnh Nham công Trịnh Lệ, các vị cung tần trong phủ chúa cho đến các thiện nam, tín nữ trong cả nước…
Qua tư liệu về tư liệu thành văn (sử sách, văn bia) và chứng tích khảo cổ học có thể thấy chùa Tĩnh Lự qua các triều đại đều được triều đình quan tâm, qua đó thể hiện vị trí "quốc tự" rất rõ ràng. Như vậy, bia Tĩnh Lự thiền tự bi là một hiện vật đặc biệt là chứng tích cho sự phát triển huy hoàng của chùa Tĩnh Lự với tính chất là một ngôi quốc tự, một đại danh lam đương thời.
Vào tháng 4 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cũng đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức khai quật khảo cổ học tại chùa Tĩnh Lự trên diện tích 360m2. Kết quả khai quật đã phát hiện các dấu tích kiến trúc Lý - Trần và Lê Trung Hưng và rất nhiều di vật, hiện vật quý. Trong đó, có các hiện vật kiến trúc tương đồng với vật liệu kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long và đồ ngự dụng của các triều đại. Qua đó chứng minh được chùa Tĩnh Lự trong lịch sử là một ngôi chùa nổi tiếng được nhiều triều đại quan tâm.
Độc đáo thạp đồng văn hóa Đông Sơn
Thạp đồng văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng do ông Nguyễn Thế Hồng ở phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn sở hữu cũng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, phân bố chủ yếu tại vùng núi trung du và đồng bằng của các con sông lớn ở miền Bắc Việt Nam.
Thạp đồng văn hóa Đông Sơn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cơ bản còn nguyên thân thạp, chỉ một số chỗ nhỏ bị sửa chữa. Hoa văn trang trí sắc nét, rõ ràng. Toàn bộ thạp phủ lớp sơn hơi xanh gỉ đồng ngả vàng. Căn cứ vào hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc biệt là hoa văn trang trí, thạp đồng này thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên).
Theo ông Nguyễn Thế Hồng, một trong những điểm độc đáo của thạp đồng văn hóa Đông Sơn tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là hoa văn động vật trên các băng trang trí. Trong số này, tại băng thứ 21 có trang trí 14 con thú (giống chồn/cáo) với 11 con đuôi thẳng, 3 con đuôi cong, mỗi con có chiều dài dao động từ 8 - 8,5 cm. Đây cũng là băng hoa văn chính, trung tâm của thạp đồng. Đàn 14 con thú này nối đuôi nhau chạy ngược chiều kim đồng hồ. Thú có miệng dài, thân dài và cong, đuôi dài to, bốn chân có móng rõ ràng, phía sau đầu có bờm (mào) dài.
Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá, đây là những con thú được đúc trong tư thế vận động, cong mình như đang chạy đuổi theo nhau, theo chiều ngược kim đồng hồ. Điều này tạo cho người xem cảm giác đang chuyển động. Đó là nghệ thuật thể hiện động trong tĩnh, được nghệ nhân đúc đồng thời Đông Sơn vận dụng vô cùng hiệu quả. Đây là chiếc thạp đồng Đông Sơn duy nhất hiện biết ở Việt Nam có trang trí băng hoa văn này.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, hiện nay ở nước ta phát hiện được hơn 235 chiếc thạp đồng. Thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là một trong những chiếc thạp còn nguyên vẹn hiện biết cho tới nay. Đây là một tác phẩm đẹp hoàn hảo, hoa văn trên thạp sắc nét, độc đáo, được bố cục cân đối, hài hòa mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, Bắc Ninh được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đánh giá là tỉnh của bảo vật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận.
Từ khi được công nhận nhóm bảo vật quốc gia đầu tiên năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật. Cụ thể, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy chế phân cấp quản lý các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Những bảo vật quốc gia nằm trong di tích quốc gia đặc biệt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh quản lý. Đối với những bảo vật nằm trong di tích quốc gia ở các huyện do ủy ban nhân dân huyện nơi có di tích quản lý. Đặc biệt, mỗi điểm di tích tiêu biểu của tỉnh đều bố trí cán bộ làm nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu di tích, trong đó có các bảo vật.
Ông Nguyễn Văn Đáp cho rằng, theo con số thống kê trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều các hiện vật xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia đang nằm ở các di tích và của các tổ chức, cá nhân sở hữu. Thời gian tới, tỉnh sẽ đánh giá tổng thể các hiện vật để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Đối với công tác bảo tồn, bảo vệ bảo vật quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố lập phương án bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý văn hóa, Công an và chính quyền sở tại (nơi có di tích đang được lưu giữ bảo vật quốc gia) trong việc bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích. Mỗi điểm có bảo vật đều bố trí camera theo dõi an ninh.
Cùng với đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh lập đề án phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia. Thông qua đề án này nhằm đánh giá hiện trang các bảo vật quốc gia theo nhóm hiện vật, trong đó, ưu tiên các bảo vật đang có nguy cơ bị xuống cấp..