Bắc Ninh đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP
Các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Ninh đều được mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.
Tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định phê duyệt Danh mục sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh phê duyệt 62 sản phẩm của 31 chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm 2022. Các sản phẩm chủ yếu thuộc các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng…
Trong số đó, huyện Tiên Du có 15 sản phẩm của 6 chủ thể; huyện Thuận Thành có 14 sản phẩm của 8 chủ thể; thành phố Từ Sơn có 12 sản phẩm của 4 chủ thể; thành phố Bắc Ninh có 6 sản phẩm của 4 chủ thể...
Ngoài ra, 2 sản phẩm thịt sào mắm ruốc PTK và mắm tép chưng thịt PTK của Công ty Trách nhiệm hữu hạn PTK 879 Việt Nam, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh được tham gia nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao.
Khi được công nhận sản phẩm OCOP, đây cũng là căn cứ tin cậy để người tiêu dùng an tâm về chất lượng sẩn phẩm địa phương. Mặt khác thông qua chương trình OCOP các sản phẩm có điều kiện ưu tiên hỗ trợ bằng những chính sách tốt, đặc biệt, được đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể trên địa bàn 8/8 huyện, thành phố. Các sản phẩm sau khi được công nhận đều mở rộng thị trường, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.
Nhằm phát huy cao hơn nữa hiệu quả của chương trình này, nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm OCOP, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phối hợp, trong đó vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển các tổ chức sản xuất được xem là giải pháp trọng tâm.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đã áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai Chương trình OCOP. Hiện nay, áp dụng chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP ở Bắc Ninh đang được thực hiện rất tốt, nhất là khâu bán hàng. Hầu hết các chủ thể rất năng động, tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh cũng như qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Để triển khai chương trình, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Trong đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nằm trong vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chương trình OCOP 50% chi phí đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.
Xác định Chương trình sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình sản phẩm OCOP, tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; triển khai 2 mô hình làng văn hoá du lịch; xây dựng 1 trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; Có ít nhất 30% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề; Có ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hành hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…).
Để triển khai chương trình sản phẩm OCOP, Bắc Ninh tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP. Trên cơ sở các quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các huyện giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cường liên kết vùng, mở rộng diện tích nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ… Từ đó mời gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm OCOP hình thành các chuỗi giá trị.
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sang thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã. Tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, sản phẩm OCOP; thiết kế bao bì nhãn mác sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.
Xây dựng và hình thành các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thường niên; có kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại bài bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của quốc gia; phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…