Bắc Giang vững vàng tốp đầu cả nước về thu hút các dự án FDI
(Thethaovanhoa.vn) - 5 năm trở lại đây, thu hút đầu tư nói chung, thu hút dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả đáng mừng.
Bắc Giang liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Các dự án FDI đã góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Khai thác lợi thế
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2016 đến 31/7/2020, toàn tỉnh cấp mới 299 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 3,37 tỷ USD; cấp điều chỉnh tăng vốn cho 124 dự án với tổng vốn bổ sung đạt 626,3 triệu USD. Các nhà đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều dự án FDI có quy mô lớn, như: Dự án Nhà máy Công nghệ chính xác FuYu tại Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (Việt Yên), tổng vốn đầu tư 268 triệu USD; dự án thành lập Công ty TNHH Luxshare-ICT Vân Trung tại KCN Vân Trung, tổng vốn đăng ký 182 triệu USD; dự án Lens Việt Nam tại KCN Quang Châu (Việt Yên), tổng vốn đăng ký 150 triệu USD...
Có thể nói, nguồn vốn đầu tư từ khối đầu tư nước ngoài là một trong những nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển của tỉnh. Thực tế cho thấy, tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng đầu tư cơ bản của tỉnh giữ mức tăng ổn định, trung bình đạt 25,9% cho cả giai đoạn 2016 - 2020, chiếm 27,2% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Mức đóng góp của khu vực này trong GDP của tỉnh tăng từ 1% (năm 2016) lên 7,8% (năm 2019).
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các doanh nghiệp (DN) FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thúc đẩy các DN trong nước, trong tỉnh đổi mới công nghệ, cải thiện sản xuất, tìm hiểu thị trường và liên kết thương mại. Đóng góp vào ngân sách nhà nước của các DN FDI trên địa bàn tỉnh cũng tăng theo từng năm, từ khoảng 365 tỷ đồng (năm 2016) lên khoảng 836 tỷ đồng (năm 2019).
Các dự án FDI đang sử dụng khoảng 130 nghìn lao động, chủ yếu là người địa phương và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động gián tiếp. Ông Tất Đa Nhất, Phó Giám đốc Công ty TNHH Luxshare Vân Trung nói: “Với đà phát triển tới đây, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, dự kiến thu hút khoảng 50 nghìn lao động đến làm việc”.
Nhìn lại 5 năm qua, nhiều ý kiến cho rằng, có được những kết quả ấn tượng trên trước hết là do có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị; lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN FDI đến đầu tư, kinh doanh. Đây là một trong những yếu tố then chốt góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo dựng lòng tin và hình ảnh tốt đẹp của tỉnh đối với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Bắc Giang có vị trí ở gần vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và nằm trong Vùng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Điều này đã thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nền công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp điện tử, chế tạo máy, công nghiệp ô tô và các lĩnh vực khác.
Ông Trương Kiện Cường, Giám đốc Hành chính Công ty cổ phần Vietnam Sunergy, KCN Đình Trám cho biết: “Trước khi xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang, chúng tôi đã khảo sát ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Tuy nhiên xét thấy từ Bắc Giang đi Hải Phòng rất thuận lợi, trong khi đó chi phí nhân công thấp hơn nên chúng tôi quyết định chọn Bắc Giang làm điểm đến để đầu tư”. Được biết, đây là DN có vốn đầu tư 100% từ Nhật Bản. Ngoài công ty mẹ ở Nhật Bản, Công ty cổ phần Vietnam Sunergy còn có một số công ty con ở Đức, Mỹ và Trung Quốc...
Một số chuyên gia cũng cho rằng, Bắc Giang đang trong thời kỳ dân số trẻ với trên 1,8 triệu người, trong đó lực lượng lao động chính chiếm gần 2/3 dân số; thanh niên chiếm khoảng 30% dân số. Hằng năm, tỉnh có hàng nghìn học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và lực lượng này góp phần tạo nên lợi thế về nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư.
Tăng sức cạnh tranh
Bên cạnh những kết quả trên, thực tế cho thấy các dự án FDI phần lớn đầu tư vào lĩnh vực gia công, lắp ráp, có rất ít dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này dẫn đến giá trị gia tăng của các sản phẩm không cao. Trong khi đó, các dự án chủ yếu sử dụng công nghệ trung bình và lạc hậu, có rất ít dự án sử dụng công nghệ cao. Sự gắn kết, kết hợp giữa các DN trong nước của tỉnh với các DN FDI còn hạn chế, vì thế việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ chưa thực sự hiệu quả.
Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh, nhất là hạ tầng về giao thông và hạ tầng các KCN còn hạn chế. Bởi vậy, khó thu hút được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư khó tính. Cũng theo ông Nguyễn Cường, để tiếp tục thu hút được nhiều dự án FDI thời gian tới, trước hết cần khẳng định quan điểm nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Thực hiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài với nội hàm mở rộng hơn. Cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư, trong đó thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ; hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm DN FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.
Để tăng cường thu hút các dự án FDI, nhiều ý kiến đề xuất tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, CCN, tuyến giao thông huyết mạch nhằm kết nối với các địa phương khác như, đường vành IV (Hà Nội) kết nối cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế, chính sách của tỉnh; liên kết hoạt động xúc tiến đầu tư với thương mại, du lịch và tuyên truyền đối ngoại bảo đảm thực chất, có hiệu quả hơn.
Phạm Nguyễn