Bắc Giang đầu tư 394 tỷ cho các dự án vùng đồng bào dân tộc và miền núi năm 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Nguyễn Hồng Luân cho biết: Năm 2018, tỉnh dự kiến đầu tư hơn 394 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương để thực hiện các dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm đối với các xã đặc biệt khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm đối với các thôn đặc biệt khó khăn ở địa phương.
- Mở rộng địa giới Thành phố Bắc Giang là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
- Các nhạc sĩ Bắc Giang đẩy mạnh sáng tác và quảng bá sản phẩm âm nhạc về quê hương
Từ nay đến hết năm 2017 và năm 2018, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh tập trung bám sát cơ sở, chủ động điều tra, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân vùng dân tộc và miền núi, phối hợp các ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn.
Cùng đó, tỉnh Bắc Giang tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn, chống lãng phí thất thoát. Bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản trong vùng dân tộc; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, năm 2017 nguồn vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh Bắc Giang là trên 90 tỷ đồng. Trong số này UBND tỉnh Bắc Giang đã giao UBND các xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với kinh phí trên 17,3 tỷ đồng, đến nay đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với kinh phí 67 tỷ đồng để thực hiện các công trình chuyển tiếp và đầu tư xây dựng mới 74 công trình thủy lợi, giao thông, trường học, y tế, nhà văn hóa. Tỉnh Bắc Giang cũng dành trên 5,7 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng.
Thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bắc Giang đã khởi công xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các huyện Sơn Động và Lục Nam. Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Giang dự kiến tháng 9/2017 sẽ hoàn thành hỗ trợ cho các khẩu nghèo trên địa bàn các xã, thị trấn vùng khó khăn của 5 huyện với kinh phí trên 12,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh theo Nghị quyết số 34/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh, hiện nay tỉnh đã đầu tư xây dựng 11 công trình cơ sở hạ tầng tại các thôn, bản thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có thêm 3 doanh nghiệp, đơn vị giúp đỡ các thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh đầu tư xây dựng 1 công trình giao thông, 2 nhà văn hóa, sửa chữa 1 trạm bơm với số vốn trên 3,4 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Giang có 60.525 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 26,7% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tỉnh hiện có 40 xã, 99 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 23 xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, trong đó có huyện Sơn Động được đầu tư theo Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của cả nước. Nhờ thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh giảm trung bình 3 - 4%/năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số của tỉnh hiện vẫn còn cao, chiếm 34,34% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 30,36% tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
Việt Hùng