Bác bỏ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh có 1.000 người tử vong vì dịch COVID-19
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 29/3, trên kênh YouTube lan truyền một clip trả lời phỏng vấn của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm về tình hình phòng chống dịch COVID-19, việc xây dựng các bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính ở thành phố.
Cuối clip nói trên có đoạn ông Lê Thanh Liêm cho biết “hiện có 43.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người tử vong”. Clip nói trên được chú thích là video rò rỉ của ông Lê Thanh Liêm đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem và có những bình luận tiêu cực, gây hoang mang.
Về sự việc này, trưa 30/3, Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, những thông tin về ca nhiễm và số người chết ở Việt Nam trong đoạn clip trên là hoàn toàn bịa đặt. Đoạn clip tung lên YouTube đã được cắt ghép, chỉnh sửa.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thêm 3 ca tại Thành phố Hồ Chí Minh được công bố khỏi bệnh
- Dịch bệnh COVID-19: Bốn bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh được xuất viện
Qua kiểm tra, xác minh của Phòng Báo chí và Xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đoạn video clip này đã bị một số thế lực xấu lợi dụng cắt ghép với dụng ý xuyên tạc từ video clip Báo Tuổi Trẻ thành phố phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm trong dịp đến kiểm tra công tác điều trị bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi ngày 11/2.
Theo đó, trong đoạn phỏng vấn, ông Lê Thanh Liêm có nói đến con số cập nhật về tình trạng lây nhiễm COVID-19 và số người tử vong trên thế giới tại thời điểm 11/2/2020. Hiện, cơ quan chức năng đang điều tra các tài khoản có biểu hiện lan truyền video clip trên với ý đồ xấu để xử lý nghiêm, triệt để.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Thành phố luôn chủ động công bố tình hình các ca nhiễm cũng như các giải pháp phòng chống dịch. Thành phố sẽ công khai việc xem xét, xử lý cá nhân có sai sót liên quan đến văn bản gây hoang mang dư luận. Vì thế, người dân cần cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ, bình luận và quan tâm đến những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Trong ngày 30/3, Công an quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Đ. (sinh năm 2000, ngụ tại phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) vì thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội. Cụ thể, Nguyễn Văn Đ. đã viết thông tin trên mạng xã hội với nội dung Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa 14 ngày vì dịch bệnh COVID-19. Cơ quan chức năng khẳng định, thông tin trên hoàn toàn sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Căn cứ vào Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Công an quận Tân Phú đã ra Quyết định xử phạt hành chính Nguyễn Văn Đ. với số tiền 10 triệu đồng.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, người dân không chia sẻ, phát tán các thông tin chưa kiểm chứng, sai sự thật. Người dân tìm hiểu và cập nhật thông tin tại các cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và các cơ quan báo, đài của Thành phố Hồ Chí Minh. Mọi hành vi chia sẻ, phát tán thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tài khoản facebook Nguyễn Sin tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng thông tin bịa đặt về "ca đầu tiên tử vong”. Dự kiến hôm nay ngày 30/3, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mời chủ tài khoản facebook này đến làm việc để làm rõ thông tin bịa đặt nêu trên.
Liên quan đến việc xử lý các tài khoản đăng thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Đến 16 giờ 30 ngày 26/3, Sở đã xác định được 18 tài khoản mạng xã hội đăng tin không kiểm chứng về Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa 14 ngày.
Theo đó, trong 18 tài khoản này có 8 tài khoản đã chủ động tháo gỡ thông tin và xóa tài khoản sau khi báo chí đăng tải thông tin nói trên là hoàn toàn bịa đặt; có 5 tài khoản ở Quảng Trị, Đồng Nai và Bình Định vẫn chưa gỡ bỏ; 5 tài khoản ở nước ngoài. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Công an thành phố để xác minh thông tin chủ các tài khoản, xử lý nghiêm và sẽ có thông tin phản hồi tới các cơ quan báo chí.
Trần Xuân Tình/TTXVN