Bà Kim Thoa - giai nhân của nhiếp ảnh Hà thành
(LTS) - Thời xuân sắc, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (sinh 1928) là người đẹp có tiếng của đất Hà thành, từng được nhiếp ảnh gia Võ An Ninh (1907 - 2009) mời làm mẫu, chụp rất nhiều tác phẩm. Sau một thời gian nằm bệnh, sáng ngày 20/2/2023, bà Kim Thoa qua đời, thọ 96 tuổi.
"Tôi lặng người trong khoảnh khắc, trong lòng chùng xuống bao nhiêu mất mát lặng thinh, giống như khoảnh khắc hai năm trước, lúc mẹ tôi lìa trần, trong màn đêm trời chưa kịp sáng" - nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa.
Nhiều họa sĩ trẻ say mê
Trong gia đình, nhiều người đồng ý rằng bác tôi, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, con gái lớn của danh họa Nguyễn Nam Sơn, là đẹp nhất nhà. Bác sinh năm 1928, từ thuở bé đã có phong cách tiểu thư Hà Nội, kín cổng cao tường trong ngôi biệt thự bên hồ Thiền Quang.
Mẹ tôi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, thuộc vai em, nhỏ hơn 4 tuổi, thường kể rằng bác Kim Thoa là người có tâm hồn thơ mộng, lãng mạn, "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…", bay bổng cùng gió trăng lả lướt. Mẹ tôi nói bác yêu màu tím pensée, đủ diễn tả tính tình nhẹ nhàng của bác ấy.
Nói như thế, nhưng tôi nghĩ cả hai chị em "kim chi ngọc diệp" sống trong "tháp ngà" đều có niềm mơ mộng giống nhau, như những chiếc trâm cài lóng lánh hạt sương yểu điệu…
Nhiếp ảnh gia danh tiếng Võ An Ninh là bạn của Nguyễn Nam Sơn. Giữa hai người có một giai thoại lý thú, là Võ An Ninh từng ngỏ ý với Nam Sơn muốn có một bức chân dung thủy tổ của mình là Vũ Hồn (804-853). Nam Sơn mượn nét mặt của Võ An Ninh để hoàn thành bức chân dung có tên Tô Vũ mục dương, vẽ xong thì tặng cho người bạn vong niên này. Bức tranh hiện được dùng để làm tranh thờ cho dòng họ Võ.
Vào thời gian hương sắc khai xuân ấy, giai nhân Hà thành Nguyễn Thị Kim Thoa được con mắt nghề nghiệp của nhiếp ảnh gia Võ An Ninh lưu ý.Ông đã xin phép để được mời con gái bạn mình làm mẫu, chụp rất nhiều ảnh chân dung và hình nghệ thuật. Thời gian trôi qua quá lâu rồi, các hình ảnh kỷ niệm ấy bây giờ nơi đâu, tôi chưa được biết hết. Thi thoảng vẫn nhìn thấy ẩn hiện đây đó trong các sách báo cũ.
Cũng có nhiều họa sĩ trẻ thời ấy say mê nét kiều diễm, muốn thực hiện những tác phẩm hội họa diễn tả nhan sắc giainhân, nhưng ông Nam Sơn vốn nghiêm khắc, đã đánh tan mọi hy vọng nhen nhúm. Phải chăng như giai thoại kể rằng có vài họa sĩ trẻ thời đó đã gián tiếp vẽ nên chân dung Kim Thoa theo niềm viễn mơ, tưởng tượng của mình?
Nụ cười tỏa sáng
Tuy tôi và bác ít lần gặp gỡ, do khoảng cách địa lý mỗi người một phương trời Âu Á, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên thư từ.
Bác tôi rất thích làm thơ, những vần thơ tuôn ra tự nhiên như những câu nói thường nhật, lai láng… Tôi thường nhận được những bài thơ của bác vào những dịp đặc biệt như lễ Tết hoặc sinh nhật, hoặc kỷ niệm một sự việc nào đó trong đời. Đó như là những bông hoa hương sắc tô điểm cuộc sống thêm phần tươi sáng.
Do tình hình chia cách, sau năm 1975, chính tôi là người thay mẹ viết thư ra Bắc cho bác Kim Thoa, mong tìm lại người thân. Ngày 16/7/1975, tôi nhận được thư hồi âm của bác, dòng chữ nghiêm trang, ngay ngắn, nhưng không kém phần bay bổng, diễn tả nỗi xúc cảm nối lại dòng máu sau bao năm xa cách.
Trong nỗi niềm rưng rưng, bác đã viết lên những dòng thơ, đặt tên là Nhớ thương:
Hai chục năm trời cách biệt nhau
Nỗi lòng tưởng đến lại càng đau!
Cha già mẹ héo, em đâu biết!
Cửa nhà tan nát bởi vì đâu!
Cũng vì Nam Bắc phải chia đôi,
Luôn để lòng em những ngậm ngùi
Cha nhớ thương con, bà nhớ cháu
Ngày đi, đâu biết phải chia phôi!
Cầm lá thư em, giỏ lệ sầu
Thư em về đó, mẹ cha đâu!
Cha thường nhắc nhở: "Trâm đâu nhỉ?"
Mẹ nhớ thương em đến bạc đầu!
Chị mừng em chị vẫn tươi vui,
Các cháu lớn khôn, giỏi cả rồi.
Cháu có nhớ công bên họ ngoại
Chăm nom mẹ cháu đến trọn đời.
Mẹ cháu đã hy sinh tuổi xuân
Lo toan hạnh phúc vẹn trăm phần
Cho đàn con nhỏ thêm sung sướng
Vắng bóng hình cha vẫn tưởng gần.
Bác chúc mẹ con sống ấm êm
Thương con, mẹ cháu bớt ưu phiền.
Các cháu là tương lai của mẹ,
Là niềm Hạnh Phúc đẹp vô biên…
(Thủ đô, ngày 16/7/1975)
Khi gặp nhau, bác vẫn nói, tôi giống tính bác, thường bâng khuâng trước những yếu tố nhẹ nhàng trong cuộc sống, như trước một chiếc lá bàng màu sắc bất ngờ lộng lẫy, ngắm một nhành rễ cây rưng rưng sương đọng, nghe tiếng lá vàng khẽ rơi xuống, vang lên tiếng vọng thấp thoáng như là "rơi nghiêng"…
Mỗi lần gặp tôi, bác đều bảo "lẽ ra cháu phải là con trai của bác, miệng cười giống thế kia cơ mà". Quả thật, bác và tôi có miệng cười giống nhau, nhiều người gọi đó là nụ cười tỏa sáng, có nắng lấp lánh ẩn đằng sau… Không những thế, tính tình cũng giống nhau.
"Nhân sinh tự cổ thùy vô tử". Niềm an ủi của người ở lại là nghĩ đến sự an bình của người ra đi. Bác ơi, "đường trần đâu có gì". Xin nguyện cầu hương linh của bác Nguyễn Thị Kim Thoa siêu thoát về miền tây phương cực lạc.
Nhà và phố Nam Sơn ở Hà Nội
Nam Sơn, hay còn gọi là Nguyễn Nam Sơn, tên thật Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973), quê gốc ở Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là một trong những họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Ông đã cùng họa sĩ Victor Tardieu đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trực tiếp giảng dạy với tư cách giáo sư chuyên ngành bậc 2, phụ trách môn đồ họa và trang trí.
Ngôi nhà ông ở do chính ông thiết kế mẫu, hiện tại vẫn được giữ gìn nguyên vẹn tại số 68 Nguyễn Du, Hà Nội, nơi đây còn lưu giữ nhiều tác phẩm của ông. Hàng năm, vào ngày giỗ của ông, các họa sĩ lão làng của Việt Nam vẫn thường đến đây để thắp hương tưởng nhớ.
Năm 2020, tại kỳ họp thứ 18 HĐND TP Hà Nội khóa XV, với 93/93 đại biểu có mặt tán thành, tên của ông được đặt tên cho một tuyến phố tại Hà Nội.
Phố Nam Sơn (quận Hoàng Mai), đoạn từ ngã ba giao cắt phố Hoàng Liệt tại chợ Xanh đến ngã ba giao cắt phố danh họa Nguyễn Phan Chánh tại lô BT01 khu đô thị bán đảo Linh Đàm, dài 550m, rộng dao động từ 13,5m đến 40,5m.
Hà Nội, ngày 20/02/2023