Áp thuế thép 25%, Tổng thống Trump khơi mào chiến tranh thương mại toàn cầu?
(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp những cảnh báo trả đũa từ nhiều nước đối tác cũng như can ngăn từ nội bộ chính giới Mỹ, ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới nhằm vào thép và nhôm nhập khẩu, dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
- Tổng thống Nga Putin ‘khoe’ gì với Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump
- Con rể Tổng thống Trump không được tiếp cận các thông tin mật quốc gia
- Cựu cố vấn tranh cử của Tổng thống Donald Trump nhận tội 'có hành động chống lại Chính phủ'
Chứng kiến lễ ký của Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng là nhiều công nhân ngành nhôm và thép, mặc nguyên áo mũ bảo hộ lao động. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố: “Các nhà máy của chúng ta bị bỏ mục nát khắp nơi, khiến nhiều cộng đồng trở thành những thị trấn ma. Sự phản bội đó giờ đã hết”.
Theo sắc lệnh vừa ký, biểu thuế mới sẽ là 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm, được áp dụng trong vòng 15 ngày. Quyết định này được đưa ra bất chấp trước đó cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đều cảnh báo sẽ áp thuế suất đáp trả nhằm vào nhiều mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Những người khổng lồ Mỹ như Apple, Boeing, Harley-Davidson, Qualcomm, Intel… đang đứng trước nguy cơ hứng đòn trả đũa.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh nói trên, chính Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan đã tuyên bố rằng quyết định của tổng thống sẽ gây ra những "hậu quả không mong muốn".
Chiến tranh thương mại là gì?
Về lý thuyết đó là một cuộc xung đột kinh tế, nơi các quốc gia áp đặt những rào cản như thuế, hạn ngạch với hàng hóa nhập khẩu từ nước khác nhằm bảo hộ sản xuất hàng hóa trong nước và gây thiệt hại tới hoạt động thương mại của nước đối tác.
Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu gấp 4 lần so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng sản lượng nhôm nhập khẩu gấp 5 lần nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016. Việc Mỹ áp thuế suất cao tới 25% vào mặt hàng thép nhập khẩu và đáp lại là hàng loạt lời đe dọa trả đũa từ các quốc gia khác, đã đủ để báo hiệu một cuộc chiến thương mại có thể nổ ra, không chỉ ở trong ngành thép mà với rất nhiều ngành sản xuất khác tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới trong nền kinh tế “phẳng” ngày nay.
Tổng thống Trump tuyên bố "dễ thắng"
Trên trang Twitter cá nhân hôm 2/3, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng: “Khi một quốc gia đang mất nhiều tỷ dollar trong thương mại với hầu như tất cả các nước có giao dịch, thì chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng”. Tuy nhiên, ba ngày sau đó, khi thảo luận về sắc lệnh thuế đề xuất, ông Trump cho biết ông không nghĩ quyết định này sẽ dẫn tới chiến tranh thương mại. Mục tiêu của Tổng thống Mỹ là vực dậy ngành sản xuất nhôm thép trong nước, chống đỡ thâm hụt thương mại khi kim ngạch nhập khẩu ngành này của Mỹ cao hơn hàng trăm tỷ dollar so với kim ngạch xuất khẩu. "Chúng ta sẽ cắt giảm thâm hụt bằng mọi cách. Chúng ta đang thâm hụt với Trung Quốc ít nhất 500 tỷ dollar", ông Trump khẳng định hôm 8/3.
Ai sẽ trả đũa?
EU cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ với việc áp thuế suất 25% nhằm vào hàng hóa xuất khẩu trị giá 3,5 tỷ USD mỗi năm của Mỹ vào khối này. Giới chức EU đang nhằm vào các thương hiệu biểu tượng của Mỹ trong các ngành nông sản, hàng hóa tiêu dùng và thép. Danh sách những thương hiệu dễ dính đòn trả đũa bao gồm xe mô tô Harley-Davidson, quần bò Levi’s, rượu whiskey bourbon...
Đáp lại, ông Trump dọa sẽ áp thuế 25% lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu nếu EU dám trả đũa mạnh như vậy.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã chuẩn bị sẵn một loạt đòn trả đũa thương mại nhằm vào hàng hóa nhập khẩu Mỹ, từ đậu tương cho đến vật liệu bán dẫn. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ có “đòn đáp trả cần thiết và cân xứng” với bất cứ nỗ lực nào nhằm kích hoạt một cuộc chiến thương mại.
Bên nào sẽ thắng trong những cuộc chiến thương mại?
Không ai thắng cả, nếu nhìn lại bất cứ cuộc chiến thương mại nào trong lịch sử. Khi Tổng thống Mỹ George W. Bush nâng thuế nhập khẩu thép vào năm 2002, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 30,4 triệu USD. Nước Mỹ cũng mất khoảng 200.000 việc làm, trong đó 13.000 việc làm thuộc những ngành liên quan đến sản xuất thép. Còn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi đó ra phán quyết khẳng định, các loại thuế mà Tổng thống Bush áp đặt là bất hợp pháp theo các quy định, pháp luật quốc tế.
Một trong những ví dụ điển hình về hậu quả ghê gớm của chiến tranh thương mại là Đạo luật Smoot-Hawley được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1930 đã làm trầm trọng hơn cuộc Đại suy thoái. Đạo luật trên đã đẩy các loại thuế nhập khẩu vào Mỹ lên trung bình 20%. Ban đầu luật được đề xuất chủ yếu nhằm bảo hộ cho nông dân Mỹ, nhưng nhiều ngành công nghiệp khác sau đó đã lobby và giành được quyền bảo hộ tương tự từ chính phủ. Khi thị trường sụp đổ, các quốc gia đổ xô duy trì kho dự trữ vàng bằng cách phá giá tiền tệ và áp đặt thêm nhiều rảo cản thương mại hơn khiến thương mại toàn cầu giai đoạn đó lao vực.
Vào thập niên 1980, 1990, Nhật Bản cũng đã trở thành mục tiêu sau khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan áp thuế nhập khẩu đối với ô tô và hàng điện tử, buộc Tokyo phải trả đũa bằng cách áp hạn ngạch với xe hơi và thép nhập khẩu từ Mỹ, khiến hai bên đều gánh nhiều thiệt hại.
Thuế hải quan có phải là vũ khí duy nhất?
Còn nhiều loại vũ khí khác, như áp hạn ngạch, hạ giá tiền tệ, trợ cấp cho hàng hóa sản xuất trong nước, áp đặt các thủ tục kiểm soát hàng hóa kéo dài ở cảng, siết chặt quy định với hàng hóa nhập khẩu…
Vai trò của WTO
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trở thành cơ quan trọng tài của các tranh chấp thương mại quốc tế từ năm 1995. Tổ chức này đã lập ra một bộ các quy tắc được các nước thành viên ký kết nhằm hạn chế rào cản thương mại. Nếu khiếu nại của một quốc gia về các rào cản thương mại của một quốc gia khác được cho là có cơ sở, WTO sẽ đề xuất những đòn trả đũa chấp nhận được.
Trong trường hợp thuế thép hiện nay, Tổng thống Trump đã dẫn một điều khoản hiếm được sử dụng trong một đạo luật vào năm 1962 của Mỹ, cho phép chính quyền hạn chế nhập khẩu mặt hàng bị cho là ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Theo quy định của WTO, các quốc gia có thể tiến hành các hành động thương mại để bảo vệ “lợi ích quốc gia cốt yếu” của mình. Tuy nhiên, các nước khác có thể khiếu nại về tính pháp lý của việc Mỹ sử dụng điều khoản trên, hoặc họ sẽ sử dụng chính lý do đó để áp đặt các rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Hiện tại một loạt đối tác thương mại và đồng minh của Mỹ vẫn đang chờ đợi xem họ có được đưa vào danh sách ngoại lệ hay không. Tuy vậy, cho đến lúc này mới chỉ có Mexico và Canada là được tạm miễn trừ theo sắc lệnh nói trên, khiến các đồng minh EU, Australia, Hàn Quốc và các đối tác lớn như Trung Quốc, Brazil tím mặt giận dữ. Điểm dừng tiếp theo của sắc lệnh trên có thể là Geneva, bởi ngay từ đầu tuần này, EU đã cho biết sẽ nộp đơn khiếu nại lên WTO.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức