Áp lực cho người kế nhiệm HLV Troussier
Khi HLV Philippe Troussier nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, nhiều người cho rằng nhà cầm quân người Pháp thật sự dũng cảm, bởi nếu thành công thì không nói làm gì, ngược lại gặp thất bại, hẳn sẽ nhận được những so sánh, chê bai, thậm chí chỉ trích nặng nề. Thực tế đã cho thấy điều đó sau chuỗi trận thất vọng của đội tuyển Việt Nam.
HLV Troussier đã chia tay, lúc này việc ai được chọn lựa ngồi vào "ghế nóng" của đội tuyển Việt Nam cũng sẽ chịu những áp lực như ông Troussier trải qua. Ngoài câu chuyện chuyên môn, cái bóng quá lớn của ông Park Hang Seo trước đó sẽ luôn được mang ra để so sánh trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù rằng những so sánh đó rất khập khiễng, bởi mỗi giai đoạn mỗi khác, mỗi lứa cầu thủ mỗi khác và bối cảnh cũng khác nhiều. Đội tuyển Việt Nam với dấu mốc vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á cũng được xem mức "điểm sàn" để so sánh về sau.
Những thành công đã có của bóng đá Việt Nam với HLV Park lớn bao nhiêu càng khiến cho thất bại dưới thời HLV Troussier bị "soi" bấy nhiêu. Dễ thấy hơn 1 năm qua, bất kể mọi động thái từ lựa chọn nhân sự, kế hoạch tập luyện đến cách tiếp cận từng trận đấu, triển khai lối chơi của HLV Troussier đều được đưa ra so sánh với người tiền nhiệm.
Vì thế, sẽ không ngạc nhiên, bây giờ ai ngồi vào "ghế nóng" ở đội tuyển Việt Nam, chắn cũng sẽ phải vượt qua nỗi "ám ảnh" này. Đó sẽ là "cơn đau đầu" của VFF và cũng là thử thách không nhỏ đối với các HLV, khi mà họ sẽ đối diện nhiều áp lực vô hình khi ngồi vào chiếc "ghế nóng" ở đội tuyển Việt Nam.
Chúng ta không phủ nhận những gì HLV Park Hang Seo đã làm được cho bóng đá Việt Nam trong "nhiệm kỳ" mà ông dẫn dắt các ĐTQG cũng như U23. Tuy vậy, hãy lấy đó làm những cột mốc để hướng đến, phấn đấu và vượt qua chứ không phải để tạo ra áp lực không đáng có cho những vị HLV kế nhiệm.
Trước đây đội tuyển Việt Nam hầu như không có lối đá nào thực sự rõ ràng. Đến thời ông Park, chúng ta chuyển hẳn sang đá phòng ngự, phản công và gặt hái thành công lớn, được xem là thời kỳ hoàng kim của bóng đá nước nhà. Mặc dù vậy, đội tuyển Việt Nam cũng đi đến giới hạn cao nhất cùng ông Park. Nếu tiếp tục triển khai lối chơi đó, chúng ta không có khả năng phá bỏ giới hạn để tiến lên đẳng cấp cao hơn. Bằng chứng là các thất bại liên tiếp ngay tại AFF Cup, đấu trường mà tưởng như thầy trò HLV Park Hang Seo đã thống trị.
Thực tế, ông Park cũng đã hiểu rằng chính bản thân mình và cả bóng đá Việt Nam đã chạm ngưỡng, khó có thể vượt giới hạn đã có. Ông Park cũng chưa thể thắng được ĐTQG Thái Lan ở những giải đấu chính thức. Rất thức thời, ông Park cũng đã biết mình đã đến lúc dừng lại, nhường chỗ cho người khác ở chu kỳ mới của bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam tụt dốc, trải qua giai đoạn đáng quên với HLV Troussier. Tuy nhiên, không có nghĩa, nếu ông Park quay lại sẽ nhanh chóng vực dậy được đội tuyển Việt Nam. Như đã nói, bối cảnh của năm 2018 và lúc này hoàn toàn khác nhau.
Tiêu chí rất quan trọng khi tuyển HLV ngoại luôn là am hiểu bóng đá Việt Nam và bóng đá Đông Nam Á. Sự hiểu biết có vai trò vô cùng quan trọng, bởi nhiều khi hữu ích còn hơn cả vấn đề chuyên môn. Có lẽ, lợi thế lớn nhất của tân HLV đội tuyển Việt Nam ở chỗ họ sẽ làm lại từ đầu chứ không phải "gồng gánh" thành quả đồ sộ như lúc ông Troussier tiếp quản công việc mà ông Park để lại.
Như người ta vẫn nói, chinh phục đỉnh cao khó, duy trì đỉnh cao còn khó gấp trăm lần. Lúc này, đội tuyển Việt Nam trở lại vị thế phải chinh phục đỉnh cao. Đó là lợi thế của tân HLV trưởng sắp đến.
Có thể, lúc này, khi chọn được HLV mới, hẳn đội tuyển Việt Nam sẽ đi theo triết lý của nhà cầm quân mới. Mà để theo đuổi triết lý hoàn toàn mới như thế, đội tuyển Việt Nam cần thêm nhiều thời gian, cả sự kiên nhẫn. Vậy nên, đừng gắn áp lực cho HLV kế nhiệm rằng phải vượt qua cái, cái kia mà hãy tạo ra động lực để họ phát triển bóng đá Việt Nam đi đúng hướng.