Ảo thuật siêu phàm tập 4: Lý Nhã Kỳ ngất ngây với màn ảo thuật như phép thuật của chàng 'Hai Lúa'
(Thethaovanhoa.vn) - Tập thứ 4 chương trình gameshow “Ảo thuật siêu phàm 2018” vừa lên sóng đến với khán giả màn ảnh nhỏ trên kênh VTV3 vào tối 27-5-2018 với màn trình diễn của 3 ảo thuật gia tài năng – Phương Liên, Lư Phong và Mai Nguyệt.
- Lần đầu tiên hầu đồng 'bắt tay' cùng ảo thuật
- Xem 'Ảo thuật siêu phàm' tập 2: Thí sinh nữ đầu tiên 'đánh bại' 2 nam đối thủ
- Ảo thuật siêu phàm tập 1: Lý Nhã Kỳ sửng sốt trước các màn ảo thuật lãng mạn và kịch tính
Với chủ đề Dân gian Việt Nam, các thí sinh đã lồng ghép một cách khéo léo những trò ảo thuật phức tạp để mang đến cho khán giả những màn trình diễn mang đậm hồn Việt nhưng cũng rất hiện đại, mới lạ và dí dỏm, hài hước.
Một điều rất đặc biệt ở trong Tập 4 của chương trình Ảo thuật siêu phàm là thí sinh nữ chiếm tới 2/3. Đây được coi là chuyện “xưa nay hiếm”, bởi làng ảo thuật vô cùng ít nữ giới, có thể đếm trên đầu ngón tay. Sự xuất hiện của hai “bóng hồng” Phương Liên và Mai Nguyệt đã mang đến màu sắc cực kỳ mới mẻ, khác lạ cho sân chơi ảo thuật lớn nhất Việt Nam trên sóng truyền hình.
“Mì chính cánh” duy nhất trong đêm thi là ảo thuật gia Lư Phong đến từ TP HCM. Tranh tài với 2 nữ ảo thuật gia Hà Nội, Lư Phong hóa thân vào một anh chàng “Hai Lúa” suốt ngày say xỉn. Anh chàng nát rượu “dụ” người xem bằng những màn ảo thuật “nửa say nửa tỉnh” và đưa khán giả đắm mình trong một không gian đậm đặc chất miệt vườn Nam bộ với những hình ảnh gần gũi, dân giã như úp cá, bắt vịt, nuôi heo…
(Video tiết mục của Lư Phong)
Điều đáng nói, Lư Phong xuất hiện trên sân khấu Ảo thuật siêu phàm trong trang phục rất độc đáo: bộ quần áo bà ba. Với các loại hình nghệ thuật khác thì không có gì phải bàn, nhưng đó lại là chuyện lạ trong lĩnh vực ảo thuật. Từ trước tới nay, hình ảnh các ảo thuật gia vẫn gắn liền những chiếc vest rộng thùng thình hoặc những bộ đồ nhiều tầng nhiều lớp, bởi đơn giản là để dễ giấu đạo cụ. Trong khi đó, bộ quần áo bà ba lại mỏng tang, cực kỳ khó khăn trong việc “biến hình”.
“Tôi muốn mang đến cho khán giả không chỉ những màn ảo thuật mà còn cả một câu chuyện hóm hỉnh về anh chàng miệt vườn nghiện rượu. Trang phục phù hợp nhất cho nhân vật này chỉ có thể là bộ đồ bà ba”, Lư Phong nói. Dù rằng, để giấu được các đạo cụ như lồng chim, gà, thỏ, cá lóc… thật không hề dễ dàng, đòi hỏi anh phải tính toán và tập luyện rất kỹ.
Nhưng mặt khác, chính trang phục “phi ảo thuật” này cùng với bộ dạng say xỉn lại tạo cho Lư Phong một… lớp vỏ ngụy trang hoàn hảo. Nhìn anh chàng “Hai Lúa” chân nam đá chân chiêu trên sân khấu, khán giả quên luôn đó là một ảo thuật gia. Để rồi, người xem càng bất ngờ hơn trước những màn biến hóa…
Bởi vậy, bộ ba giám khảo quyền lực của Ảo thuật siêu phàm đã không tiếc lời khen dành cho Lư Phong và cho anh số điểm cao nhất để giành tấm vé vào vòng trong. Giám khảo Palmas đánh giá cao nét lạ và sáng tạo, giám khảo Petey Majik không chỉ khen ngợi về kỹ thuật mà còn rất kết tính giải trí. Còn giám khảo Lý Nhã Kỳ thú nhận, Lư Phong đã khiến cô đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Lý Nhã Kỳ nói, cô rất ấn tượng với các chiêu biến hóa từ chiếc khăn rằn của Lưu Phong. “Chiếc khăn rất mềm mại, khiến người xem tin rằng không thể cài cắm hay gắn gì trong đó, thế mà anh vẫn có thể biến ra được những món lớn. Tôi không hiểu là mình đang coi ảo thuật hay là phép thuật nữa. Anh thật xuất sắc!”, nữ giám khảo duy nhất của chương trình thốt lên.
Thí sinh Lư Phong nói, với anh, ảo thuật như là một mối duyên “trời định”, cho dù anh có làm gì, ở đâu thì cuối cùng vẫn tìm về với nó. Học ngành công tác xã hội, sau khi ra trường anh về làm ở phòng xét nghiệm sinh hóa cho một công ty giày da xuất khẩu. Năm 2012, công ty anh tổ chức văn nghệ, mời ảo thuật gia về diễn. Chứng kiến các màn biến hóa, anh mê quá, mày mò làm theo, rồi tìm thầy học ảo thuật. Năm 2015, anh dứt hẳn công việc đang mang lại cho mình thu nhập ổn định để theo con đường ảo thuật chuyên nghiệp.
Cho đến lúc này, sau 3 năm chính thức “sa chân” vào ảo thuật, Lư Phong chưa hề có phút giây nào hối hận vì lựa chọn của mình. Ảo thuật không mang lại sự dư dả về tiền bạc nhưng cho anh những cảm xúc mà không vật chất nào đổi được. “Cảm giác khi “chế” ra được một đạo cụ mới, nghĩ ra một trò mới hay chỉ đơn giản là đứng trên sân khấu thật khó tả. Dù vẫn đang ở trọ, tiền bạc không có nhiều, nhưng tôi không cảm thấy mình thiếu thốn”, Lư Phong nói. Năm 2016, anh giành được Huy chương Vàng Liên hoan Ảo thuật trẻ TP HCM và giải thưởng này càng khiến anh “say” hơn ngả rẽ của cuộc đời mình.
Một điều nữa khiến Lư Phong thêm yêu ảo thuật là nhờ môn nghệ thuật này, anh có cơ hội được cho đi, được san sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh. Anh thường xuyên tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật thiện nguyện quyên góp ủng hộ người nghèo, người tàn tật.
Gây ấn tượng mạnh cho khán giả không kém Lư Phong là thí sinh Phương Liên. Có thể nói Phương Liên là người đầu tiên đưa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt lên sân khấu ảo thuật. Những màn ảo thuật biến hóa với quạt, ô, nến, hương… được lồng ghép trong một buổi hầu đồng, tạo nên một tác phẩm đầy màu sắc và mới lạ, đủ sức khiến người xem cảm thấy mãn nhãn, mê hoặc.
(Video tiết mục của Phương Liên)
Bên cạnh ảo thuật, Phương Liên còn biểu diễn xiếc ở môn uốn dẻo. Giám khảo Palmas cho rằng chính uốn dẻo đã tạo cho Phương Liên lợi thế rất lớn khi bước vào ảo thuật, giúp cô có được bài diễn hay, ngoạn mục. Giám khảo Petey Majik bày tỏ sự nể phục khi Phương Liên vừa múa vừa diễn ảo thuật với ô – vốn là màn ảo thật rất khó, đồng thời tỏ ra rất “kết” trang phục hầu đồng của cô. Còn Lý Nhã Kỳ thì không giấu được sự phấn khích: “Chị thực sự cảm thấy hãnh diện khi phụ nữ chúng ta không làm thì thôi, còn đã làm thì phải có cái gì đó thật ấn tượng, xuất sắc hơn cả đàn ông. Phải nói là em quá xuất sắc. Vì em mang được múa, xiếc và ảo thuật đi chung một bài diễn mà có sự liên kết với nhau. Em đưa văn hóa tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu vào trong ảo thuật và em múa hay quá, múa như lên đồng. Rất tuyệt vời! Rất xuất sắc”.
“Bóng hồng” thứ hai xuất hiện trong tập 4 Ảo thuật siêu phàm là Mai Nguyệt. Mai Nguyệt là diễn viên xiếc chuyên nghiệp của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Tính đến nay, chị đã có 17 năm theo nghiệp xiếc và đã 2 lần giành được Huy chương Bạc trong Liên hoan Xiếc toàn quốc. Chị bắt đầu “bén duyên” với ảo thuật từ 7 năm nay và gặt hái được nhiều thành tích ở loại hình này, trong đó có giải Diễn viên ấn tượng và Diễn viên được khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc.
(Video tiết mục của Mai Nguyệt)
Trong phần thi của mình, Mai Nguyệt mang đến sự dí dỏm, hài hước khi trình diễn ảo thuật trên nền câu chuyện câu chuyện dân gian Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Các màn rót rượu, đánh ghen, “hô biến” người tình hay giằng co giữa cô nàng lẳng lơ và người vợ… được tái hiện sinh động, hấp dẫn với những màn ảo thuật khéo léo.
Nhận xét phần trình diễn của Mai Nguyệt, giám khảo Palmas đánh giá cao việc trình diễn ảo thuật với bối cảnh là câu chuyện dân gian Việt Nam. Anh cho rằng đó là một cách để mọi người, đặc biệt là bạn bè quốc tế, biết hơn đến những chuyện dân gian Việt. Giám khảo Petey Majik khen ngợi Mai Nguyệt khi dùng những đạo cụ đơn giản nhưng lại rất hợp lý với nội dung câu chuyện. Giám khảo Lý Nhã Kỳ cũng chấm điểm cho ý tưởng kể những câu chuyện dân gian Việt qua ảo thuật bởi nó tạo được màu sắc riêng.
Thí sinh Mai Nguyệt cho biết, khi theo nghiệp ảo thuật, chị được sự ủng hộ và hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Chồng và hai con của Mai Nguyệt không những đến trường quay cổ vũ mà con gái lớn của chị - cô bé Vy 10 tuổi – cũng lên sân khấu trổ tài ảo thuật trước đông người.
Kết thúc các phần thi của 3 thí sinh, Ban giám khảo đã chấm điểm cao nhất cho Lưu Phong và ảo thuật gia này đã giành được tấm vé đi vào vòng trong.
Đêm thi thứ 5 của chương trình với chủ đề “Ai Cập cổ đại” sẽ tiếp tục lên sóng đến với khán giả vào 20h tối Chủ nhật tuần này 3-6-2018 trên kênh VTV3.
P.V