(Thethaovanhoa.vn) - Nếu giữ nguyên một cách làm thì đừng mong chờ công việc đạt hiệu quả đột phá. Arsenal đã không thay đổi nên không giành được những chiếc cúp như nguyện vọng của mình.
Trận hòa 3-3 trước West Ham khiến cơ hội vô địch của họ tan tành. Arsenal đã kém Leicester 13 điểm, khoảng cách quá lớn khi giải đấu chỉ còn 5 vòng, dù họ vẫn đá ít hơn đối thủ 1 trận. Arsene Wenger vẫn nói đến "cơ hội vô địch", mắng sa sả Mesut Oezil vì cầu thủ này phát biểu bi quan. Nhưng Arsenal mùa này, thật ra chỉ dẫn đầu bảng xếp hạng có 4 vòng đấu, từ 19 đến 22, và kể từ đó giậm chân ở vị trí thứ 3.
Vị trí thứ ba hoặc thứ tư là "ngôi nhà hạnh phúc" của họ bao năm qua. Tính cả mùa giải này, đã tròn 10 năm Pháo thủ giậm chân ở mốc này. Dẫn đầu mùa giải vào tháng 1/2016, họ tự sa sút chứ không vì đối phương quá hay. Arsenal đã bị Joe Allen chọc thủng lưới ở phút 90 trong trận hòa 3-3 với Liverpool, đã không tận dụng được cơ hội trong trận hòa Southampton 0-0. Họ tự hủy hoại mình trước Chelsea, thua “những đứa trẻ Man United”, ném chiến thắng trước Swansea và mất 2 điểm từ thế dẫn 2 bàn trên sân của West Ham.
Họ đã chơi rất thong dong trước khi West Ham nổi dậy. Bạn có thể đổ lỗi cho cặp hậu vệ cánh Montreal - Bellerin rằng họ... quá lùn, khi không chiến với Andy Carroll, nhưng có phóng viên sau trận đã hỏi Arsene Wenger: Vì sao Arsenal không có kế hoạch cản tiền đạo cao tới 1m91 này mà để anh hoành hành dữ dội đến thế. Wenger trả lời: "Chính tôi cũng không ngờ Andy (Carroll) đá chính”.
Thế rồi lúc biết thì ông làm gì? Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, Wenger mới thay cầu thủ đầu tiên ở phút 61, khi Arsenal đã bị dẫn 3-2. Hậu vệ cao to Per Mertesacker ngồi dự bị suốt 95 phút.
Andy Carroll đã khiến hàng phòng ngự của Arsenal liên tục chao đảo
Đó vẫn là một Arsene Wenger cũ: không thích thú với các chi tiết chiến thuật, quan tâm hơn đến toàn cục và để ý đến lối chơi hơn là thủ thuật. Một Arsenal cũng cũ, khi cống hiến một trận đấu thỏa mãn cho các khán giả trung lập, nhưng lại vô tâm đâm nhát kiếm vào trái tim các CĐV đội nhà.
Laurent Koscielny vui “điên dại” sau bàn gỡ hòa 3-3, nhưng khi ánh đèn sân khấu tắt đi, thì hiện thực là 13 điểm kém Leicester, và chức vô địch đã không còn là cơ hội. Vậy mà Wenger vẫn lên tiếng trấn an: “Arsenal vẫn có thể đăng quang”.
Wenger và sự ì ạch của “phe bảo thủ”
Sau 10 năm thèm khát vinh quang, CĐV Pháo thủ sẽ phải chờ đợi đến bao giờ nữa để Arsenal thật sự trở thành một siêu CLB? Liệu họ CLB có đầu tư mạnh mẽ để trở thành thế lực thách thức ngôi vương Premier League cũng như Champions League? Có người đã không kiên nhẫn được nữa, khi giăng băng rôn đòi sa thải Wenger, la ó ở Emirates. Nhưng có người đã buông xuôi.
Tỉ phú người Nga Alisher Usmanov, người nắm 30% cổ phần CLB, biểu tượng của tinh thần cải cách Arsenal, mới đây nói trong show truyền hình Rossiya24 của Nga: "Arsene Wenger là tài sản quan trọng của đội bóng và Arsenal là dự án kinh doanh thể thao thành công”.
Đó là phát biểu có thể xếp vào loại "gây thất vọng lớn nhất trong năm" với các CĐV Pháo thủ, vì nếu Usmanov còn nói thế, thì nghĩa là trong Ban lãnh đạo đã không còn ai muốn "điều chỉnh" Wenger.
Alisher Usmanov
Usmanov là bạn thân của David Dein, cựu Phó chủ tịch Arsenal, người đã đưa Wenger về CLB năm 1996. Ông không ghét Wenger nhưng là tiếng nói cải cách đáng chú ý nhất. Ở một ban bệ điều hành bao giờ cũng cần những người phản biện như Usmanov. Ông chính là người đã chỉ trích CLB sau thất bại trong cuộc đua vô địch Premier League ở mùa giải 2004-05, và sau khi bán Van Persie.
Usmanov với cổ đông lớn nhất người Mỹ Stan Kroenke tượng trưng cho hai thái cực: Kroenke là “phe bảo thủ”, Usmanov là “phe cải tổ”. Nhưng sau thất bại trong nỗ lực giành quyền kiểm soát CLB năm 2011, tỉ phút Nga chưa từng ngồi bàn bạc với tỉ phú Mỹ và con trai ông này (cũng có trong ban lãnh đạo Arsenal) về tương lai CLB. Usmanov là người giàu nhất nước Nga theo Forbes với khối tài sản ước tính 15 tỉ đô la, hơn hẳn Roman Abramovich của Chelsea. Ông hoàn toàn đủ khả năng thay đổi Arsenal nếu được bật đèn xanh. Tuy vậy, ông có lẽ đã bị "đồng hóa" với tư tưởng bảo thủ của Kroenke với Wenger là đại diện?
Stan Kroenke
Trên ESPN, giáo sư Chris Brady của Trung tâm kinh doanh thể thao Đại học Salford nói: "Tôi nghĩ Usmanov đã nhận ra rạn nứt giữa các thành viên BLĐ chưa đủ lớn, nên nhận thấy chưa đến lúc cho một cuộc "đảo chính”. Ông ta đã từng cố gắng tăng tầm ảnh hưởng một vài lần, nhưng đều thất bại. Khi những vụ đầu tư vẫn đang phát huy hiệu quả, đội bóng kiếm lại tiền cho mình, thì chẳng tội gì phải gây ra căng thẳng”.
Thật vậy. Nếu cần một người kiếm tiền và giữ túi tiền cho các ông chủ, không ai làm tốt hơn Arsene Wenger. 10 năm qua, Arsenal đều đặn vào Top 4 và dự Champions League, ít mua cầu thủ đắt giá. Doanh thu CLB tăng lũy tiến, tiền vay để xây sân Emirates đã trả hết vào năm ngoái, giúp Arsenal đã có một cơ thể tài chính mạnh khỏe. Tức là, nếu cần lợi nhuận và hài lòng với lợi nhuận như Usmanov đã nói, thì chẳng dại gì thay Wenger.
Tim Payton, người phát ngôn của nhóm CĐV Arsenal Supporters Trust, nói trên ESPN: "Không ai kiểm soát việc chi tiêu của Wenger và đây là rắc rối. Không ai đánh giá công việc của ông ấy. Một ban giám đốc tốt phải có sự kiểm soát lẫn nhau, mà Arsenal lại thiếu điều này".
Ở một khía cạnh nào đó, Arsene Wenger đã bước chân vào "Ban điều hành" một cách không chính thức, tức là ông đã không còn là một HLV đơn thuần nữa. Wenger chịu trách nhiệm tất cả về chuyên môn và tự quyết định khâu chuyển nhượng. Những trợ lý và tuyển trạch viên cũng đều do ông bổ nhiệm. Các điều chỉnh chiến thuật trong trận đấu, khâu mà nhiều chuyên gia đánh giá Wenger cực… kém, cũng chỉ mình “Giáo sư” người Pháp quyết và tự quyết. Không ai có quyền tác động để thay đổi những quyết định ấy, “nền dân chủ” bị đe dọa.
Khi những người có quyền thỏa mãn với cái vị ngọt êm dịu của vị trí thứ tư Premier League, từ chối lên tiếng phản biện, thì thành bại của Arsenal vẫn sẽ chủ yếu dựa vào Arsene Wenger. Mà Wenger thì lại rất lười thay đổi. Đấy là cái vòng luẩn quẩn.
Như Wenger, Stan Kroenke cũng thuộc “trường phái tiết kiệm” Người ta chỉ trích Wenger thì Kroenke nhảy vào bênh. CĐV mắng Kroenke thì Wenger lại góp lời giúp ông chủ. Hai người này là một cặp bài trùng ăn ý và có cùng quan điểm về cách tiêu tiền. Cụ thể, Kroenke nói rằng cả ông lẫn Wenger đều biết và hâm mộ triết lý chi tiêu tiết kiệm Money Ball bắt nguồn từ một đội bóng chày của Mỹ. Tháng 3 năm nay, Kroenke nói: “Ở Anh quốc, người ta cứ nói hay có một ông chủ Trung Đông giàu có để CLB mua sắm thỏa thích. Nhưng tôi thấy lúc người ta hết thích đội bóng rồi thì sao? Chuyện gì xảy ra nếu những gia đình Trung Đông ấy từ bỏ để trở về nhà? Tôi luôn thích triết lý Money Ball. Một trong những người mà Billy Beane (tác giả của công thức này, sinh năm 1962) hâm mộ chính là Arsene Wenger. Wenger đã học kinh tế và luôn phân tích mọi thứ thấu đáo”. Kroenke cho rằng vấn đề quan trọng nhất với Arsenal không phải là mua cầu thủ thật đắt kiểu Real Madrid mà phải là tập trung khuếch trương thương hiệu. “Tôi rất ngưỡng mộ người Anh ở khoản này. Bạn phải nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của thương hiệu”, ông nói. Theo Kroenke, việc mua những cầu thủ trẻ cho học viện và phát triển họ, luôn mặc cả thật chắc khi mua cầu thủ và nói không với việc phá giá như cách mà Wenger đang làm là hoàn toàn đúng đắn. Ông khẳng định Wenger “không chịu sức ép giành danh hiệu nào hết”, có nghĩa là chừng nào Arsenal đều đặn vào Top 4 và Kroenke vẫn nắm phần đa cổ phần, Wenger sẽ làm việc ở Arsenal đến khi nào ông thích. |
Gia Hưng