A+ A A- Kiểu đọc sách

Vừa bay lên cao, tuyển Anh đã sớm rơi xuống mặt đất

07:03 31/03/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Thất bại 1-2 trước Hà Lan ngay tại Wembley là kết quả khó chấp nhận với một đội bóng mà vài ngày trước còn quật ngã ĐKVĐ thế giới Đức 3-2 ở Berlin. Nhưng đó là một trận thua rất cần thiết đối với thầy trò Roy Hodgson.

Các trận giao hữu quốc tế có ý nghĩa nhất định trong quá trình chuẩn bị của các đội bóng. Những chiến thắng sẽ mang tới sự tự tin còn thất bại có thể minh chứng cho sự đi chệch hướng. Nhưng thật ra, kết quả không phải thứ quan trọng nhất, mà là những bài học rút ra từ đó để đội bóng trở nên hiệu quả nhất ở giải đấu chính thức. Nói cách khác, “thử xịt đốt kêu”, còn hơn “thử kêu, đốt xịt”.

Không phải một thảm họa

Đó là lý do chiến thắng 3-2 trên đất Đức không phải một kỳ tích quá to tát, và thất bại 1-2 trước Hà Lan cũng không phải là một thảm họa. Trái lại, trận thua ấy còn giúp tuyển Anh nhìn rõ hơn những điểm yếu của mình. Hodgson đã tận dụng triệt để đợt giao hữu này để thử nghiệm các cầu thủ, chứ không chạy theo thành tích. Việc ông thay đổi gần như hoàn toàn đội hình xuất phát ở trận trước là một minh chứng.

Hodgson đã phải gây dựng lại niềm tin từ sau thảm họa ở Brazil cách đây gần hai năm, và ông đã dần dần làm được điều đó bằng việc tập trung vào thế hệ trẻ. Đội hình xuất phát trước Đức có 7 cầu thủ ở độ tuổi U25, còn trước Hà Lan vừa qua là 4 người. Những chàng trai ấy dường như chơi bóng để tự quyết định số phận mình chứ không phải chịu một áp lực nào cả. Cách làm ấy hoàn toàn khác với nhiều người tiền nhiệm của Hodgson, và chính ông ở những năm đầu dẫn dắt tuyển Anh: cố gắng kết hợp cái gọi là Thế hệ vàng với những tài năng trẻ.  

Vấn đề của tuyển Anh trước đây nằm chính ở đó, ở danh tiếng của những Steven Gerrard, Frank Lampard và các danh thủ khác khiến các HLV buộc lòng phải sử dụng họ. Những ngôi sao ấy quá lớn để có thể gạt ra ngoài, nếu như HLV muốn rẽ hẳn sang một hướng khác. Bây giờ, khi những ngôi sao lớn nhất đã chia tay sau World cup 2014, Roy Hodgson đã có thể xây dựng đội bóng dựa trên phong độ và chiến thuật, chứ không phải tên tuổi. Tất nhiên, vẫn còn những tranh cãi về việc có nên sử dụng Rooney ở Pháp hay không, song ở hai trận vừa rồi, cả Jamie Vardy (ghi 2 bàn) lẫn Harry Kane (1 bàn) đều tạo dựng được niềm tin rằng họ hoàn toàn có thể thay thế được chân sút đàn anh.

Giữ đôi chân trên mặt đất

Chúng ta cũng thấy tuyển Anh đã chơi một thứ bóng đá hấp dẫn. Trước tuyển Đức là một đội bóng chơi không biết sợ trước nhà vô địch thế giới, ngay cả khi bị dẫn đến 2-0 khi bước vào hiệp hai. Tiếp Hà Lan, họ mở tỷ số bằng một pha phối hợp hoàn toàn không giống với tuyển Anh trong nhiều năm vừa qua.

Thật vậy, cú đệm bóng của Vardy tuy đơn giản nhưng là tình huống kết thúc của pha phối hợp đồng đội cực kỳ ăn ý, và vì thế, nó đẹp không kém gì pha đánh gót vào lưới Neuer vài ngày trước. Từ đường chuyền của Milner, cú bỏ bóng tinh quái của Sturridge, pha đảo người rồi chọc khe tinh tế của Barkley rồi đến đường tạt của Walker đúng vị trí của Vardy.

Việc tuyển Anh thua ngược, dù nhiều người cho rằng trọng tài mắc sai lầm trong tình huống ấn định tỷ số trận đấu, là dấu hiệu đáng lo. Ở một trận giao hữu thì nó không để lại hậu quả lớn, song nếu tái diễn ở mùa hè này thì sẽ thật nguy hiểm. Thật may, họ sẽ còn thời gian để sửa chữa những sai lầm kiểu như thế.

Và với một đội bóng trẻ như tuyển Anh hiện nay, thất bại này giúp họ đỡ phải nghe những lời tán tụng từ giới truyền thông nước này và giữ đôi chân trên mặt đất. Âu cũng là một cái may.

7 Trong 7 lần gần nhất chạm trán Hà Lan, tuyển Anh đều không thắng. Họ hòa 4, thua 3.

100 Pha lập công của Vardy ở Wembley vừa rồi là bàn thắng thứ 100 của tuyển Anh dưới thời Roy Hodgson

4 Hàng thủ đang là điểm yếu của Tam sư. Họ đã nhận 4 bàn thua khi gặp Đức và Hà Lan, gấp 2 lần số bàn thua ở... 6 trận gần nhất trước đó.


Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...