A+ A A- Kiểu đọc sách

Vì sao Pogba, Higuain có giá cả trăm triệu?

12:03 20/07/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Premier League đang ngày càng trở thành một sân chơi của những người giàu, với giá cả cầu thủ tăng một cách chóng mặt, và cứ mùa chuyển nhượng sau, các CLB lại móc hầu bao sâu hơn những kỳ trước.

Khi mùa kỳ chuyển nhượng mùa Hè mới chỉ chớm bắt đầu sau EURO 2016, đã có 4 thương vụ từ 30 triệu bảng trở lên được hoàn tất ở giải Ngoại hạng, so với tất cả 5 vụ cỡ “bom tấn” như thế cả mùa Hè năm ngoái. Tuy nhiên, ngay cả mốc 30 triệu bảng giờ cũng không còn đáng được coi là bom tấn nữa. Paul Pogba đang được hét giá 100 triệu bảng, Gonzalo Higuain 80-90 triệu bảng…

30 triệu bảng là quá thường

Thật ra, 4 thương vụ trên 30 triệu bảng ở Premier League cho tới thời điểm này của mùa mua sắm khó có thể được coi là những ngôi sao đích thực. Granit Xhaka chuyển từ Borussia Moenchengladbach sang Arsenal với giá 35 triệu bảng; Michy Batshuayi, từ Marseille sang Chelsea, 33 triệu bảng; Sadio Mane, từ Southampton sang Liverpool; và Eric Bailly, từ Villarreal tới Man United, đều 30 triệu bảng. Điểm chung của họ: Chưa ai quá 25 tuổi và tất cả đều không có kinh nghiệm Champions League.

Chỉ cách đây vài năm thôi, thật khó tưởng tượng những HLV ăn chắc mặc bền như Sir Alex Ferguson hay Arsene Wenger lại có thể ném tiền qua cửa sổ cho những thương vụ như thế. Bailly chẳng hạn, là một trung vệ mới 22 tuổi, với 35 trận khoác áo Villarreal và 15 trận nữa cho ĐT Bờ Biển Ngà. Trong một quá khứ chưa xa, với 30 triệu bảng, Ferguson đã có thể đưa về một tuyển thủ Anh vừa dày dạn, vừa đảm bảo chắc chắn thành công cho vị trí đó: Rio Ferdinand. Tương tự, những cầu thủ trẻ và chưa chứng tỏ được nhiều ở đỉnh cao như Xhaka, Mane hay Batshuayi không lý gì lại có thể đắt như thế.

Nhưng giống như trong mọi vấn đề kinh tế và thị trường tự do: Giá cả mà giao dịch xảy ra cũng là giá cả hợp lý. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới việc giá cầu thủ leo thang như vậy tại giải Ngoại hạng?

Thật dễ chỉ ra lý do nhãn tiền: bản hợp đồng bản quyền truyền hình khổng lồ trị giá hàng tỉ bảng đã khiến các CLB Premier League ních chặt hầu bao trong nhiều năm nữa. Về chất lượng chuyên môn, có thể không có cơ sở vững vàng để khẳng định giải Ngoại hạng là số 1 thế giới, nhưng về tiền bạc thì không có gì phải tranh cãi.

Đi tìm nguyên nhân

Luật công bằng tài chính, vốn được LĐBĐ châu Âu (UEFA) nghĩ ra để ngăn chặn sự giàu có quá mức làm tăng khoảng cách không thể san lấp giữa các giải đấu, các đội lớn và nhỏ ở châu Âu, đã không thể phát huy hiệu lực như mong đợi. Hợp đồng bản quyền và sự sẵn sàng chịu chi của các ông chủ ngoại đã khiến những quy định đó trở nên vô nghĩa. Các hình phạt đối với Man City hay Chelsea cũng đã không đủ để các CLB này chùn tay trong chi tiêu. Trái lại, có vẻ như chừng nào Roman Abramovich còn ở Stamford Bridge, và các ông chủ A-rập còn ở Etihad (chưa kể những đại gia Trung Quốc đã nhúng tay vào đây), thì không luật lệ nào có thể ngăn cản họ tiếp tục chi tiền.

Chiến thắng chấn động của Leicester mùa trước, sau khi nhận được sự đầu tư thích đáng từ những nhà tài phiệt Thái Lan, cũng đã khuyến khích tốp sau chịu khó móc hầu bao hơn, và hệ quả tất yếu là mọi đội bóng Anh giờ sẽ phải mặc cả khốc liệt để có được những cầu thủ họ muốn.

Man United cũng đã vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân của cơn điên cuồng mua sắm. Chính họ, với những hợp đồng vượt ngoài sức tưởng tượng với Angel di Maria và Anthony Martial, đã góp phần quan trọng đẩy giá cầu thủ lên cao ngất. Di Maria và Martial lần lượt là 2 chữ ký rất kém cỏi và rất thành công của Old Trafford, nhưng dù thành hay bại, thì cái giá bỏ ra cho họ vẫn là quá khó tin, và mọi đội bóng bán cầu thủ cho Man United bây giờ đều sẽ đòi được cái giá giống như thế.

Trong bối cảnh đó, chừng nào mà các đội Premier League còn chấp nhận móc hầu bao, thì không có gì lạ khi những vụ chuyển nhượng mùa Hè cứ ngày càng có giá cao một cách khó hiểu.

Lịch sử những kỷ lục

+ 15 năm trước: Veron là chữ ký kỷ lục của Premier League Hè 2001, từ Lazio tới Man United với giá 28,1 triệu bảng. Kỷ lục thế giới lúc bấy giờ là 46,6 triệu bảng: Real Madrid trả cho Juventus để có Zinedine Zidane. 12 tháng sau, Rio Ferdinand tới Old Trafford từ Leeds với giá 29,1 triệu bảng. Với những khoản tiền đó, ngày nay các đội bóng chỉ mua được những Edison Cavani và Eric Bailly.

+ 10 năm trước: Kỷ lục là Carlos Tevez, chuyển tới Man City với giá 47,5 triệu bảng trong những năm đầu của thời đại A-rập ở nửa xanh thành Manchester.

+ 5 năm trước: Những cầu thủ giá trên 30 triệu bảng vẫn còn rất hiếm, với ngoại lệ là Cesc Fabregas, từ Barcelona sang Arsenal với giá 38 triệu bảng (Man City cũng trả khoản tiền tương tự cho Sergio Aguero). Fernando Torres là kỷ lục ở Anh, từ Liverpool tới Chelsea với giá 50 triệu bảng. Liverpool, cũng trong mùa Đông đó, mua được Luis Suarez với giá 22,8 triệu bảng.


+ Năm 2015: Tất cả có 5 cầu thủ giá trên 30 triệu bảng, trong đó Man City chi ra tổng cộng 134 triệu bảng cho Nicolas Otamendi, Raheem Sterling và Kevin De Bruyne. Anthony Martial tới Man United với giá 36 triệu bảng, trở thành cầu thủ dưới 20 tuổi đắt giá nhất thế giới.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Từ khóa: pogba higuain
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...