(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng một tuần trước, Wenger có phát biểu một câu khá “quái lạ” về tương quan Arsenal và Tottenham. Ông vẫn khăng khăng rằng đội bóng của mình không ở sau lưng của đối thủ cùng thành phố mà ngược lại, Tottenham vẫn còn phải đuổi theo Arsenal.
Wenger không ám chỉ bảng xếp hạng Premier League mà ông muốn lái câu chuyện về những gì vĩ mô hơn. Đó chính là nền tảng của một CLB-như-một-đế-chế. Ông nhìn nhận vào thành công trong phát triển tiềm lực kinh tế của Arsenal mà tảng lờ đi câu chuyện của thành tích. Có lẽ, ông vẫn còn bị ru ngủ bởi những cổ đông của CLB, mà điển hình là Alisher Usmanov, người đã trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình Nga rằng “Wenger là một tài sản quý giá của Arsenal”.
Đúng, chúng ta không một ai phủ nhận những gì Wenger đã mang lại cho CLB. Chính sách chi tiêu có kiểm soát chặt chẽ của ông trên thị trường đã giúp Arsenal có được tiềm lực như ngày hôm nay. Việc duy trì vị trí trong nhóm dự Champions League cũng mang lại cho CLB không ít lợi ích về tài chính. Song, CLB vẫn có phần hồn của nó, được xây dựng trên cơ sở của những thành tích, thứ giúp các CĐV gắn kết hơn, thẩm thấu mạnh mẽ hơn văn hóa của CLB.
Tottenham hôm nay đang tràn trề cơ hội lần đầu tiên vô địch Premier League khi họ chỉ còn thua Leicester 5 điểm, một Leicester đang chịu áp lực rất lớn và tỏ ra quá bối rối khi mùa giải đã nhích dần về cuối.
HLV Mauricio Pochettino đã vô cùng tài năng khi tạo ra một đội bóng không chỉ hiệu quả mà còn chơi cuốn hút, cống hiến và đẹp mắt. Trong đội hình một Tottenham đầy hấp dẫn đó, chúng ta có thể nhận thấy đa số những trụ cột đều là những người Anh, và trưởng thành từ chính lò đào tạo của CLB. Họ đã cùng các cầu thủ được mang về từ thị trường chuyển nhượng bằng một chính sách mua sắm khôn ngoan như Lloris, Alderweireld, Vertonghen, Lamela… tạo nên một đội bóng hài hòa và có sức mạnh chiều sâu đáng nể.
Và có lẽ, chúng ta cũng nên tham khảo một con số biết nói. Trong 5 mùa bóng gần nhất, Tottenham là đội duy nhất ở Premier League có doanh thu bán cầu thủ cao hơn kinh phí bỏ ra mua cầu thủ. Tổng số tiền chênh lệch mà họ thu được từ hoạt động chuyển nhượng của 5 mùa giải qua là 53,7 triệu bảng Anh. Trong khi đó, Arsenal “lỗ” 104 triệu bảng Anh trong 5 mùa gần nhất khi tổng số tiền mua cầu thủ của họ lên tới 259 triệu bảng Anh và họ chỉ thu lại được 155 triệu bảng từ tiền bán cầu thủ mà thôi.
Thời của Wenger thực sự qua rồi
Như vậy, chúng ta thấy rất rõ là Arsenal thu lợi chủ yếu từ các nguồn thu thương mại, quảng cáo và các hoạt động ngoài bóng đá khác. Chính sách thắt lưng buộc bụng của Wenger xem ra cũng không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Arsenal mà rốt cuộc thành tích của họ cũng không đáp ứng được đòi hỏi của người hâm mộ.
Trong khi đó, lò đào tạo của Arsenal không tung ra được những siêu phẩm như Harry Kane (người trớ trêu thay đã khởi nghiệp với Arsenal 1 năm trời khi anh mới lên 8 tuổi) mà chỉ giới thiệu được những tiềm năng kiểu Jack Wilshere. Xem ra, cái lý giải chúng ta vẫn hay tự biện minh cho Arsenal rằng thành công của đội bóng ấy không phải là danh hiệu mà là nền tảng đã có vẻ lung lay.
Tottenham đang làm tốt hơn rất nhiều, ít hơn là ở giai đoạn hiện tại. Và một trong những yếu tố giúp Tottenham tốt hơn Arsenal là bởi họ có một HLV tốt hơn, với tư duy trẻ trung hơn, cập nhật hơn.
Tottenham có thể không vô địch Premier League mùa này, nhưng họ khó lòng xếp dưới Arsenal trên bảng xếp hạng khi mùa bóng khép lại. Và nhìn vào họ, chúng ta có thể phải thừa nhận với nhau rằng, họ chính là một tham chiếu tốt để khẳng định rằng, thời của Wenger đã qua rồi…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa