loading...
(Thethaovanhoa.vn)- Kế hoạch thành lập một siêu giải đấu mang tên Super League đã khiến lãnh đạo của ba quốc gia châu Âu phải đau đầu. Trong số đó, Thủ tướng Anh, Boris Johnson, là người hành động mạnh mẽ nhất.
Super League giống như tiếng sét giữa trời quang gây chấn động làng bóng đá châu Âu cũng như bóng đá thế giới! Thế nhưng, siêu giải đấu này đã chết yểu một cách hết sức nhanh chóng, khi nhóm Big Six của giải Ngoại hạng Anh đồng loạt rút lui trước sự phản ứng quyết liệt từ các chính trị gia, nhà quản lý bóng đá đến cầu thủ và người hâm mộ.
Super League- giải đấu được khai sinh bởi nhóm 12 câu lạc bộ hàng đầu châu Âu, trong đó có 6 CLB Anh (MU, Man City, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham), 3 CLB Tây Ban Nha ( Real Madrid, Barca, Atletico Madrid), và 3 CLB Italy (Juventus, Inter và AC Milan). Trong thông báo chính thức ngày 19/4, Super League cho biết kế hoạch kết nạp thêm 3 thành viên vào nhóm sáng lập và 5 thành viên dựa trên thành tích thi đấu hàng năm để tạo nên giải đấu với 20 CLB.
Nhóm sáng lập Super League đặt tham vọng hướng đến giải đấu có doanh thu lên đến 6 tỷ USD mỗi năm và mỗi CLB được chia thưởng hàng trăm triệu USD, gấp nhiều lần so với con số đang nhận từ Champions League. Đứng đầu Super League là Chủ tịch Florentino Perez và phó Chủ tịch Andrea Agnelli - những người đang là Chủ tịch đương nhiệm của các CLB Real Madrid và Juventus.
Nhưng chỉ 48 giờ sau khi ý tưởng thành lập giải đấu được tuyên bố trước toàn thế giới, 6 CLB Anh gồm MU, Man City, Chelsea, Arsenal, Liverpool và Tottenham bất ngờ rút khỏi Super League.
Theo Sky Sports, sức ép khủng khiếp từ dư luận, với những cuộc biểu tình của người hâm mộ, chỉ trích đến từ HLV, cựu cầu thủ, quan chức bóng đá,... đã buộc các CLB Anh phải đổi ý. Một trong những người gây sức ép mạnh nhất lên Super League là Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson.
Hôm 19/4- thời điểm Super League đưa ra tuyên bố chính thức, ông Johnson khẳng định “sẽ làm mọi cách để ngăn chặn Super League diễn ra”.
“Bóng đá được sinh ra ở Anh. Những CLB, những cái tên đó xuất thân từ những thị trấn, những thành phố nổi tiếng của quốc gia này. Tôi không nghĩ, bằng cách nào đó, cắt đứt mối liên kết với những thành phố, thị trấn sinh ra mình để chuyển thành thương hiệu toàn cầu là điều đúng đắn. Như thế, họ chẳng còn kết nối gì với những người đã hâm mộ họ trong suốt cuộc đời”, ông nói trước báo giới.
Một ngày sau, tại buổi họp báo dự kiến thảo luận các vấn đề liên quan đến Covid-19, Thủ tướng Anh tiếp tục có những phát biểu đanh thép về việc 6 CLB Anh tham gia thành lập Super League. “Làm sao có thể đúng khi bạn tạo ra một kiểu nhóm lợi ích cạnh tranh, khiến các CLB gặp rào cản trong việc thi đấu với nhau. Những trận đấu đúng nghĩa giữa các CLB đã mang lại hy vọng và sự hào hứng cho người hâm mộ trên khắp đất nước này”.
Thủ tướng Johnson khẳng định ở cuộc họp trực tuyến rằng ông sẽ cung cấp “sự hỗ trợ vững chắc” cho các cơ quan quản lý bóng đá trong cuộc chiến chống lại Super League. Người phát ngôn của ông Johnson từ chối đề cập đến các hành động cụ thể, nhưng khẳng định Thủ tướng Anh “cân nhắc và xem xét một số các khả năng”.
Các biện pháp được truyền thông Anh phân tích bao gồm sự can ngăn và hành động pháp lý hòng thay đổi suy nghĩ của 6 CLB. Lựa chọn đầu tiên là cắt sự hỗ trợ của nhà nước đối với các CLB. Điều này có thể bao gồm từ chối điều cảnh sát hỗ trợ an ninh các trận cầu và cấp thị thực cho các cầu thủ quốc tế đến Anh thi đấu. Cứng rắn hơn nữa là xử phạt các CLB tham gia Super League bằng cách cấm các cầu thủ của họ thi đấu cho đội tuyển quốc gia và các giải đấu trong nước. Chính phủ Anh cũng được cho sẽ xem xét một số biện pháp khác như yêu cầu 6 đội trả lại khoản vay hỗ trợ COVID-19, thay đổi luật sở hữu các câu lạc bộ để người hâm mộ có quyền quyết định lớn hơn, thậm chí ban hành luật mới để phù hợp với tình hình hiện tại.
“Các kế hoạch lập pháp sẽ dễ dàng được quốc hội thông qua. Nếu chính phủ quyết tâm làm điều gì đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ. Quốc hội không cấm hành động nếu cần hành động”, lãnh đạo Đảng đối lập Kei Starmer nhấn mạnh.
Sau tuyên bố của Johnson, các nỗ lực chính thức để ngăn cản Super League được đẩy mạnh. Bộ trưởng Văn hóa Anh, Oliver Dowden, đã tổ chức cuộc họp với những người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và ban tổ chức Ngoại hạng Anh (Premier League) cùng với đại diện của các nhóm CĐV Liverpool, MU và Tottenham - 3 trong số các CLB tham gia Super League. Chính quyền Anh không giấu diếm mục đích sử dụng tất cả biện pháp để ngăn Ngoại hạng Anh trở thành một phần của Super League.
Ngoại hạng Anh là giải đấu bóng đá giàu có nhất trên thế giới, được phát sóng ở gần 200 quốc gia. Ước tính giải đấu này đem về cho nền kinh tế Vương quốc Anh hơn 10 tỷ USD. Do đó, Thủ tướng Johnson có lý do mạnh mẽ để ngăn cản Super League so với các đồng cấp ở Tây Ban Nha và Italy.
Andrea Agnelli- một trong những người chủ chốt đằng việc thành lập Super League cho biết ông thực sự khó chịu khi thấy sự can thiệp quá đà của chính phủ Anh, nhất là việc Thủ tướng Boris Johnson đe dọa dùng luật pháp để ngăn chặn dự án Super League. Andrea Agnelli cho rằng lý do Thủ tướng Anh Boris Johnson phản ứng mạnh mẽ như vậy là bởi lo ngại Super League sẽ làm tổn hại tới Brexit. Ông nói: “Tôi đã suy đoán rằng nếu 6 đội tan rã và đe dọa Premier League, thì giới chức Anh sẽ coi đó là một cuộc tấn công nhằm vào Brexit và kế hoạch chính trị của họ”.
Khi được hỏi về bình luận của chủ tịch Juventus, Downing Street đã bác bỏ quan điểm cho rằng phản ứng của chính phủ Anh với Super League có liên quan tới Brexit. Người phát ngôn chính thức của Yhủ tướng nói: “Tôi bác bỏ điều đó. Thủ tướng đã nói rất rõ ràng về lý do tại sao chính phủ phải vào cuộc và có hành động góp phần khiến các câu lạc bộ phải lùi bước trước đề xuất Super League, tất cả là vì tầm quan trọng của bóng đá đối với cộng đồng”.
K.Đ
Tổng hợp
loading...