(Thethaovanhoa.vn) - Việc Ryan Giggs từ chối làm việc cùng Jose Mourinho ở mùa giải tới cho thấy Thế hệ 92 đã tỏ ra yếu thế so với tiếng nói của chiến lược gia người Bồ Đào Nha.
Ed Woodward, Phó Chủ tịch phụ trách điều hành của Man United, hẳn rất hài lòng khi thấy Mourinho đi vòng quanh trung tâm huấn luyện Carrington. Đó không chỉ đơn thuần là tín hiệu về việc ông đã sở hữu một HLV có thể tái tạo động cơ chiến đấu cho một tập thể đã rệu rã trong suốt ba năm qua, mà còn khẳng định quyền lực của mình trước một trong những mối đe dọa lớn nhất: Những cầu thủ thuộc Thế hệ 1992. Tiếng nói của họ sẽ bị giảm đi đáng kể sau quyết định bổ nhiệm Mourinho.
Hồi tháng Giêng vừa qua, một tập hợp những cựu cầu thủ Man United gồm Ryan Giggs, Paul Scholes, Nicky Butt cùng anh em nhà Neville đã lên kế hoạch mua lại chính đội chủ sân Old Trafford. Họ xuất hiện trong một bộ phim tài liệu và tham gia vào một bộ phim để nói về chính mình. Khi Giggs được Van Gaal đề cử là người kế nhiệm, tham vọng của tập thể cựu cầu thủ Man United nói trên mới lộ rõ.
Chỉ sáu tháng sau, bức tranh đã thay đổi rõ rệt, khi Mourinho mới là người được lựa chọn. Sự xuất hiện của HLV 53 tuổi này khiến khả năng Giggs rời Man United sau ba thập kỷ gắn bó tăng lên thấy rõ. Cùng thời điểm ấy, danh tiếng của Gary Neville bị hủy hoại trầm trọng sau quãng thời gian đáng quên với Valencia, và bây giờ đành hài lòng với vai trò một trong các trợ lý của Roy Hodgson ở tuyển Anh tại EURO 2016 tới đây.
HLV tạm quyền kiêm cầu thủ Ryan Giggs sẽ còn 4 trận để thu gom những manh giáp còn sót lại của Man United mùa này, và bắt đầu thổi lên một ngọn lửa chỉ còn âm ỉ cháy trong Quỷ đỏ
Giả sử Giggs được bổ nhiệm dẫn dắt Man United, đó có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc chuyển giao tại sân Old Trafford. Butt hiện là giám đốc học viện đào tạo trẻ, Gary Neville và Scholes có thể góp mặt trong thành phần ban huấn luyện, Phil Neville, em trai của Gary Neville, cũng được trao một vai trò huấn luyện nào đó. Theo mô hình ấy, nhóm cựu cầu thủ Man United sẽ tái sinh phần lớn yếu tố thuộc về văn hóa của đội chủ sân Old Trafford vốn bị phai nhạt ít nhiều kể từ khi Sir Alex Ferguson giã từ nghiệp cầm quân ở Man United.
Họ có thể tái kết nối lại mối quan hệ giữa những cầu thủ với khán giả, tái sinh lại lối đá tấn công phóng khoáng, thúc đẩy việc ra lò những cầu thủ tiềm năng từ các tuyến trẻ theo cách mà chính họ được đưa lên đội một để trở thành những nhà vô địch. Trên hết, họ sử dụng quyền lực của mình để thâm nhập vào quá trình điều hành đội bóng. Nơi họ thể hiện quyền hành không phải là đội bóng non trẻ Salford City, mà phải là Man United.
Nhưng viễn cảnh lãng mạn ấy lại chưa chắc nhận được sự hào hứng từ phía các cổ động viên Man United. Những gì phần lớn trong số họ mong muốn lại là một bước ngoặt tức thì. Nhiều người lo ngại rằng kể cả khi nhận được sự ủng hộ từ các đồng đội cũ, Giggs vẫn là một lựa chọn đầy rủi ro với quá ít kinh nghiệm huấn luyện.
Thế nên khả năng những cầu thủ thuộc Thế hệ 92 nắm quyền ở Man United là cực thấp. Sự ra đi của Giggs khiến Man United mất đi cơ hội tốt nhất để đưa ra tuyên bố rõ ràng về tôn chỉ và mục đích của đội bóng. Mourinho xuất hiện khiến cho mục tiêu hướng tới của đội chủ sân Old Trafford chỉ gói gọn trong hai chữ: Chiến thắng. Chiến thắng, và không cần quan tâm bất cứ điều gì khác.
Đ.Hùng
Thể thao & Văn hóa