(Thethaovanhoa.vn) - Các CLB Anh đã đầu tư hàng chục triệu bảng vào những lò đào tạo trẻ chỉ để rồi phí hoài các sản phẩm đầu ra. Điều đó cần phải thay đổi.Cảm giác thích thú đang tràn ngập Old Trafford sau chiến thắng của Man United trước Arsenal hôm Chủ nhật là bởi cách họ thắng trận cũng nhiều như bởi kết quả.
HLV Louis Van Gaal nổi tiếng với việc đào tạo các cầu thủ trẻ, điều ông cũng luôn nhắc mọi người mỗi khi có dịp, và một trong những di sản lớn nhất của ông ở Man United thời gian qua là việc đã tạo điều kiện cho 14 cầu thủ trẻ ra mắt đội 1.
Thật ra 14 người trẻ không phải là quá nhiều và ngoài việc Van Gaal tin ở người trẻ, không ít lần ông bắt buộc phải làm như thế chỉ vì hoàn cảnh.
Một số người trong danh sách đó, thành thật mà nói, khó có cơ hội trở lại đội 1 Man United.
Nhưng sự phấn khích dành cho Marcus Rashford là chuyện hoàn toàn khác.
Tiền đạo 18 tuổi này không hẳn là hoàn toàn vô danh và đây không phải là lần đầu anh ghi 4 bàn trong 2 trận cho một đội bóng của Man United, nhưng ngoài vấn đề chuyên môn, còn có niềm vui khôn tả của việc được chứng kiến một ngôi sao trẻ tự đào tạo trưởng thành qua từng trận đấu.
Man United có truyền thống lâu đời trong việc này và với những gì Rashford đã thể hiện, cùng với việc Jesse Lingard trở thành một trụ cột cũng như các dấu hiệu đầy hứa hẹn với Cameron Borthwick-Jackson, niềm tin đang trở lại nơi các CĐV áo đỏ về một thế hệ "cây nhà lá vườn" có thể làm nên chuyện nữa.
Câu hỏi là tại sao không có nhiều CLB Premier League hơn tin vào những người trẻ.
Ở Tottenham, Mauricio Pochettino đã chủ ý cho ra sân đội hình với tuổi trung bình trẻ nhất giải và tôi luyện cho những tài năng như Josh Onomah, 18 tuổi, cũng như tiền vệ vừa tuyển mộ Dele Alli, 19.
Những CLB khác, Liverpool, West Ham..., cũng đã nỗ lực trong việc này, nhưng họ còn quá ít.
Chelsea chẳng hạn, sở hữu một cơ sở hạ tầng đào tạo trẻ tuyệt vời, nhưng lại không có cầu thủ tự đào tạo nào chơi cho đội 1 kể từ John Terry, người nhiều khả năng sẽ ra đi vào mùa Hè tới.
Hy vọng lớn nhất của Stamford Bridge hiện giờ là Ruben Loftus-Cheek, người vừa ký một hợp đồng mới với CLB, nhưng tiền vệ cũng chưa thật sự có một tương lai bảo đảm.
Thật kỳ lạ là Premier League lùng sục khắp thế giới tìm kiếm những tài năng trẻ, nhưng các học viện được trang bị tận răng bằng tiền triệu bảng của họ lại không thể cho ra là các sản phẩm lên được đội 1.
Phải thừa nhận, Louis van Gaal thuộc diện quá may mắn. Cứ mỗi lúc ông đứng giữa tâm bão chỉ trích, giữa áp lực đòi sa thải từ CĐV thì ngay lập tức, ông lại có được một kết quả đủ để dập tắt những ý kiến chỉ trích.
Áp lực thành tích dĩ nhiên là vấn đề lớn, nhưng như Van Gaal đã chứng minh, một sự thay đổi trong cách tiếp cận không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành tích đi xuống.
Các CĐV đều thích những chữ ký lớn, đắt tiền. Cả châu Âu và thế giới phải nhường đường cho sức mạnh tài chính của Premier League, nhưng đồng thời, lại cười khẩy trước sự lãng phí khó tin của các đội bóng lớn ở giải đấu này.
Ngay khi Rashford ghi 2 bàn cho Man United vào cuối tuần, vài giờ sau đó trong trận chung kết League Cup ở Wembley, Raheem Sterling lại bỏ lỡ 2 cơ hội cực kỳ ngon ăn, và sự so sánh họ với nhau là điều không tránh khỏi.
Sterling là cầu thủ Anh đắt giá nhất trong lịch sử được một CLB Premier League bỏ tiền ra đưa về. Anh 21 tuổi và đầy tiềm năng, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác chỉ là một ngôi sao đá bóng vì tiền ở Man City, như mọi lính đánh thuê khác.
Man United thực ra cũng có những chữ ký đắt khó hiểu đưa về những lính lê dương nước ngoài mà năng lực không phải là vượt xa so với những người họ có thể tự đào tạo, đá cùng vị trí. Anthony Martial chẳng hạn, có giá tới 58 triệu bảng, dù ngay lúc này, khó mà nói trước rằng anh hay Rashford sẽ là một chân sút lớn hơn ở Old Trafford trong tương lai.
Với trường hợp của Man City là Sterling và Kelechi Iheanacho có giá 350.000 bảng khi chuyển tới Manchester từ Nigeria).
Những trường hợp đó không thể không khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao các CLB không đơn giản là sử dụng những người trẻ của họ nhiều hơn nữa.
Trần Trọng