(Thethaovanhoa.vn) - Sau một vòng đấu mà chỉ mình Arsenal thất bại còn 6 đội dẫn đầu còn lại đều thắng, kịch bản của cuộc đua vô địch Premier League có vẻ càng phức tạp hơn, và khó dự đoán hơn, dù Chelsea đang vượt lên với khoảng cách 6 điểm an toàn…
1. Cách đây khoảng 2 tuần, khi nói về tình trạng của Man United, Arsene Wenger có nhận xét đại loại rằng đừng vội gạch tên Man United khỏi cuộc đua vô địch. Theo ông, thua 9 điểm thì vẫn còn có hi vọng nhưng nếu thua nhiều hơn 9 điểm thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc hãy chuẩn bị cho mùa sau chứ đừng mơ mộng gì việc cạnh tranh ở mùa giải này.
Chelsea đã có khoảng cách 6 điểm với Arsenal và điều đó đẩy đội bóng của Wenger vào thế rất khó. Thực tế, nếu cuộc đua diễn ra như nhiều năm trước, tức là chỉ có 2 hoặc 3 đội bóng cạnh tranh gay gắt với nhau, khoảng cách 6 điểm thực sự rất khó vượt qua bởi chênh lệch nội lực giữa 2 hay 3 ứng viên hàng đầu so với những đội bóng còn lại là khá rõ rệt. Nhưng ở mùa này, khi thực lực của 6 đội dẫn đầu không chênh lệch nhau, 6 điểm là thứ có thể bị san lấp chỉ sau vài vòng đấu.
Carlo Ancelotti cho rằng những CLB có chủ sở hữu là người Mỹ như Arsenal hay Man United đang không đặt nặng vấn đề danh hiệu mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận tài chính
10 vòng trước, Man City đang dẫn đầu, hơn Chelsea 8 điểm, hơn
Arsenal 5 điểm. Vậy mà chỉ sau đó 5 vòng (ở vòng 11), Chelsea đã lên nhì bảng, thua Liverpool 1 điểm và hơn Man City, Arsenal 1 điểm. Bây giờ, diễn biến đã khác hẳn, Liverpool cùng Arsenal thua Chelsea 6 điểm và Man City bám sát ngay sau với 1 điểm ít hơn.
Điều đó cho thấy, chỉ sau 5 vòng, chắc chắn sẽ có những xáo trộn rất mạnh ở các vị trí dẫn đầu. Và Chelsea, dù đang chơi hay, cũng không phải ngoại lệ. Đơn giản, không đội nào đá đâu thắng đó được cả. Điểm vấp ngã lúc nào cũng chực chờ sẵn phía trước một cách bất ngờ.
2. Như vậy, đội bóng có thể bị gạch tên khỏi cuộc đua lúc này chỉ là Man United mà thôi, khi họ thua đội đầu bảng tới 13 điểm, một khoảng cách quá lớn và quá khó để san lấp. Và nếu nói như Wenger, Tottenham cũng gần như không còn cơ hội, khi họ để thua Chelsea tới 10 điểm. Và nếu điều Wenger nói là chuẩn xác, hợp lý, trận so tài trên sân Emirates vào Chủ nhật này có thể sẽ quyết định số phận của Man City.
Nếu Man City thua Arsenal (khả năng hoàn toàn có thể xảy ra), khoảng cách điểm với Chelsea có thể sẽ lên tới 10 (nếu Chelsea thắng Crystal Palace). Theo lý thuyết của Wenger, khoảng cách điểm ấy đủ để tiễn Pep Guardiola về với đội của Mourinho và Pochettino và để lại cuộc đua cho Wenger, Klopp và Conte.
Nếu Man City hòa Arsenal, và Chelsea thắng Crystal Palace, cả Wenger lẫn Pep Guardiola đều rơi vào thế của Mourinho cách đây hơn hai tuần, tức là ở vị trí nguy hiểm. Lúc ấy, một đội thua Chelsea 9 điểm (Man City) và một đội thua 8 điểm (Arsenal) sẽ luôn phải ra sân với tâm thế không được mất điểm thêm nữa để tránh rơi vào tình trạng của “Lý thuyết Wenger”.
3. Thứ Ba vừa rồi, Pep Guardiola bất ngờ tuyên bố rằng “tôi cũng lo bị sa thải”. Trước mùa giải, trong một cuộc phỏng vấn, chính Wenger nói rằng “sa thải là chuyện bình thường của nghề huấn luyện và hiện nay chỉ có mình Pep chưa bị sa thải, nhưng điều đó kiểu gì rồi cũng xảy ra”. Có vẻ Wenger nói khá gở nhưng thực sự, nếu ở mùa giải đầu tiên này Pep không thành công với Man City, ông hoàn toàn có thể lép vế trong mối quan hệ với giới chủ CLB ở mùa giải tới, điều có thể tạo đà cho một quyết định sa thải nếu Man City gặp vài trận phong độ làng nhàng.
Với một người được kỳ vọng như Pep, có tài như Pep mà còn phải thốt lên điều “tiêu cực” kia, chúng ta càng nhận rõ hơn sự khắc nghiệt của Premier League. Vậy thì những so sánh cho rằng Premier League khó khăn hơn Liga hay Bundesliga suốt thời gian qua phải chăng là có lý?
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa