(Thethaovanhoa.vn) -
Chẳng có gì chắc chắn khi thông tin về một HLV người Bồ Đào Nha dẫn dắt một đội bóng Anh lại nổ ra từ một trang tin của… Italy. Nhưng nó cũng là một suy đoán logic, dựa trên những biến động của vị trí HLV vài mùa giải gần đây.Trang tin chuyển nhượng
Tuttomercatoweb.com do nhà báo thể thao Michele Criscitiello làm giám đốc, tập hợp các nguồn thông tin thể thao từ khắp nơi, và thỉnh thoảng cũng... sáng tác tin.
Trang tin này cho biết Chelsea đang theo đuổi HLV Diego Simeone của Atletico Madrid, và Jose Mourinho đã đạt thỏa thuận dẫn dắt Man United vào cuối mùa. Daily Star, một tờ lá cải của Anh, trích dẫn lại từ Tuttomercato, kèm theo “dòng chú thích” nhằm giảm mức độ chắc chắn: “Starsport cho rằng thông tin về việc đạt thỏa thuận hợp đồng là hơi... phóng đại quá”.
Đó là bằng chứng cho thấy tất cả chỉ là đồn thổi. Dựa trên một logic: Mourinho đang chịu sức ép tại Chelsea, Man United lại chán Louis van Gaal, người đang dìu họ vào những giấc ngủ ngon vì lối đá tẻ nhạt. Nhiều fan Quỷ đỏ đã muốn Mourinho dẫn dắt CLB từ khi Sir Alex Ferguson giải nghệ vào năm 2013, nhưng Ferguson chọn David Moyes vì không tin vào các dự án dài hạn của Mourinho. Quyết định khiến Mou sau đó thú nhận đã “rất đau khổ”. Một số tờ báo còn nói rằng Mourinho đã khóc ở thời điểm đó.
"Nghỉ ngơi đi. Để tôi làm giúp"
Nhưng... chuyện gì cũng có thể xảy ra
Điệu valse trên ghế huấn luyện viên "dễ đoán" hơn nhiều so với thị trường chuyển nhượng cầu thủ vốn đông đảo và phức tạp.
Thị trường các HLV hàng đầu khá hẹp, vài ba năm mới lại xuất hiện một Andre Villas-Boas dẫn Porto vô địch Europa League, được “gán mác” Jose Mourinho mới. Hoặc mùa trước, Barcelona bổ nhiệm Luis Enrique, người quen với các thất bại tại Celta Vigo và AS Roma. Hay Pep Guardiola nắm Barcelona hồi năm 2008 cũng là một gương mặt mới.
Mourinho (trái) là phiên dịch viên của Van Gaal ở Barcelona
Không ai nghi ngờ vị thế cạnh tranh ngôi vô địch của Man Utd, bất chấp họ đang bị chỉ trích rất nhiều về lối chơi quá nhàm chán, thận trọng. Nhưng vị thế cạnh tranh ngôi vô địch và trở thành nhà vô địch là hai khái niệm khác nhau.
Các năm gần đây, thị trường HLV hàng đầu chỉ quanh quẩn độ hai chục cái tên: Jose Mourinho, Pep Guardiola, Carlo Ancelotti, Rafael Benitez, Louis van Gaal, Guus Hiddink, Juergen Klopp… Khi người này đang khủng hoảng mà người kia còn thất nghiệp, thì báo chí dễ suy đoán họ sẽ đổi chỗ cho nhau.
Ví dụ: Sau khi Mourinho rời Inter vào năm 2010, Benitez dẫn dắt Inter. Mourinho tới thay Pellegrini dẫn dắt Real Madrid thì Pellegrini sau đó tới Manchester City. Man City sa thải Roberto Mancini, trải qua một thời gian ngắn ở Galatasaray, Mancini trở lại Inter. Khi đó, Benitez đã đến dẫn dắt Real Madrid sau khi Mourinho trở lại Chelsea. Trước đó nữa, chính Benitez làm HLV tạm quyền của Chelsea, sau 2 năm đội áo xanh gắn bó với Carlo Ancelotti, chính là người kế nhiệm Mourinho ở... Real.
Thế giới HLV hàng đầu khá nhỏ, tạo ra cuộc chơi nhiều màu sắc
Ở 3 giải VĐQG hàng đầu là Anh, TBN và Đức, chỉ có khoảng 7-8 đội bóng lớn. Phạm vi hẹp nên cuộc chơi HLV như một trò hoán vị: Anh dùng người này chán thì hãy để cho tôi.
Hơn nữa, chọn HLV không như mua cầu thủ. Đội bóng phải lựa HLV sớm để chuẩn bị cho kế hoạch của mùa giải, đặc biệt ở Anh, HLV quyết định cả các vấn đề chuyển nhượng và lối chơi của học viện. Ở Bayern Munich, Pep Guardiola đã kí hợp đồng khi Jupp Heynckes còn đang đương chức. Pep có 6 tháng học tiếng Đức, tìm hiểu về điểm làm việc tương lai, mà người hướng dẫn ông chính là... Heynckes.
Không ngẫu nhiên, thông tin đồn đoán lại xuất hiện đúng thời điểm ghế của Mourinho và của Van Gaal không còn chắc chắn. Carlo Ancelotti thì đang thất nghiệp, Diego Simeone thì đã thoái trào với Atletico Madrid, Guus Hiddink bày tỏ sự hứng thú với nước Anh, Man City có dấu hiệu “mê” Pep Guardiola (hết hợp đồng với Bayern vào cuối mùa này) và chán Pellegrini...
Điệu valse của những chiếc ghế HLV không bao giờ chấm dứt, bởi vì nhạc nền của nó, là những thông tin kiểu này, có bao giờ hết đâu…
Đỗ Hiếu