(Thethaovanhoa.vn) - Hàng loạt vấn đề nan giải nảy sinh trong chuỗi 3 trận thua liên tiếp của M.U đều chỉ xoay quanh vấn đề lớn nhất: HLV Jose Mourinho cứ phải ưu tiên dành cho thủ quân Wayne Rooney một chỗ nơi hàng tiền vệ. Ngay cả bản hợp đồng có giá kỷ lục thế giới 90 triệu bảng của Paul Pogba cũng không to hơn cái bóng Rooney trong đội hình M.U.
Đừng nhìn vào tuổi tácTháng sau, Rooney tròn 31 tuổi. Anh vẫn trẻ hơn Cristiano Ronaldo - ngôi sao vừa vô địch Euro 2016 và có thể sẽ được trao Quả Bóng Vàng FIFA năm nay. Anh trẻ hơn hẳn Zlatan Ibrahimovic - cầu thủ sắp tròn 35 tuổi nhưng chỉ vừa xuất hiện lần đầu tiên trong màu áo M.U mùa này. Tuy nhiên, nếu chỉ so sánh tuổi tác thuần túy và cho rằng Rooney vẫn còn khả năng bám víu ngày xuân thì đấy là sai lầm lớn.
Bây giờ, hình ảnh thường thấy của Rooney là cảnh lẽo đẽo chạy theo trọng tài để phân bua sau những tiếng còi không được như ý; té lăn trên sân; gương mặt đầy vẻ khó chịu sau một cú sút hoặc đường chuyền hỏng. Như một bánh xà phòng, phong độ của Rooney đã bị bào mòn liên tục từ khi anh ghi bàn ở tuổi 16 trên sân cỏ Premier League. Vươn lên nhanh chóng bao nhiêu thì cũng tàn phai nhanh chóng bấy nhiêu - cứ hỏi Michael Owen là biết rõ quy luật này trong làng bóng Anh.
Như một bánh xà phòng, phong độ của Rooney đã bị bào mòn liên tục từ khi anh ghi bàn ở tuổi 16 trên sân cỏ Premier League
Tất nhiên, bóng đá đỉnh cao có khối tượng đài "càng già càng cay". Nhưng Rooney không thuộc mẫu cầu thủ có thể chiến đấu bằng kinh nghiệm già dặn, đường chuyền tinh tế hoặc cách xử lý khôn ngoan. Anh chỉ sở trường về lối chơi dùng sức. Ở đây hoàn toàn không có ý định xúc phạm Rooney, nhưng quả khó mà kết nối cầu thủ này với tính từ "thông minh". Trong suốt giai đoạn đỉnh cao, đã biết bao lần HLV Alex Ferguson phải bênh vực cho những hành vi ngốc nghếch của ngôi sao này? Vậy nên, chỉ có thể khẳng định một điều: Rooney đã thật sự "hết thời" và sẽ là điều tai hại nếu đội tuyển Anh cũng như M.U cứ trông cậy vào vai trò thủ lĩnh của anh.
Vị trí hoặc vai trò nào cũng... kém
Ban đầu, HLV Jose Mourinho nói chắc như đinh đóng cột: "Rooney phải là cầu thủ số 10, có thể chơi giữa số 10 và số 9, có thể là mẫu cầu thủ số 9 rưỡi. Anh không bao giờ là cầu thủ số 6 hoặc số 8". Ý Mourinho muốn nói rằng HLV Roy Hodgson đã sai lầm khi xếp Rooney vào một vị trí quá thấp trong đội hình Anh tại Euro 2016, như một trong những đầu mối dẫn đến thất bại trước Iceland.
Trước sau, Rooney cứ phải là một tiền đạo. Nhưng từ vài năm gần đây, anh đã không còn đủ thể lực và tốc độ để chơi tiền đạo nữa. Đề tài về một vị trí cũng như vai trò thích hợp cho Rooney chẳng bao giờ đi đến hồi kết là vì vậy. Sự thật là anh không trụ được ở bất cứ vị trí nào khác ngoài hàng tiền đạo. Anh càng không thể đá cánh.
Mourinho quả đã xếp Rooney hơi cao trong 3 vòng đấu đầu tiên tại Premier League. M.U toàn thắng 3 trận, nhưng hễ đề cập Rooney trong các trận ấy, người ta chỉ có thể khen một cách gượng gạo. Rút cuộc thì Mourinho cũng tự mâu thuẫn với mình khi ông kéo Rooney xuống thấp hơn trong trận thua thảm họa 1-3 trước Watford.
Trong một đêm cần phải tỏa sáng, cần cho thấy tầm quan trọng của mình với Mourinho và chứng tỏ mình thực sự danh bất hư truyền thì Wayne Rooney lại một lần nữa gây thất vọng dù đối thủ của Man United cúp Liên đoàn chỉ là một đội hạng 3.
Vấn đề không chỉ là vị trí hay phong độ. Về mặt tinh thần, chưa thấy Rooney có đóng góp quan trọng nào trong tư cách thủ lĩnh M.U. Về lối chơi, một khi đã có Rooney mang băng đội trưởng, hết đá công lại đá trụ trong hàng tiền vệ, thì ai là người tổ chức lối chơi cho M.U? Xét về chuyên môn, đây là cái thiếu lớn nhất của M.U hiện nay. Họ không có người dẫn dắt, hoặc Rooney không thể dẫn dắt.
Coi như "chấp" 1 người
Đội tuyển Anh gặp vấn đề ấy bởi họ không thể mua người. Nhưng CLB thì khác. Không những vậy, M.U luôn là CLB vào loại giàu mạnh nhất thế giới. Đây là rắc rối kỳ lạ. Jose Mourinho chiêu dụ được Paul Pogba với giá chuyển nhượng kỷ lục nhưng lại không biết sử dụng Pogba sao cho hợp lý một phần vì ông cứ phải ưu tiên dành một chỗ đứng nơi hàng tiền vệ cho Rooney. Không những vậy, Mourinho còn đang loay hoay hết đẩy cao rồi lại kéo lùi Rooney, từ đó mới tính đến các vị trí xung quanh.
Lúc còn vang danh thiên hạ, biệt tài của Mourinho là ông luôn biết cách hủy diệt điểm mạnh sở trường của đối phương, chủ yếu là ở vị trí quan trọng nhất nơi hàng tiền vệ. Cũng chẳng có gì bí mật. Hễ đối phương trông cậy vào một tiền vệ xuất sắc thì Mourinho dùng hai tiền vệ để đối phó. Đối phương có cặp tiền vệ, Mourinho dùng "3 đánh 2". Ông vốn giỏi về chiến thuật và luôn xếp được đội hình hợp lý để "quây" đối phương. Còn những câu chuyện như "xe bus hai tầng" chẳng qua chỉ là cách viết nặng về mỉa mai của báo chí hoặc là phát biểu ganh ghét của các HLV không thắng được Mourinho.
Giờ thì ngược lại: bỗng dưng M.U coi như "chấp" một vị trí nơi hàng tiền vệ khi Rooney có mặt. Đội bóng của Mourinho mà đã thua ở tiền vệ thì tất yếu là phải sụp đổ. Rất rõ ràng, báo chí (thật ra cũng đều dẫn lời của giới chuyên môn) nói đi nói lại rằng Pogba chỉ chơi xuất sắc trong hàng tiền vệ 3 người. Bây giờ, tiền vệ M.U chỉ còn 2 chỗ và chính Pogba trở nên kém hẳn trong sơ đồ 4-2-3-1. Anh thủ cũng kém, dẫn đến hệ quả là hàng hậu vệ bị phơi bày. Anh tấn công cũng không hiệu quả, dẫn đến sự mờ nhạt chung cho cả hàng công. M.U gần như không có lấy một đường chuyền xem được trong suốt trận gặp Watford.
Rooney làm lãng phí bao nhiêu tài năng?
Mùa trước, Pogba thường đá tiền vệ trung tâm và là cầu thủ có số đường chuyền thành bàn nhiều nhất ở Serie A. Cũng mùa trước, Henrikh Mkhitaryan thường đá cánh và là cầu thủ có số đường chuyền thành bàn nhiều nhất ở Bundesliga. Hai tài năng kiến tạo đến từ hai trường phái bóng đá khác hẳn nhau, chơi ở những vị trí khác nhau, đều đang lên chân và đều đầu quân về Old Trafford mùa này. Bây giờ, Pogba chưa có vai trò ổn định trong khi Mkhitaryan còn chưa biết chắc có được ra sân trước mỗi trận đấu hay không.
Pogba và Mkhitaryan đều có thể chơi tốt ở vị trí của Rooney
Đấy là lĩnh vực tấn công. Còn trong lĩnh vực phòng ngự, Mourinho hiện có Michael Carrick, Ander Herrera, Daley Blind, Morgan Schneiderlin đều là các tiền vệ trụ xuất sắc trong lối chơi và rất điêu luyện về kỹ thuật. Một mặt, đúng là không thể hiểu được vì sao Mourinho lại xếp Rooney trước các cầu thủ như thế khi ông chọn tiền vệ trụ. Còn khi Rooney chơi thiên về công thì Pogba, Mkhitaryan, hoặc cả hai đều bị ảnh hưởng. Đấy là còn chưa kể Juan Mata, một chuyên gia giữ và chuyền bóng.
Nếu xem việc không có người dẫn dắt lối chơi là cái thiếu lớn nhất của M.U hiện nay thì nguyên nhân của nhược điểm này chính là ở chỗ Mourinho chưa ổn định được hàng tiền vệ. Chưa có công thức, chưa có ý đồ, chưa có kế hoạch. Nói chung là ông vẫn chưa xây dựng được bất cứ điều căn bản nào từ "quỹ tiền vệ" quá dữ dội trong tay mình.
Vì sao phải quá phụ thuộc vào Wayne Rooney như vậy? Cho đến bây giờ, đấy thật sự là bức màn bí ẩn. Trong lần đầu dẫn dắt Chelsea, Mourinho bị các trụ cột như John Terry và Andriy Shevchenko "đậm sau lưng". Đấy cũng là vì Chelsea kỷ nguyên Roman Abramovich còn quá sơ khai, nhân vật nào cũng muốn mình là cánh tay phải của ông chủ đội bóng. Đến khi trở lại dẫn dắt Chelsea lần nữa thì, ít nhất là theo các tin đồn trên mặt báo, hàng loạt ngôi sao Chelsea chủ trương đá cho... Mourinho mất ghế. Có vẻ như điểm yếu lớn nhất của Mourinho là ông không "trị" được các ngôi sao. Do vậy mà ông quá sợ... Rooney?
Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần