loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Kevin De Bruyne ngang bướng, lạnh lùng đến phát bực. Nhưng chính tính cách đó đã tạo nên một tiền vệ đẳng cấp cao, một thiên tài chuyền bóng thực thụ.
“Cậu ấy ôm khư khư cọc gôn, nhất quyết không rời đi. Kevin giận dữ. Ba người chúng tôi đã cố gắng kéo cậu ấy ra nhưng không được”. Frank De Leyn, HLV đội trẻ của Kevin De Bruyne ở Gent, nhớ lại câu chuyện cậu học trò bị quở trách vì không chịu dọn đồ sau buổi tập, không chịu rời tay khỏi cọc gôn.
“Đó là một buổi tập ở Tây Ban Nha”, De Leyn tiếp tục. “Cậu ấy rất cứng đầu nhưng tôi nghĩ tính cách đó giúp Kevin trở thành cầu thủ như bây giờ”.
Sự thăng tiến của De Bruyne thật đáng kinh ngạc, đạt tới đẳng cấp khác hẳn, cao hơn hẳn ở mùa này. Anh xứng đáng là người xuất sắc nhất của Man City, và cả Premier League. Tính cách ngang bướng là điều đã tạo nên khác biệt?
Hầu hết thời gian, anh là người trầm lắng nhất nếu không muốn nói là “siêu lạnh lùng”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có những khoảnh khắc trái ngược. Như trong trận gặp Napoli tại Champions League hồi tháng 10, anh đã phản ứng dữ dội quá khích khi trọng tài nổi còi kết thúc hiệp 1. “Để tôi nói, để tôi nói, để tôi nói”, De Bruyne hét vào mặt David Silva để cố gắng thay người đồng đội nhắc nhở trọng tài và đã bị nhận thẻ. Anh thừa nhận: “Một khi trọng tài thổi còi mãn cuộc, bạn sẽ thấy một Kevin khác”.
Anh bị bạn bè gọi là “máy sấy quần áo” vì những câu trả lời lạnh lùng trên WhatsApp. Trên sân cũng vậy, rất khiêm tốn, điềm đạm nhưng khi không đồng ý với việc gì, anh sẽ cho mọi người thấy thế nào gọi là ngang bướng.
Anh nổi tiếng vì sự thẳng tính. Hồi ở Gent, De Bruyne từng khiển trách ngôi sao của đội, Elyaniv Barda, vì cầu thủ này không tập luyện chăm chỉ. Lúc đó De Bruyne 19 tuổi. Nhớ lại câu chuyện đó hồi năm 2012, anh bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy khó chịu với những điều như thế. Ai mà không có nhiệt huyết nữa thì tốt nhất nên ra đi”. Chuyển sang Wolfsburg, anh từng gây chú ý với hành động lăng mạ cậu bé nhặt bóng khi giục cậu ta đưa bóng cho mình thật nhanh. Hầu hết những hành động đó diễn ra không hề có chút ác tâm. Đó là tính cách của người chiến thắng.
Hồi bé, giống như hầu hết những đứa trẻ, anh chơi bóng bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu có thể. Anh dùng vườn của nhà bạn bè để cải thiện kỹ năng dùng chân không thuận. De Bruyne cùng bạn từng phá bỏ cả cây cối hoa lá trong vườn để lấy chỗ đá bóng nhựa. Sau đó, họ có một trái bóng đúng nghĩa và tiếp tục cải thiện chân không thuận. Dần dần, khiếm khuyết trở thành một tài sản: Anh luyện tập chân trái nhiều đến mức nhuần nhuyễn như chân phải lợi hại của mình.
Suốt giai đoạn đầu sự nghiệp, De Bruyne đã phải chiến đấu rất nhiều vì tính cách khó ưa đó. 8 tuổi, anh từng nói với HLV đội VV Drongen rằng anh sẽ gia nhập Gent vì “trang thiết bị của họ tốt hơn nhiều” và đến năm 14 tuổi, anh chuyển tới Gent, CLB có phong cách chơi bóng mà De Bruyne thích. Năm thứ hai ở Gent, CLB từng phải thông báo rằng họ không còn muốn giữ De Bruyne. Tiền vệ này cảm thấy tổn thương: “Nhiều người bảo rằng với tính cách ương bướng đó thì tôi chẳng làm nên trò trống gì. Tôi chỉ tự nhủ: Cứ chờ xem!”.
Anh bắt đầu nổi lên ở đội U21, ra mắt đội I ở tuổi 17. Hein Vanhaezebrouck, cựu HLV Gent, từng gọi anh là “Cruyff thời hiện đại” và rồi De Bruyne vô địch giải VĐQG Bỉ trước khi gia nhập Chelsea như một sự thay thế cho Frank Lampard vào năm 2012.
18 tháng trôi qua và lần đầu tiên sau vài năm, câu hỏi về thái độ của anh lại được đặt ra. De Bruyne thi đấu tốt ở Werder Bremen theo dạng cho mượn và Juergen Klopp rất muốn có anh, liên tục thuyết phục cầu thủ người Bỉ qua điện thoại và tin nhắn. Thoả thuận cá nhân đạt được và De Bruyne yêu cầu Chelsea cho ra đi nhưng Jose Mourinho thì nói rằng anh là một cầu thủ tốt và không được đi đâu cả.
Tuy nhiên, De Bruyne không nhận được nhiều cơ hội thể hiện, tâm trạng anh đi xuống vì bị Mourinho công khai chỉ trích. Đến tháng 11 năm 2013, anh quyết ra đi và gây áp lực chuyển nhượng. Giữa tháng 12, anh cùng người đại diện đã có cuộc gặp mặt quyết định với Mourinho và BLĐ Chelsea.
“Ông ấy cho chúng tôi xem những số liệu về tuyến giữa: kiến tạo, bàn thắng, tỉ lệ chuyền bóng, đi bóng. Ông ấy muốn chứng minh rằng tôi không thể hiện được như những cầu thủ khác. Tôi trả lời ông ấy rằng: Xin lỗi, điều đó không công bằng. Tôi chỉ được chơi vài trận. Sao có thể so sánh như vậy được? Mourinho nói với tôi về sự cạnh tranh, tập luyện chăm chỉ và bạn sẽ có cơ hội”.
“Ông ấy nói không muốn để tôi đi, kể cả cho mượn vì tôi là một cầu thủ tốt. Tôi nói rằng tôi có cảm giác mình không bao giờ nhận được một cơ hội công bằng. Khi đó, CLB mới xem xét yêu cầu chuyển nhượng”.
Rồi Wolfsburg chi ra 25 triệu euro để mua anh và đó là món tiền mà họ không bao giờ hối tiếc. De Bruyne được trao cơ hội thể hiện và chúng ta đều biết điều gì xảy ra tiếp theo.
Antonio Conte, HLV hiện tại của Chelsea, công khai bày tỏ sự thất vọng rằng CLB đã để De Bruyne ra đi sau khi anh ghi bàn quyết định vào lưới đội bóng cũ giúp Man City chiến thắng trong trận đấu hồi tháng 9 vừa qua.
Rõ ràng, Pep Guardiola đã khai thác De Bruyne tốt hơn Mourinho mặc dù cũng phải công nhận rằng tiền vệ người Bỉ đã già dặn hơn và có nhiều động lực để vươn tới thành công hơn. “Về mặt chiến thuật, Guardiola là HLV xuất sắc nhất tôi từng làm việc cùng”, De Bruyne thừa nhận. “Quan điểm của chúng tôi khá tương đồng. Tôi thích phong cách và nắm bắt nhanh các ý tưởng của ông ấy. Đó là lý do tôi đang cảm thấy sung mãn”.
HLV người Tây Ban Nha luôn muốn các cầu thủ phải luân chuyển bóng thật nhanh và liên tục gây áp lực lên đối phương cũng như cần cầu thủ tư duy trước cho tình huống bóng tiếp. De Bruyne là một cầu thủ có tư duy nhanh và phẩm chất kỹ thuật tuyệt đỉnh để thoả sức xử lý trái bóng theo cách anh muốn.
Bạn gần như không thể bắt bài được những đường chuyền của De Bruyne. Vì anh luôn là người tư duy nhanh nhất, bóng chưa đến đã biết chuyền cho ai. Và vì trên thế giới hiếm ai đá một chạm hay như De Bruyne, có chăng chỉ Sergio Busquets sánh được.
Dele Alli được kì vọng rất nhiều trong trận đấu giữa Man City và Tottenham. Nhưng cuối cùng, tiền vệ người Anh đã không thể giúp đội quân của Mauricio Pochettino chặn đứng con tàu chiến thắng của Pep Guardiola.
Không phải ngẫu nhiên mà City chơi thứ bóng đá tuyệt vời trong năm đầu tiên của Guardiola với De Bruyne và Silva. Tuy nhiên, việc thiếu hụt hậu vệ cánh buộc Guardiola phải sử dụng De Bruyne ở nhiều vị trí. Lúc thì chơi bên cánh, lúc thì tiền đạo ảo và đôi khi cả wing-back. Dẫu vậy, De Bruyne không một chút phàn nàn: “Chơi ở nhiều vị trí khác nhau giúp tôi thấu hiểu đồng đội, biết được họ nghĩ gì và cách họ di chuyển”. Mùa đó, anh kiến tạo xuất sắc nhất Premier League với 18 đường chuyền thành bàn.
Mùa này, đẳng cấp của anh còn tăng lên một bậc. Anh thấm nhuần tư tưởng của Guardiola hơn, tuân thủ chiến thuật hơn và lợi hại hơn rất nhiều. Anh biết trước cách đồng đội di chuyển, đôi khi còn không cần nhìn và cảm nhận được họ đứng ở đâu, sẽ di chuyển vào đâu. Anh chính là hạt nhân để kết nối toàn bộ hệ thống lối chơi của Pep Guardiola. Sự vượt trội của Man City ở mùa này, khi họ đã được xem nhà vô địch dù Giáng sinh chưa đến, với những kỷ lục, những chiến thắng kiểu “tàn sát”, đã cho thấy đẳng cấp và tầm cỡ của De Bruyne.
Thiên tài chuyền bóng
De Bruyne được tán dương hết cỡ vì bàn thắng quyết định vào lưới Chelsea nhưng những pha kiến tạo trong trận gặp Stoke City hồi tháng 10 mới đáng để chiêm ngưỡng, để bàn luận, thậm chí là phân tích về tầm nhìn siêu phàm của tiền vệ tài năng người Bỉ.
Nhiều người sẽ ngả mũ thán phục khi chứng kiến đường kiến tạo của De Bruyne cho Leroy Sane nâng tỉ số lên 6-2. Nhưng với cây viết Jonathan Liew của Independent thì đường chọc khe cho Sane, dẫn đến bàn 2-0 của Raheem Sterling mới là khoảnh khắc đặc biệt.
“Tôi đã mất vài tiếng để xem đi xem lại đường chuyền của De Bruyne cho Sane. Tôi cố gắng tìm hiểu bằng cách nào mà anh ấy lại thực hiện được nó. Đó không phải một đường kiến tạo, đó là kiến tạo của kiến tạo. Sterling ghi bàn nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ tình huống”, Liew viết.
Đó là tình huống Man City đang dẫn trước và tổ chức phản công. Sane nhận bóng ở sát đường biên ngang, anh nghĩ tới pha căng ngang nhưng lại quyết định ngược lại, xoay người rồi chuyền về tuyến hai cho De Bruyne đang đứng ngoài vòng cấm.
Tiền vệ người Bỉ nhận bóng, cơ thể anh hướng về phía trước. Tư thế đó khiến De Bruyne không thể nhìn thấy Sane ở những pha bóng tiếp theo nữa. Đây mới là chi tiết đáng nói.
+ Clip pha ghi bàn của Sterling vào lưới Stoke:
+Chùm ảnh về tình huống De Bruyne chuyền bóng cho Sane
Sau đó, De Bruyne quay 90 độ sang bên phải, tự mở ra cho mình một pha dứt điểm, tạt bóng hoặc chuyền ngang sân. Trong khi đó, Sane giật người lại để xộc thẳng về phía đường biên ngang một lần nữa. De Bruyne thì không thể nhìn thấy điều đó bởi vì sự lệch hướng giữa 2 người.
Nhưng bằng cách nào đó, ở thời khắc cuối cùng, anh lại chọc khe cho Sane, rất nhẹ nhàng mềm mại, loại bỏ 5 hậu vệ Stoke chắn phía trước lẫn hai đồng đội Jesus, Silva. Nhiệm vụ còn lại của Sane và Sterling là vô cùng đơn giản.
Nếu bạn xem đường chuyền từ góc quay khác, từ phía sau cọc gôn thì còn rõ ràng hơn. De Bruyne đã quay lưng với Sane trước khi Sane bắt đầu di chuyển và không hề ngẩng đầu cho đến lúc đường chuyền diễn ra. Chắc chắn anh không nhìn thấy Sane chạy chỗ. Vậy De Bruyne tạo ra nó bằng cách nào? Liew đưa ra 3 khả năng.
Khả năng đầu tiên là De Bruyne không có ý chuyền cho Sane mà anh định chuyền cho Jesus hoặc Silva. Anh tính chuyền cho 1 trong 2 người và tìm kiếm may mắn.
Giả thuyết thứ hai là sự thấu cảm và hiểu nhau tuyệt vời giữa De Bruyne cùng Sane. Có thể cả hai đã tập luyện những tình huống phối hợp kiểu đó hàng trăm lần trên sân tập và dần dần họ hiểu nhau đến mức chẳng cần nhìn và chẳng cần nói gì.
Nếu giả thuyết này là đúng thì cả hai xứng đáng được ngợi khen. “Khi chúng tôi bắt đầu chơi cạnh nhau, nó giống như việc gặp một người phụ nữ đặc biệt và phải lòng luôn”, Andy Cole từng nói về Dwight Yorke, người đồng đội M.U đã cùng anh tạo nên cặp tiền đạo ăn ý nhất trong lịch sử Premer League. Không thể loại trừ điều tương tự với De Bruyne và Sane.
Khi đó, Guardiola đương nhiên xứng đáng được nhắc đến vì ông tạo ra những bài tập chuẩn mực, môi trường đúng đắn cho mối liên kết đó được toả sáng trong bối cảnh bóng đá bây giờ rất ít khoảng trống để phô diễn.
Khả năng thứ 3 là do De Bruyne nhiều hơn là do Guardiola và Sane. Phải chăng De Bruyne đã chạm đến tiêu chuẩn khác, phải chăng anh là một tiền vệ khác thường, một thiên tài thực thụ? Liệu De Bruyne có thể phán đoán hay có cảm giác Sane sẽ di chuyển trước khi chuyền bóng, thậm chí là trước khi bản thân Sane quyết định làm thế? Gọi là giác quan thứ 6 cũng không sai.
Thiên tài trong bóng đá thường xuất hiện với đôi mắt tinh tế, cảm giác bóng và chiến thuật đến mức phi thường. Nếu xem kỹ các đoạn phim tư liệu trên YouTube về những đường kiến tạo của Lionel Messi hoặc phần nào đó là Andres Iniesta cũng như Luka Modric ở thời kỳ đỉnh cao, đôi khi bạn sẽ thấy những đường chuyền mà chỉ có họ mới nhìn thấy và tạo ra. Nhìn cái cách mà De Bruyne đưa trái bóng qua một rừng chân cho Sane thì không thể không mê mẩn và xem đi xem lại nhiều lần được.
Đó chính là kết quả của sự thông minh bẩm sinh, nhận thức cả về không gian, thời gian lẫn xác xuất trong bóng đá mà De Bruyne đang sở hữu.
Liệu rằng anh đã vươn tới tầm đỉnh cao? Có thể chưa. Nhưng chắc chắn tính cách ngang bướng, sẵn sàng đương đầu với thách thức đã tạo nên một De Bruyne như bây giờ.
Anh là cầu thủ mà không bao giờ ký hợp đồng vì mục đích kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Anh là người luôn suy nghĩ 2 lần trước khi mua thứ gì đó đắt đỏ. Có lần anh đã rời khỏi quán bar vì biết chai Coca-Cola có giá 26 bảng. Bên ngoài bóng đá, không thứ gì anh yêu bằng việc dành thời gian cho vợ Michele, con trai Mason Milian và một vài người bạn thân thiết. Mùa trước, anh ăn mừng màn trình diễn đỉnh cao trước Man United bằng ít đồ take-away và bơi lội cùng con trai.
Guardiola cố gắng thúc đẩy anh tới những tinh hoa mới, liên tục so sánh anh với những cầu thủ xuất sắc nhất. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm giữ những gì của riêng mình: một viên ngọc không cần phải dát vàng.
Hữu Nam
Theo Guardian và Independent
loading...