(Thethaovanhoa.vn) - Có một chân lý không thể phủ nhận được. Đó là dù tài năng đến mấy, Pep Guardiola vẫn cần phải có một nhân tố như Lionel Messi trong đội hình.
1. Nếu so sánh các đội hình đẹp nhất khoảng 10 năm trở lại đây, chắc chắn không có CLB nào có được một đội hình lý tưởng như Barcelona thời Pep Guardiola. Cái trục Puyol – Xavi đủ tạo nên nền tảng tin cậy cho cả đội và được cộng hưởng thêm bởi những Iniesta, Alves, Pedro…, Barca đáng sợ vô cùng. Nhưng người đã tạo nên Barca đáng sợ nhất chính là Messi, một cầu thủ ở tinh cầu khác.
Với đội hình ấy, chính Pep đã có lúc thừa nhận “không cần tôi Barca vẫn chiến thắng”. Tất nhiên, Barca ấy không có Pep thì sẽ không còn là Barca nữa nhưng Pep không có Barca như vậy thì Pep cũng chẳng thành danh như hôm nay. Đó là sự cộng hưởng hoàn hảo tuyệt đối mà bất kỳ CLB nào cũng mơ ước có được trong lịch sử của mình.
Nhưng cũng với đội hình ấy, Pep chỉ vô địch Champions League được 2 lần. Ai cũng biết, vô địch Champions League khó khăn đến mức nào. Nhưng hai lần trong 4 mùa giải ở đỉnh cao phong độ của đội hình vàng dường như vẫn là quá ít, nhất là khi giai đoạn ấy Barca được coi là bất khả chiến bại và bất kỳ đội bóng nào cũng cảm thấy sợ hãi khi đối diện họ.
2. Thời kỳ 3 năm ở Bayern Munich của Pep vẫn được coi là thời kỳ tranh cãi. Pep có thành công ở đó hay không, ấy vẫn là câu hỏi lớn.
3 chức vô địch Bundesliga chắc chắn không thể nào khiến Pep bị đánh giá là thất bại ở Bayern cả. Nên nhớ, dù Bayern mạnh nhất Đức đi nữa thì họ cũng không hẳn không thể đề phòng những đối thủ kiểu như Dortmund. Vẫn cần phải tập trung, dốc toàn lực mới có thể chinh phục đĩa bạc Bundesliga được. Và bởi thế, nói Pep thất bại tại Bayern là đánh giá quá khắt khe.
Nhưng không có một chức vô địch Champions League nào thì lại là điều khác. Pep Guardiola cơ mà. Một HLV được coi là Midas chạm tay vào đâu ở đó có vàng cơ mà. Pep không vô địch Champions League với Bayern, đó có thể coi là thất bại thực sự, nếu so với kỳ vọng mà ban lãnh đạo đội bóng dành cho ông.
Nhưng tự trung lại, ở Bayern, Pep không thành công, song cũng không thất bại, nếu đánh giá cân bằng cả các đấu trường. Ông chỉ hoàn thành nhiệm vụ, tròn vai, nhiệm vụ mà HLV tên tuổi nào khác cũng đều hoàn thành được.
Thứ triết lý về các khu vực chiến thuật trên sân bóng của Pep Guardiola, đòi hỏi thời gian mới thích nghi được. Trong khi Barcelona và Bayern Munich đã có sẵn những nền tảng, Man City nói chung bắt đầu từ con số không.
3. Câu chuyện Pep ở Barca và ở Bayern cho thấy rất rõ. Pep rất cần một nhân tố siêu việt như Messi để giúp mình chinh phục đỉnh cao. Ở Bayern, ông có những cầu thủ thuộc diện xuất sắc nhất nhưng không có một ai tầm cỡ như Messi cả. Và hôm nay, ở Man City, Pep cũng đang không có một nhân tố tầm cỡ như thế.
Trong cuốn sách của mình, cựu danh thủ Ruud Gullit có viết rằng “Maradona, Platini, Zidane, Messi, CR7, họ là những cầu thủ luôn suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường. HLV không nên bàn chiến thuật với họ, mà hãy nâng niu để họ tự do chơi theo cách mình muốn. Và HLV hãy lắng nghe họ, bạn sẽ được nhận về rất nhiều triết lý, ý tưởng tuyệt vời”. Điều Gullit nói rất chính xác. Có những cầu thủ sinh ra để dành cho việc tạo nên một kỳ tích bóng đá khác người. Họ vượt trội toàn bộ phần còn lại cùng thế hệ mình rất nhiều. Pep may mắn có được Messi ở Barca, nhưng ông quên mất rằng hóa ra việc mình đang tìm kiếm đỉnh cao ở các CLB cũng chính là đang kiếm tìm một Messi thứ hai.
Pep nếu lật ngược thế cờ và vô địch Premier League mùa này, có thể coi là ông đã thành công ở mùa giải đầu tiên tại Premier League. Nhược bằng không, mùa đầu tiên của ông là thất bại toàn diện. Nhưng liệu chừng ông có nhận ra rằng, thất bại ấy là do ông chưa thể có một Messi khác, một người đủ sức giúp ông chinh phục thêm một lần nữa.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa