(Thethaovanhoa.vn) - Đội bóng áo xanh thành London khi giành được Conte, con người của những cuộc đối đầu, tức là họ quyết tô thêm màu xanh cho đậm: Màu xanh chiến đấu.
Ngày trước, người ta chỉ coi "Little Italy" ở London như là một trong những khu người Ý khác ở các đô thị hàng đầu thế giới. Bây giờ không còn thế nữa. Thủ đô nước Anh đã vượt qua Buenos Aires để trở thành thành phố có nhiều người Ý sinh sống và làm việc nhất, nửa triệu người. Hiện London là đô thị có đông người Ý đứng thứ 5 trên thế giới, sau Rome, Milan, Naples và Turin.
Chất Ý
Từ tháng 7 này, sẽ có thêm một người Ý góp mặt trong số đó, Antonio Conte, người sẽ tới Chelsea sau khi EURO 2016 kết thúc. Thắng hay thua trên đất Pháp chẳng quan trọng, quan trọng là hợp đồng đã được kí kết và hàng tấn tiền chuẩn bị được rải ra để vị HLV 46 tuổi đầy tham vọng này chiêu mộ những ngôi sao mới cho những cuộc chinh phục phía trước. Anh sẽ là người mới nhất trong danh sách của những người Ý đã từng có mặt ở Stamford Bridge, từ Vialli, Ranieri, Ancelotti cho đến Di Matteo, biến nơi này thành một mảnh đất in đậm dấu ấn Italy không chỉ ở pizza, thời trang, lối sống phù hoa và phóng khoáng, mà còn cả những ấn tượng lớn lao về bóng đá.
Di Matteo, một HLV người Ý, đã giúp hoàn thành giấc mơ vô địch Champions League
Conte là một người Ý, đương nhiên rồi, nhưng điều gì đã khiến Chelsea phải có được chữ kí của Conte vào thời điểm mà mùa bóng còn chưa kết thúc, trái bóng EURO còn chưa lăn và trên đầu vị HLV luôn có cái giọng khàn khàn và gay gắt trước micro để chỉ trích cánh báo chí này lơ lửng một án tù vì liên quan đến dàn xếp tỉ số (án sẽ được tuyên trước EURO, theo như đề nghị của Conte)? Vì những danh hiệu mà anh đã có với Juve trong những năm mà đội bóng sọc trắng-đen chinh phục Serie A với những Scudetto liên tiếp, trong khi luôn thua liểng xiểng ở Champions League? Chắc chắn là không rồi. Và họ cũng không chọn Conte vì những gì anh đã làm với đội tuyển Italy trong suốt hai năm qua. Đấy là một đội tuyển Ý không rõ ràng về đường nét, và cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tài năng và ngôi sao của calcio cũng như sự bất hợp tác của các đội bóng lớn đã khiến Conte không thể xây dựng được một đội bóng như ý muốn.
Con người của những cuộc đối đầu
Nhưng Chelsea chọn Conte, ngoài tài năng mà anh đã thể hiện được ngoài đường piste, còn vì cá tính mạnh mẽ của cựu đội trưởng Juve. Có lẽ họ đã nhìn thấy bản lĩnh của một vị tướng tài ba trong cách đương đầu với báo chí và áp lực dư luận trong những năm qua, thấy trong việc anh đã sử dụng sức ép ấy để tác động lên đội bóng, biến đó thành những lực đẩy tinh thần vô song đưa đội bóng đến chiến thắng. Nhưng đấy là một vị tướng công nhân, người muốn biến những đội bóng của mình thành một tập thể cần cù trong thi đấu và cứng rắn về tinh thần. Thậm chí, khi mà Conte lên giọng một mình chống lại báo chí Ý, vốn nổi tiếng hay móc máy, và mới đây thôi còn tuyên bố LĐBĐ Italy (FIGC) không tôn trọng anh trong chuyện có gia hạn hợp đồng hay không, một cách để ngầm ám chỉ là anh sẽ ra đi như báo chí lúc đó đang đồn ầm lên, người ta lại nhìn thấy trên khuôn mặt và giọng nói lạnh lùng ấy cái chất của Mourinho để đương đầu với tất cả.
Conte cũng là một "máy sấy tóc"
Thực tế cho thấy, bộ sưu tập những người chỉ trích mình của Conte đã càng ngày càng tăng lên theo thời gian. Nhưng anh vẫn ngạo nghễ, bất chấp tất cả, vì ngay từ khi dẫn dắt Thiên Thanh đã bị chỉ trích vì những lí do không dính dáng đến sân cỏ: mức lương của Conte quá cao, từ một hợp đồng kếch xù của FIGC với các nhà tài trợ, khiến nhiều người cho rằng, anh không xứng đáng nhận nhiều như thế. Và khi áp lực cứ lớn lên dần, cùng với phiên tòa dàn xếp tỉ số mà Conte có dính líu (trận AlbinoLeffe-Siena năm 2011 mà Conte, với tư cách HLV của Siena, đã biết cầu thủ của mình dàn xếp nhưng không ngăn cản), càng nhiều người ở Ý tin rằng, Conte đã tận dụng thời điểm trước EURO này để giải quyết tương lai của mình theo một cách khôn ngoan: chạy trốn khỏi nước Ý đang trở nên thù địch hơn với anh, để kiếm tìm những cuộc đối đầu mới trên đất Anh. Cuộc đối đầu từ mùa giải mới ấy ở Premier League chắc chắn không hề đơn giản, trên sân cỏ, nơi mà những HLV hay nhất thế giới đã tụ về, trong cả phòng họp báo, nơi mà các tay phóng viên Anh soi từng trọng âm tiếng Anh của HLV nước ngoài.
Chất Ý ở Stamford Bridge luôn đem đến những điều lớn lao hàm chứa thay đổi trong tư duy và tinh thần. Đội quân lê dương bị Serie A thải ra trong những năm đầu 1990, trong đó có những người Ý như Zola-bị Parma ruồng bỏ, đã biến đổi một Chelsea cục mịch thuần kick-and-rush thành một đội bóng chơi có đầu óc hơn, thông minh hơn và từ đó bắt đầu ra Châu Âu. Những HLV người Ý trước đó đều đem đến cho Chelsea điều gì đó. Vialli, lúc đầu với tư cách cầu thủ và sau là HLV, đã đem đến một sự thay đổi lớn lao về chiến thuật và từ đó nâng tầm Chelsea lên một đỉnh cao mới. Ranieri, người không tệ nhưng lại quá thận trọng, chính là người đã tạo nền móng chiến thắng cho Mourinho sau này. Ancelotti và Di Matteo không đem đến những cuộc cách mạng, nhưng họ đều chiến thắng. Còn Conte sẽ đem đến cho Chelsea điều gì? Một đội quân lê dương mới gồm toàn những cầu thủ hay nhất Serie A sẽ đến đây và một tinh thần chiến thắng sẽ trở lại?
Nhiều cái tên dự đoán sẽ được Conte kéo về Stamford Bridge
Người ta nói rằng, ở London, dấu ấn của người Ý rất lớn. Tòa nhà chọc trời cao nhất Châu Âu, Shard, được kiến trúc sư nổi tiếng người Ý Renzo Piano thiết kế. Big Ben mới bằng kính cũng đã qua tay một kiến trúc sư Italy. Chờ một Chelsea mới bừng lên dưới tay của một kiến trúc sư sắp từ Ý sang....
Nước Anh, miền đất hứa của các HLV Italy Roberto Mancini: HLV người Italy gần nhất chiến thắng trên đất Anh, với chiếc Cúp FA năm 2011 và chức vô địch Premier League năm 2012. Mancini cũng đã từng chơi 4 trận đấu cho đội Leicester City vào năm 2001. Carlo Ancelotti: Dẫn dắt Chelsea từ 2009 đến 2011, ông đã giành chức vô địch Premier League ngay trong mùa giải đầu tiên. Cũng trong mùa giải đó, ông cùng Chelsea đoạt được League Cup. Fabio Capello: HLV người xứ Friuli này đã dẫn dắt đội tuyển Anh từ năm 2007 đến 2012. Dưới sự dẫn dắt của ông, cuộc phiêu lưu kém may mắn của Tam Sư tại World Cup 2010 đã bị Đức chặn lại ở vòng 1/8. Claudio Ranieri: Ở tuổi 65, hiện Ranieri đang là một trong số những HLV người Ý cao tuổi nhất làm việc ở nước ngoài. Ranieri giành được nhiều chú ý của dư luận trong thời gian làm HLV Chelsea từ 2000 đến 2004 (từng đưa Chelsea đến bán kết Champions League và vị trí á quân mùa 2003/04). Hiện Ranieri đang đưa Leicester đến rất gần chức vô địch Premier League. Roberto di Matteo: Sinh ở Thụy Sĩ trong một gia đình Italy, Di Matteo gắn bó với Chelsea trong thời kì đỉnh cao sự nghiệp của mình, đoạt League Cup năm 1998 và 2 lần vô địch Cúp FA (1997, 2000). Với vai trò HLV Chelsea, Di Matteo đưa đội bóng này tới chức vô địch Champions League mùa 2011/12. Gianluca Vialli: Đến Chelsea mùa 1996/97, Vialli giữ vai trò HLV kiêm cầu thủ thay Gullit năm 1998 và liên tục thành công, với Cúp FA, League Cup, Charity Shields, Cúp C2 và Siêu Cúp Châu Âu. Gianfranco Zola: Người có biệt danh "Magic Box" này chơi cho Chelsea từ 1996 đến 2003. Từ 2008 đến 2010, anh dẫn dắt West Ham, một đội bóng thủ đô nước Anh. Francesco Guidolin: Cựu HLV Udinese đã nhậm chức HLV của đội bóng xứ Wales Swansea vào tháng 1 vừa qua. Paolo di Canio: Được yêu nhiều chẳng kém bị ghét, Di Canio đã khoác áo nhiều đội bóng Anh, từ Sheffield Wednesday, West Ham cho tới Charlton. Anh cũng từng dẫn dắt Sunderland năm 2013. |
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)