A+ A A- Kiểu đọc sách

Giờ mới là giai đoạn hấp dẫn nhất của Premier League

08:42 04/09/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Chelsea được Abramovich mua lại, và biến nó thành một thế lực dưới bàn tay nhào nặn của Mourinho, nhiều người đã nhìn thấy một tương lai hấp dẫn cho Premier League.

1. Họ nhận định rằng giải đấu sẽ không còn là cuộc đua tay đôi độc quyền của Man United và Arsenal nữa mà đã mở rộng ra thêm với ứng viên mới đến từ London. Để rồi so sánh với sự thống trị của Lyon ở Ligue 1, của Bayern ở Bundesliga và cuộc đua luôn là tay đôi giữa Barca và Real ở Primera Liga, ai cũng nghĩ rằng Premier League xứng đáng là giải đấu hấp dẫn nhất và sự góp mặt của Chelsea đã mở ra thời đại mới cho bóng đá Anh.

Nhưng, sau hơn chục năm, bây giờ mới đúng là lúc bóng đá Anh bước vào một thời đại mới thực sự. Không phải vì lượng ứng viên cho chức vô địch đã tăng lên đến con số 6 (Man United, Man City, Chelsea, Arsenal, Liverpool, Tottenham) trong khi vé Champions League chỉ có 4 mà vì lý do khác. Đó là sự cải thiện sức mạnh rõ rệt của các đội bóng nhỏ, nhờ vào ngân sách chi tiêu rộng rãi hơn rất nhiều. Phải thừa nhận, trị giá BQTH hơn 5 tỷ bảng đã mang lại cho Premier League rất nhiều lợi thế. Thêm vào đó, sự tham gia của các nhà đầu tư lớn cũng đã khiến chất lượng giải đấu thay đổi rất nhiều. Có thể nói, bây giờ mới là giai đoạn Premier League hấp dẫn nhất trong lịch sử của nó.

2. Chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên khi đọc được thông tin rằng Leicester City bỏ hẳn 50 triệu bảng Anh để quyết tâm có được chữ ký của cặp Slimani và Silva của Sporting Lisbon nhưng nếu nhìn vào toàn cảnh mua sắm của Premier League, ta sẽ nhận ra cái mức giá ấy cũng chỉ là chuyện bình thường.

Song song với động thái của Leicester City, Southampton cũng mua Boufal từ Lille với mức giá phá kỷ lục mua sắm CLB: 16 triệu bảng Anh. Tất nhiên, cũng có những đội mua sắm ít, như Hull (gần như không mua ai); Burnley (chỉ chi khoảng 10 triệu bảng); Sunderland (chi khoảng 14 triệu bảng)… nhưng nếu nhìn vào ngân sách mua sắm lên tới 57 triệu bảng của một CLB nhỏ như Watford, ta nhận ra sự dịch chuyển rất mạnh mẽ của các đội bóng nhỏ. Chức vô địch của Leicester City đã là động lực rất lớn cho làn sóng “lật đổ” khi các đội bóng nhỏ và trung bình nhận ra rằng, trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn của 6-7 ông lớn, chỉ cần một đội bóng nhỏ lặng lẽ chuẩn bị thật tốt, họ hoàn toàn có khả năng kiếm được điểm số thuận lợi đủ để giành vé tham dự cúp châu Âu.

3. Sức mạnh được cải thiện của Premier League khiến chúng ta nhớ đến Serie A, ở thời kỳ giải đấu ấy 'hiệu lệnh thiên hạ'. Serie A từng có thời thịnh trị đến mức một CLB Ý chỉ cần “e hèm” một tiếng, lập tức có những ngôi sao ngoại sẽ lắng nghe rất kỹ với mong đợi đó sẽ là bến đỗ tương lai của mình. Chúng ta quen gọi Serie A thời đoạn đó là Serie A của 7 chị em, tức 7 CLB rất lớn với sức tranh đua gần như xấp xỉ nhau. Vậy thì liệu chăng có cái gọi là “bạo phát – bạo tàn” với Premier League như Serie A đã từng? Có lẽ là không. Cơ bản, người Anh quản lý tài chính tốt hơn người Ý rất nhiều. Cơ chế của họ cũng rõ ràng, minh bạch hơn và họ chắc chắn rút được bài học kinh nghiệm cay đắng mà Serie A đã trải qua.

Tất nhiên, trong cơn mua sắm tưng bừng kia, CLB nào tỉnh táo, CLB ấy sẽ thu được hiệu quả cao nhất. Đơn giản, bóng đá không đơn thuần là mua nhiều thì thắng to mà Leicester City đã là minh chứng. Họ mua Mahrez rất rẻ, nhưng hiệu quả thì lại quá lớn. Năm nay, biết đâu chừng bộ đôi 50 triệu bảng của họ lại là hàng hớ, với chất lượng không xứng tầm giá trị? Nhưng dù gì đi nữa, với việc bạo chi tới 50 triệu, Leicester cũng khiến các đội bóng mạnh phải dè chừng, nhất là khi họ bảo toàn được lực lượng của mùa giải trước, một lực lượng đã từng chơi vô cùng đáng gờm.

HT
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...