loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sự hấp dẫn, căng thẳng và thù địch là những từ ngữ có thể miêu tả về trận derby nước Anh, Man United - Liverpool. Hãy cùng trải nghiệm những cảm xúc đó qua góc nhìn của cựu đội trưởng Man United, Gary Neville.
Suốt 89 phút, đám CĐV của Liverpool đã hát những bài hát tục tĩu về mẹ của tôi và chính tôi. Trận đấu vẫn là 0-0. Chúng tôi có được một pha sút phạt bên ngoài vòng cấm của Liverpool. Ryan Giggs đã đứng trước bóng. Sự ầm ĩ náo nhiệt từ những khán giả tại Old Trafford đã khiến tôi không thể nghe thấy bản thân đang nghĩ gì nữa.
Trong khoảnh khắc đó, tâm trí, cơ thể, sự tập trung của bạn đã tồn tại ở đẳng cấp rất khác biệt. Nó hoàn toàn khác với trận đấu với Arsenal. Khác khi gặp Chelsea. Cũng rất khác so với derby Manchester. Có lẽ cảm giác đó chắc chỉ mỗi tôi mới cảm thấy chăng? Nó gần như là một trải nghiệm vượt qua cả thể chất. Sự căng thẳng thực sự vô cùng khủng khiếp.
Trận đấu đó sẽ khiến bạn hồi hộp suốt hai tuần trước đó, hiện hữu trong đầu liên tục trước khi trận đấu bắt đầu một tuần trước đó và khi trận đấu chỉ còn 3 ngày nữa sẽ diễn ra, cảm giác như thể có ai đó đang đấm vào sống mũi bạn vậy.
Gary Neville bị CĐV Liverpool la ó
Nếu đánh bại Liverpool, đó sẽ là ngày đẹp nhất của mùa giải.
Nếu Man United thua, đó sẽ là thảm họa thực sự.
Và thế rồi ở phút 90, Giggsy đang đứng trước chấm sút phạt và những gì tôi nhớ là cậu ấy làm trái bóng liệng vào vòng cấm, Rio Ferdinand bật lên và trái bóng bay thẳng vào lưới. Bầu không khí nổ tung. Tất cả những gì diễn ra sau đó đầy bản năng. Tôi chạy ngay về phía khán đài của Liverpool ở góc xa và nghĩ rằng: “Tôi sẽ lao đến chỗ các người đây.”
Tôi chạy khoảng 60m. Tôi như thể hóa điên vậy. Và khi dừng chân tại chỗ khán đài của họ, tôi đã nhìn từng khuôn mặt của những fan Liverpool hát những bài châm chọc tôi suốt 89 phút trước đó, và trong khoảnh khắc đó, họ không thể đáp trả. Không một sự đáp trả nào cả. Đó là cảm xúc tuyệt nhất đời tôi.
Liên đoàn bóng đá Anh phạt tôi 5.000 bảng vì hành động đó. Tôi vui lòng nộp phạt 100 lần số tiền đó. Khi đó, tôi nhớ rằng nhiều người đã nói rằng: ‘Đó không phải là một hành động phù hợp với một gã đàn ông đã 30 tuổi.”
Họ nói đúng đấy. Nhưng chính điều đó đã làm nên sự kì diệu của bóng đá. Suốt 90 phút, bạn trở lại thành một đứa trẻ một lần nữa. Đó là điều chúng tôi luôn muốn mà, phải không?
Jose Mourinho đang có trong tay nhiều sự lựa chọn ở các vị trí tấn công, nhưng để thắng Liverpool, HLV người Bồ Đào Nha cần phải cho Juan Mata đá chính.
Tôi nhớ một kí ức đầy sinh động khi tôi là một đứa trẻ 5 hay 6 tuổi gì đó, đi xe trên đường M60 cùng bố. Đó là khi tôi không hề biết điểm đến là gì. Tôi vẫn nhớ rằng mình nhìn ra phía đằng trước xe và luôn tự hỏi: “Đến chưa nhỉ? Khi nào thì mới đến nơi đây”.
Chúng tôi đi qua cầu Barton Bridge và đó là lúc tôi biết chúng tôi đang đến đâu. Chỉ còn 10 phút đi xe nữa là đến sân Old Trafford. Đó là chuyến đi mà tôi và bố đi mỗi thứ Bảy và không bao giờ thay đổi. Ngay khi “Nhà hát của những giấc mơ” hiện lên trong tầm mắt của tôi, trái tim của tôi bắt đầu loạn nhịp.
Tôi không phải là kẻ hay hoài niệm nhưng nếu được quay lại thời gian, tôi sẽ hòa mình vào những đoàn người là fan Man United trước sân vận động ngày hôm ấy. Có một dòng điện trong người tôi ở khoảnh khắc đó, đặc biệt là khi bạn là một đứa trẻ, đó là một điều không thể miêu tả bằng từ ngữ được. Dòng điện đó như thể là công lý vậy. Bóng đá thấm nhuần vào cơ thể. Nó len lỏi vào trong chính tâm hồn của bạn.
Những kí ức về những lần đến sân Old Trafford khi còn nhỏ sẽ sống mãi trong tâm trí tôi. Nếu bố tôi là một fan của Man City hay fan của Bolton, tôi sẽ đến sân mỗi tuần và hát những bài hát của họ. Nhưng cảm ơn Chúa, bố tôi là một fan của United.
Gary Neville ăn mừng bàn thắng của Man United với Van Nistelrooy
Nhưng thật không may, quãng thời gian đó không phải là những ngày huy hoàng nhất của United. Tôi lớn lên ở thập niên 80, khi Liverpool thống trị bóng đá Anh. Những người bạn tại trường tôi, Bury, đa phần là là fan của Liverpool. Khu chúng tôi sống gần Manchester hơn Merseyside nhưng trẻ con mãi là trẻ con mà. Chúng thích ủng hộ đội mạnh nhất.
Tại sân trường cấp 1 Chantler năm 1985, bạn cứ ngỡ rằng mình đang ở Liverpool. Tôi luôn tham gia những cuộc cãi lộn với chúng bạn mỗi ngày. Tôi sẽ nói: ‘Chúng tớ có sân vận động lớn hơn.’
Bọn trẻ kia sẽ đáp lại: “United chỉ xếp thứ 11 trên BXH thôi”.
“Nhưng tớ có Bobby Robson”, Tôi đáp trả.
“Nhưng cuối cùng thì chúng tớ mới là nhà vô địch”.
Cuộc cãi lộn sẽ diễn ra hàng giờ liên tục mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng chuyện cãi lộn tại sân trường ngày nào sẽ sớm kết thúc khi tôi trưởng thành hơn. Nhưng hóa cuối cùng nó vẫn tiếp diễn cho đến hiện nay tại studio trường quay nhưng giờ là với Jamie Carragher.
Tôi sẽ không giờ quên cái ngày tôi đến sân Anfield lần đầu tiên khi là một cầu thủ của United. Chúng tôi di chuyển qua đường M62 đến Merseyside, khi đi hết quãng đường cao tốc và rẽ vào con phố chính, tôi đã nhận ra một điều. Chúng tôi đã bước chân vào lãnh thổ của kẻ thù. Thật sự là vậy đấy. Khi tôi bước vào trong sân, đó là một cảm giác quen thuộc. Sân vận động đã chật kín. Những khán giả ở ngay trên đầu bạn, la hét chửi bới suốt 40 phút trước khi giao bóng. Đó là những khoảnh khắc bạn sẽ rất nhớ sau khi giải nghệ.
Chiến thắng trước Liverpool đêm mai không chỉ đồng nghĩa với 3 điểm. Nó còn khôi phục hình ảnh của Man United trong các trận đấu lớn.
Tôi từng nói rằng tôi rất ghét Liverpool nhưng tôi đã “mềm lòng” hơn trong vài năm gần đây. Giờ tôi sẽ nói nó phức tạp hơn cả sự thù địch. Mỗi khi được liệu tôi có hối hận khi ăn mừng quá khích vào năm 2006 trước mặt fan Liverpool không, câu trả lời mãi sẽ là: “Không hề”.
Bóng đá là cảm xúc. Tâm trạng vui, buồn, nỗi thất vọng, sự lo lắng. Đó là những cung bậc cảm xúc bạn sẽ trải qua trong mỗi thời điểm khác nhau trong mỗi tuần nhưng bị nuốt trọn trong 90 phút. Với tôi, vẻ đẹp của bóng đá chính là sự thăng trầm trong cảm xúc. Rất ít thứ trong cuộc sống có thể đem lại cho bạn trải nghiệm đó.
Tôi sẽ cho bạn một ví dụ điển hình nhé. Sau khi chúng tôi giành cú ăn ba năm 1999, tôi đã thấy một chuyện chắc tôi sẽ không bao giờ được chứng kiến lần nữa. Khi chúng tôi đang đến Deansgate tại trung tâm thành phố Manchester để ăn mừng trên chiếc xe bus hai tầng đã tháo mui, tôi thấy một người chàng trai đang khóc trong đám đông. Anh ta la hét dữ dội đến mức tôi thấy được cả mạch máu hiện ra trên cổ của anh ta như thế sắp nổ tung. Tôi chả thể nào quên được hình ảnh đấy. Khi đó, anh ta chỉ là một chàng trai ngang tuổi tôi. Có lẽ anh ấy cũng từng là một đứa trẻ đầy ganh tị như tôi hồi xưa, luôn bị đám bạn châm chọc với những chiếc cúp của Liverpool, Kenny Dalglish của họ. Và giờ, cuối cùng chàng trai đó cũng được tận hưởng cảm giác hạnh phúc. Những nỗi đau, uất ức trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Mọi sợi tóc ở gáy tôi như dựng đứng cả lên và tôi nghĩ: “Không có điều gì sẽ khiến chàng trai kia cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc đời này nữa”. Đó là khoảnh khắc đã khiến bạn ngừng thở.
United và Liverpool đã bắt đầu những “trận chiến” như vậy từ năm 1894. Tôi mong đó sẽ là một trận đấu cuồng nhiệt và tất nhiên, tôi hi vọng sẽ có chút bạo lực nữa. Nếu một cầu thủ Liverpool ghi bàn thắng giúp đội họ chiến thắng, tôi hi vọng cầu thủ đó sẽ ăn mừng bằng cách nhảy vào đám cổ động viên cùng với 10 người đồng đội của anh ta và hình ảnh Klopp sẽ chạy bên đường biên như một gã điên. Nếu họ không ăn mừng cuồng nhiệt như vậy, tôi sẽ thất vọng đấy. Sự điên rồ và đầy đam mê là bản chất của bóng đá.
Liverpool và Man United rất khác khác nhau nhưng cũng rất giống nhau. Họ tượng trưng cho bản chất của hai thành phố, đầy chân thật với người dân tại đó, một tình yêu, một bức tranh và trên tất cả là bóng đá.
Nó còn phức tạp hơn cả sự thù địch.
Liverpool đã tìm cách “trả thù” tôi trong nhiều năm qua, cả trên lẫn ngoài sân cỏ. Họ đã đá chúng tôi khỏi cúp FA chỉ bốn tuần sau pha ăn mừng quá khích của tôi. Chiếc xe của tôi suýt thì bị lật ngược khi vài CĐV Liverpool nhận ra tôi lúc đang tắc đường, chỉ cách Old Trafford có một dặm. Và tệ nhất là giờ tôi lại phải làm việc với Carra sau khi sau giải nghệ.
Nhưng có một điều tôi sẽ không bao giờ chấp nhận nổi. Có một câu chuyện về hai anh em fan Liverpool đã để lại một thứ ở căn nhà của tôi vài năm trước đó. Hai anh em họ đã chôn một chiếc khăn của Liverpool dưới nền sàn bể bơi. Không ai có thể chứng minh chuyện đó liệu có thật hay không và chắc cũng chả bao giờ có thể chứng mình được. Bạn biết không? Giờ thì tôi không sống ở căn nhà đó nữa. Nhưng tôi sẽ ghi trong di chúc của mình rằng nếu ai tìm được chiếc khăn chết tiệt đó, kể cả là 100 năm nữa, họ sẽ phải tôn trọng di nguyện của tôi…
Hãy đốt nó đi.
Trần Võ Hà Sơn
Theo Theplayertribune
loading...