Edin Dzeko: Từ bom đạn Sarajevo đến City of Manchester
(TT&VH)- Dzeko đã sống sót sau cuộc vây hãm và đánh bom Sarajevo khi còn là một cậu nhóc, sống 3 năm trong một căn phòng nhỏ xíu dưới hầm để tránh bom cùng hơn một chục thành viên trong gia đình. Không có gì ngạc nhiên khi giờ đây anh, một tín đồ Hồi giáo, trở thành đại sứ UNICEF đầu tiên của Bosnia, với mong muốn tìm lại hòa bình và thịnh vượng cho quê hương mình.
Dzeko không muốn nói về quá khứ, về những ngày tháng đen tối khi bom đạn đã san phẳng căn nhà của gia đình anh ở ngoại ô Sarajevo. “Tôi cố gắng làm gì đó để thay đổi”, anh nói với Sportsmail. “Tôi thường đến thăm các trường học ở Bosnia, vẫn còn nhiều điều phải làm ở đó. Các trường học cũng bị chia rẽ, một bên là những học sinh Bosnia, một bên là Croatia. Tôi cố gắng họ hòa hợp hơn, vì chiến tranh đã dẫn đến quá nhiều thù hận. Tôi cố gắng để các em nhỏ thấy các em thuộc chủng tộc nào, là người Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay Chính thống giáo không quan trọng, quan trọng là các em trở thành người tốt. Hãy xem Aleksandar (Kolarov, đồng đội của Dzeko ở Man City). Anh ấy là một người Serbia, nhưng chẳng sao, vì anh ấy là một người tốt. Chẳng có gì quan trọng nếu anh ấy là người Croatia hay Ghana, hay Bosnia hay Anh”.
Ở Bosnia, Dzeko có biệt danh là Diamant, hay Kim cương, và với số tiền 27 triệu bảng HLV Roberto Mancini đã bỏ ra để đưa anh về City of Manchester, biệt danh đó không thể thích hợp hơn. Tuy nhiên, phải đợi đến tận cuối tháng 2 này, Dzeko mới có những bàn thắng đầu tiên cho đội bóng mới: cú đúp ở Europa League tối thứ Năm. “Tôi không chỉ là một cầu thủ to con biết đánh đầu”, Dzeko giải thích, “Lúc khởi đầu sự nghiệp, tôi chơi tiền vệ công, có thể đá cánh nữa, tất cả phụ thuộc vào HLV”.
Nhưng trước Aris FC ở vòng 1/16 Europa League, anh là một trung phong cắm hoàn toàn với hai bàn thắng được thực hiện bằng 2 chân và theo những cách rất khác nhau. Cho đến trước trận đấu đó, Dzeko không gây được nhiều ấn tượng. Anh khởi đầu với việc vào sân từ băng ghế dự bị trong trận derby Manchester ở Old Trafford và cú sút lập bập của Dzeko đập vào lưng David Silva lăn vào lưới giúp Man City gỡ hòa. Đó là lần anh tiến gần nhất đến một bàn thắng ở Premier League và Dzeko hiểu anh còn phải nỗ lực nhiều hơn.
Vạn sự khởi đầu nan
Như để khích tướng tiền đạo người Bosnia, Mancini đã công khai bày tỏ ông lo ngại về khả năng thích nghi của chân sút đắt tiền mới tậu với lối chơi thiên về thể lực ở Anh. Nhưng Dzeko không lo ngại, anh từng vượt qua tình cảnh như thế này. “Khi lần đầu tới Đức, tôi chơi không thật tốt”, anh nhớ lại. “Khoảng một năm rưỡi đầu tiên tôi không phát huy hết năng lực của mình, nhiều người nghĩ tôi vô vọng, nhưng khi quen dần, tôi bắt đầu chơi đúng những gì mình có. Bạn phải luôn mạnh mẽ và chiến đấu cho từng đường bóng. Các trọng tài cũng khác, họ không thổi phạt như ở Đức, nơi những lỗi không đáng kể cũng bị tuýt còi”.
Có vẻ như Dzeko luôn khởi đầu bất lợi. Tại CLB đầu tiên của anh, Zeljeznicar ở Bosnia, Dzeko chỉ ghi được 5 bàn sau 40 trận và được đặt cho biệt danh Cloc, hay “Chân gỗ”. Khi Zeljeznicar nhận được 21 nghìn bảng từ đội bóng Czech Teplice cho Dzeko, khi đó 18 tuổi, vào năm 2005, một thành viên ban lãnh đạo đã thừa nhận “chúng tôi nghĩ là mình đã trúng số”. Nhưng Dzeko không lấy thế làm phiền lòng: “Tôi phải tiến từng bước trong cả sự nghiệp của mình, tôi đã quen với điều đó. Đầu tiên là ở Bosnia, rồi giải hạng nhì Czech, rồi hạng nhất, rồi Đức, và giờ là giải đấu hay nhất thế giới”.
Và Dzeko không chỉ có kinh nghiệm ở những giải quốc nội. Anh từng ghi bàn trong cả hai trận Wolfsburg gặp M.U ở vòng bảng Champions League mùa vừa rồi. “Tôi mới chỉ chơi 6 trận ở Champions League, nhưng trải nghiệm đó rất đặc biệt, không gì sánh được”, Dzeko nói. “Khác hoàn toàn với Europa League, với chúng tôi (Wolfsburg), Champions League là tất cả”. Lúc này đây, anh đang cùng với Man City hướng đến mục tiêu đó vào mùa giải năm sau.
Trần Trọng