A+ A A- Kiểu đọc sách

Đã từng có một Wenger rất quyết đoán trên thị trường chuyển nhượng

20:03 25/08/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) – “Tiết kiệm”, “hà tiện” thậm chí là “keo kiệt” đang là những tính từ đầy tiêu cực mà dư luận miêu tả về Arsene Wenger ở thời điểm hiện tại khi chưa có một dấu hiệu lạc quan nào trên TTCN từ Arsenal với cơn khát mang tên tiền đạo và trung vệ. Chưa bao giờ người ta lại chỉ trích mãnh liệt như thế thói quen “giữ tiền” của ông mặc dù Wenger khẳng định rằng ông vẫn đang cố gắng nâng cấp chất lượng đội hình từng ngày, từng giờ.

“Tại sao mọi người lại nói tôi không thích tiêu tiền? Tôi không hiểu. Nếu chúng tôi tìm được những cầu thủ có thể gia tăng sức mạnh cho đội bóng thì tôi sẽ không tiếc tiền. Tôi sẽ bỏ ra 300 triệu bảng nếu tôi tìm thấy người phù hợp và tôi cũng đang sở hữu 300 triệu”, chiến lược gia người Pháp phản bác lại dư luận.

Có thể nói rằng đã lâu lắm rồi Wenger mới thẳng thắn như thế về chuyện tiền bạc, lâu lắm rồi ông mới công khai rằng mình có nhiều tiền như thế để tiêu. Chẳng biết nó có phải là dấu hiệu gì trước một bom tấn nào không hay đơn thuần nó chỉ là biện pháp trấn an dư luận rồi đâu tiền lại nằm đó. Nếu viễn cảnh đó xảy ra thì chắc chắn đây sẽ là mùa Hè đáng xấu hổ nhất mà Arsene Wenger từng trải qua kể từ khi đến Arsenal năm 1996.

Năm đó, ông đến và tạo ra vô vàn cuộc cách mạng không chỉ cho “Pháo thủ” mà còn là bóng đá Anh. Điển hình là chuyện chuyển nhượng với hệ thống săn lùng tài năng cực kỳ đặc biệt mà mình xây dựng, góp phần không nhỏ thay đổi quan điểm mua sắm của các đội bóng lớn ngày nay. Thời đó, ông thực sự là một “con cáo” trên TTCN, sẵn sàng tiêu nhiều tiền và phần lớn là những thương vụ thành công. Thực tế thì sự tinh thông trên TTCN của Arsene Wenger vốn đã được thể hiện trong 6 năm thăng trầm cùng AS Monaco với vô số cậu học trò trứ danh như Glenn Hoddle, George Weah, Ramón Díaz…


Cho đến nay, Henry vẫn là một trong những bản hợp đồng thành công nhất của Wenger

Đến nay, Wenger vẫn là một “con cáo” trên bàn đàm phán nhưng phẩm chất đó không còn đóng vai trò then chốt nữa khi thế giới đang thay đổi quá nhanh với sức mạnh của đồng tiền. Và ông đang cho thấy sự già cỗi và chậm chạp trước bối cảnh đó, nó ảnh hưởng rất lớn đến vị thế đang suy yếu từng ngày của Arsenal.

Trở lại thời kì đầu Arsene Wenger tạo nên tiếng vang trong làng túc cầu, đỉnh điểm là năm 1997, ông xuất hiện trước báo giới bên cạnh 8 bản hợp đồng mới, ở mọi vị trí trên sân. Chỉ tính riêng 2 thương vụ đẳng cấp thế giới là Marc Overmars và Emmanuel Petit đã tiêu tốn của ông hơn 10 triệu bảng, một số tiền không hề nhỏ hồi đó.

Sau khi trở thành HLV nước ngoài đầu tiên giành cú đúp danh hiệu Premier League và FA Cup, ông tiếp tục giới thiệu bộ đôi Freddie Ljungberg - Nwankwo Kanu, những cái tên sau này đều là huyền thoại hàng đầu của “Pháo thủ”. Thời điểm đó, ông còn theo đuổi sát sao Patrick Kluivert – một trong những tiền đạo xuất sắc nhất thế giới nhưng thất bại ở phút cuối.

“Cơn bão” mua sắm của Wenger tiếp tục và thực sự gây sốt ở giai đoạn 1999-2000 với hàng loạt những hợp đồng “khủng” thời bấy giờ. Lần lượt là Thierry Henry, Davor Suker (Vua phá lưới World Cup 1998) và Silvinho rồi sau đó là Edu Gaspar, Robert Pires và Sylvain Wiltord – bản hợp đồng kỷ lục trong lịch sử của Arsenal. Ước tính, Wenger đã bỏ ra hơn 40 triệu bảng để mang về những chữ ký chất lượng bậc nhất, đặc biệt là nó diễn ra sau World Cup 1998, nơi mà ĐT Pháp lên ngôi.

Chưa dừng lại ở đó, giai đoạn 2001-02, thói quen bạo chi và mua sắm dồn dập của Wenger khiến người ta càng thấy nể sợ sức mạnh đến từ “Pháo thủ”. Giai đoạn này chiến lược gia người Pháp cũng mang về rất nhiều chữ ký đáng chú ý như Sol Campbell, Giovanni van Bronckhorst, Richard Wright, Gilberto Silva hay Jens Lehmann và không ít cái tên trong đây đã trở thành xương sống của Arsenal.


Arsenal đang rất cần những bản hợp đồng như Mesut Oezil từ Wenger

Biểu đồ mua sắm bắt đầu lắng xuống khi ông chỉ đưa thêm về Jose Antonio Reyes – cầu thủ phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của Wiltord với giá trị 17 triệu bảng. Wenger bắt đầu “nhẹ tay” hơn trên TTCN với những bản hợp đồng đậm chất tương lai như Robin van Persie, Alex Hleb, Theo Walcott và Emmanuel Adebayor vì quá trình xây dựng Emirates đang đi vào khâu cuối cùng.

Đó cũng là lần cuối người ta thấy một Arsene Wenger quyết đoán trên TTCN khi ông bắt đầu phải lo lắng hơn với những khó khăn tài chính mà sân Emirates mang đến. Những bản hợp đồng lớn dần dần ít đi rồi biến mất để thế chỗ cho chiến lược tin dùng tài năng trẻ. Thậm chí, Arsenal ở giai đoạn đầu chuyển đến nhà mới còn phải bán máu hết năm này sang năm khác.

Nếu để ý kỹ thì chúng ta có thể thấy Arsene Wenger đã thay đổi rất nhiều thói quen mua sắm của mình và đến bây giờ ông đang bị gọi là “gã hà tiện”. Có thể vì lý do khách quan nào đấy cho sự thay đổi này để người ta thông cảm hơn với hoàn cảnh của ông. Nhưng thực sự, lúc này thời gian đã không còn ủng hộ ông nữa. NHM vẫn luôn mơ về quá khứ, sự đột phá từ số tiền 300 triệu bảng là những gì họ cần để thực sự quên đi ký ức và sống với hiện tại.

Từ Sơn

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...