loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Khi thị trường chuyển nhượng mùa Hè khép lại, sẽ có không ít những bản hợp đồng được các CLB thực hiện vào ngày 31/8, tức Deadline Day (ngày cuối cùng của phiên chợ). Câu hỏi đặt ra: Chất lượng những bản hợp đồng ấy ra sao?
1. Nó giống như việc bạn đi mua sắm khi siêu thị đã gần đến giờ đóng cửa, và hy vọng sẽ săn được một món hàng như ý. Sẽ có hai mặt trong đó: May mắn bạn có thể lựa được món hời, và chiều ngược lại là sau khi mang về, món hàng ấy không sử dụng được, và bạn nhận ra rằng mình đã phí tiền chỉ vì sự vội vã trong những tiếng đồng hồ ít ỏi.
Số lượng món hời ngày cuối cùng kỳ chuyển nhượng mùa Hè trong kỷ nguyên Premier League không hề ít chút nào. Cách đây 11 năm, ngày 31/8/2006, West Ham mừng như bắt được vàng khi mang về bộ đôi Carlos Tevez – Javier Mascherano trước mũi giày của hàng loạt ông lớn như Liverpool, Man United, Barcelona hay Juventus. Bàn tay của Media Sports Investment (MSI), đơn vị sở hữu bộ đôi người Argentina lúc đó, và việc West Ham trụ hạng thành công mùa 2006-07 có dấu ấn không nhỏ của họ, đặc biệt là Tevez, người ghi bàn thắng vào lưới Man United ở vòng đấu cuối cùng.
Cùng điểm qua những thương vụ chuyển nhượng đã đi đến thành công trong ngày cuối cùng của phiên chợ Hè năm 2017.
Gần hơn một chút, ngày 31/8/2016, Chelsea đã chiêu mộ bộ đôi David Luiz và Marcos Alonso trong ngày cuối của phiên chợ mùa Hè. Hai bản hợp đồng tưởng chừng như chỉ là chữa cháy cho một kỳ chuyển nhượng không thành công của Chelsea đã trở thành trụ cột trong hệ thống 3-4-3 của Antonio Conte, chìa khóa đưa đội chủ sân Stamford Bridge đến với ngôi vô địch Premier League mùa trước
2. Mặt khác, nguy cơ mua phải những bản hợp đồng hớ ở ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Hè cũng lớn ngang hoặc hơn cả những món hời. Cách đây hai năm, Gordon Strachan, một gương mặt kỳ cựu của bóng đá Anh, đã nói về mặt trái của các vụ mua bán muộn: “Nó có thể tạo ra mặt xấu trong con người bạn. Một HLV có thể cảm thấy muốn quên đi tất cả. Khi kỳ chuyển nhượng kết thúc, bạn cảm thấy vui (với những tân binh giờ chót) và rồi một tháng sau bạn nhận ra mình mua phải mớ rác rưởi, trước khi nhận quyết định sa thải”.
Không ai quên được thương vụ này: Robinho chuyển đến Man City từ Real Madrid vào ngày 1/9/2008 với mức giá 32,5 triệu bảng, qua đó trở thành thương vụ đắt nhất nước Anh vào thời điểm ấy. Đó là bản hợp đồng đầu tiên khi đội chủ sân Etihad được chuyển giao vào tay các ông chủ người UAE nhằm “hóa rồng” nửa xanh thành Manchester. Đáng tiếc, Robinho chỉ trụ lại nước Anh được hơn 2 năm, và sau khi bôn ba ở Santos, Milan, Guangzhou Evergrande, anh đang khoác áo Atletico Mineiro ở tuổi 33.
Man United cũng từng đón một cơn ác mộng vào ngày cuối cùng kỳ chuyển nhượng mùa Hè, khi mượn Radamel Falcao từ Monaco vào ngày 1/9/2014 với mức phí 6 triệu bảng, kèm điều khoản mua đứt 43,5 triệu bảng vào cuối mùa. Trong một mùa ở Old Trafford, tuyển thủ người Colombia chỉ ghi được 4 bàn sau 29 lần ra sân trên tất cả các đấu trường. Dễ hiểu vì sao anh được trang Telegraph liệt kê vào danh sách 20 thương vụ tệ nhất mùa 2014-15.
3. Chỉ có thời gian mới trả lời được những thương vụ kiểu như Alex Oxlade-Chamberlain chuyển đến Liverpool từ Arsenal vào ngày cuối phiên chợ mùa Hè là món hời hay một mớ rác rưởi (như lời của Strachan). Và các đội bóng chỉ biết cầu nguyện những tân binh họ mang về có giá trị như trường hợp của David Luiz hay Alonso của Chelsea năm ngoái, thay vì rước họa vào thân như những Robinho hay Falcao.
Đức Hùng
loading...