(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi là người ra quyết định. Có quyết định hay, có quyết định tồi, nhưng tôi cố gắng làm sao trung thực với chính lòng mình nhất”, Pep giãi bày, sau khi ông tạo nên ồn ào bằng cách gạt bỏ Hart, thủ thành chính thức của tuyển Anh, người mà không ai nghĩ rằng sẽ bị mất suất bắt chính khi Guardiola đến nhận nhiệm vụ ở Etihad.
1. Nhưng Pep cũng nói rất cứng rắn, về Hart, rằng “Joe giờ này vẫn là người của Man City thế nên nếu được yêu cầu phải ra sân, cậu ấy vẫn phải ra sân”. Hàm ý trong câu nói đó của Pep quá rõ. Nó là một thông điệp, Hart thích đi thì đi. Còn nếu anh ở lại, bảo chơi thì chơi, bảo nghỉ thì nghỉ, cấm lèo nhèo.
Xác lập quyền lực khi nhận vị trí lãnh đạo ở một tổ chức mới mẻ là điều mà một nhà quản lý cần phải làm. Và trong quá trình xác lập quyền lực ấy, thanh trừng, dằn mặt những “ma cũ” tỏ vẻ “thái độ” là việc cần làm gấp. Song song đó, xây dựng một ê kíp riêng cho mình, tuân thủ mình, đồng chí hướng với mình và sẵn lòng phục vụ mình cũng là việc cần làm gấp không kém. Pep tiến hành điều đó bằng cách mua Nolito, mua Stones, mua Bravo và xử lý Joe Hart. Cái lý của ông nằm ở đó. Trách ông rất khó bởi nếu trách ông, chúng ta phải trách tất cả các HLV. Mourinho xử lý với Schweinsteiger như thế nào; Klopp giải quyết Sakho ra sao, chẳng phải là cũng tương đồng như Pep đang làm ư?
2. Nhưng Pep có lý của Pep thì Hart có lý của Hart. Hart không phải thủ thành kém cỏi. Hart chưa hề mắc lỗi. Người ta bảo rằng Hart không được lòng Pep vì Hart không phải dạng thủ thành biết chơi chân tốt (kiểu sweeper – keeper) nhưng nên nhớ rằng Pep cũng chỉ mới làm việc với kiểu thủ thành ấy 3 năm nay, khi ông làm việc với Neuer ở Bayern Munich. Trước đây, khi làm nên tên tuổi cùng Barca, Pep thực tế chẳng có thích thú gì với một dạng thủ thành như thế cả. Thế nên, đòi hỏi của ông đối với Hart là không có lý.
Hart cũng có quyền đòi hỏi sự “trung thực” mà Pep đã nhắc tới. Trung thực là gì? Là phải chỉ rõ ra Hart dở chỗ nào, không phù hợp với Pep ở chỗ nào, có thể gây tổn thương cho hàng thủ Man City ra sao. Mà Pep thì quá nổi tiếng với trò “im ỉm” khi cần đối diện các cầu thủ ngôi sao. Cách Pep “không nói gì” với Ibra và Henry ở thời cầm quân tại Barca đủ nói lên tất cả. Pep sợ đối thoại, nhất là khi ông có những quyết định mà người khác cảm thấy nó phi lý. Thế nên, cái lý của Hart nằm ở chỗ nếu Pep cảm thấy mình quyết định hợp lý, ông phải chứng minh, phải nói ra cái lý lẽ của mình một cách thuyết phục nhất.
“A good Hart is Hard to find” (Một thủ thành tốt như Hart rất khó kiếm) chính là biểu ngữ các CĐV Man City chăng lên trên khán đài ở trận lượt về sơ loại Champions League vừa rồi. “Đừng bán Hart. Ủng hộ Joe Hart”, những CĐV ấy cũng hát vang điều đó. Họ đã kêu gọi nhau cùng đứng lên nếu yêu mến Hart. Và đó là thông điệp cụ thể nhất để Pep nhận thấy đối với Man City Hart có giá trị như thế nào.
3. “Tôi biết anh ấy là một huyền thoại của CLB. Tôi biết anh ấy là một trong những lý do để CLB có được ngày hôm nay”, Pep đã nói thế về Hart, sau khi ông chứng kiến những gì trên khán đài Etihad. Và CĐV có lý của CĐV. Họ có thể đón chào một chuyên gia cự phách đến để tạo dựng sức mạnh cho CLB nhưng họ sẽ không chấp nhận một người dù giỏi đến mấy nhưng lại có dấu hiệu vi phạm các biểu tượng mang tính nền tảng của đội bóng. Bởi vậy, trước khi Pep tới, báo chí Anh từng giật cái tít khá hay “Hãy nâng cấp CLB chứ đừng cách mạng nó”.
CĐV Man City “tiễn” Hart rất tình cảm. Điều đó khiến chúng ta liên tưởng tới cảnh họ nhạt nhẽo trong đêm cuối của Pellegrini như thế nào. Và CĐV có lý của CĐV. Pep nên nhớ, loại bỏ Hart thì phải mang lại thành tích nổi bật. Nhược bằng không, ông có thể sẽ là một Pellegrini khác.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa