loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Những gì diễn ra ở Chelsea kể từ đầu mùa đến giờ cho thấy dù cơ hội bảo vệ ngôi vô địch của thầy trò Antonio Conte không quá cao, nguy cơ về cuộc khủng hoảng như mùa 2015-16 khó có thể xảy ra một lần nữa.
Đó là mùa giải thứ ba của Jose Mourinho trong nhiệm kỳ hai ở Chelsea. Như một thứ quy luật thân quen, mùa thứ hai Mourinho luôn giành được chức vô địch, trước khi bước vào “hội chứng mùa thứ ba”, ám chỉ việc thời điểm đó mối quan hệ giữa ông và những thành viên đội bóng xấu đi trước khi kết thúc bằng lời chia tay của vị HLV này.
Chelsea & quy luật thăng hoa rồi thảm họa
Ở thời điểm hiện tại, dù Mourinho đã là người của M.U, Chelsea vẫn còn đó một quy luật khác: xuống dốc ở mùa giải thứ hai. Sau một mùa giành chức vô địch Premier League, đội bóng áo xanh nhanh chóng rũ bỏ cơ hội bảo vệ danh hiệu bằng một phong độ nghèo nàn, dẫn đến việc HLV mất ghế. Điều này đã xảy ra với Mourinho trong cả hai nhiệm kỳ: mùa 2006-07 ở nhiệm kỳ đầu (sau hai mùa liên tiếp vô địch Premier League) và mùa 2015-16 ở nhiệm kỳ hai, và trước đó là Carlo Ancelotti mùa 2010-11.
Antonio Conte mô tả những tin đồn lan truyền chuyện Chelsea thay ông bằng Carlo Ancelotti là những tin rác rưởi.
Kể từ khi những bất ổn bắt đầu lộ ra từ giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải này, nhiều người nghi ngại quy luật này sẽ lặp lại một lần nữa. Vấn đề nằm ở chỗ Chelsea đã khước từ cơ hội để duy trì thành công khi coi nhẹ việc tăng cường lực lượng như những gì Conte mong muốn. Những tín hiệu tiêu cực từng xảy ra trong những tháng cuối cùng ở nhiệm kỳ hai của Mourinho ở sân Stamford Bridge, và nhiều người mường tượng kịch bản tương tự khi Chelsea mùa này khởi đầu khá chật vật cùng những tiết lộ trên một đài phát thanh ở Italy cho rằng Conte cân nhắc khả năng trở lại quê hương.
Bất chấp những phập phù về thành tích từ đầu mùa tới giờ, không khí ở Chelsea lại là một câu chuyện khác. Thật khó để so sánh Chelsea mùa này với thời điểm cách đây hai mùa giải. Khi ấy, Chelsea chỉ giành được 11 điểm sau 9 trận đầu tiên, với một lịch thi đấu dễ chịu. Đối thủ lớn nhất mà đội chủ sân Stamford Bridge phải đối đầu thời điểm đó là Man City, khi ấy còn chưa mạnh như thời của Pep Guardiola. Những thất bại của Chelsea trên sân nhà thời điểm ấy là trước Crystal Palace và Southampton, và một trong ba trận thắng của thầy trò Mourinho khi ấy trước Aston Villa, một đội bóng cũng ở thời kỳ khủng hoảng khác.
Conte đang xử lý khủng hoảng tốt hơn Mourinho
Đồng ý rằng cả Conte lẫn Mourinho đều gặp những vấn đề ngoài chuyên môn. Cả hai đều có những bất đồng với ban lãnh đạo về vấn đề chuyển nhượng. Trong khi Conte, bất chấp việc không có đội ngũ như mong muốn, vẫn giúp Chelsea đạt được những kết quả như ý trước Tottenham và Atletico Madrid, thì Mourinho, ngoại trừ chiến thắng 2-0 trước Arsenal, lại đem đến những kết quả thất vọng. Đáng nói hơn, chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã làm không khí ở sân Stamford Bridge nặng nề sau những lời nhục mạ hướng đến bác sĩ Chelsea khi ấy là Eva Carneiro sau trận hòa 2-2 trước Swansea. Conte cũng gặp vấn đề với Costa từ nửa cuối mùa trước, nhưng sự khác biệt là ông chấp nhận dàn hòa với chân sút này trong hoàn cảnh Chelsea không còn lựa chọn chất lượng nào khác để thay thế. Đến mùa hè năm nay, sau khi chiêu mộ được Alvaro Morata, Conte đã bán Costa cho Atletico Madrid với một mức phí tốt.
Mùa này, Chelsea đang phải đối mặt với khủng hoảng lực lượng, với nguyên nhân đến từ những chấn thương và tình trạng quá tải của các trụ cột sau khi phải chiến đấu với cường độ cao cả trong những trận đấu lẫn trên sân tập. Điều quan trọng là dường như chưa có ai trong đội hình thể hiện sự bất mãn với Conte. Nếu sự thực đúng như vậy, tinh thần chiến đấu của Chelsea trong hai trận gặp Roma và Watford là điều cần được ghi nhận.
Chelsea sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều, nhưng một thái độ tốt sẽ giúp thầy trò Conte vững vàng trong tháng tới, khi họ phải đối đầu với M.U và Liverpool.
Đức Hùng (theo ESPN)
loading...