A+ A A- Kiểu đọc sách

Arsenal thiếu khát vọng hay thiếu lòng dũng cảm?

17:49 05/03/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Khá lạ lùng khi Alexis Sanchez lại là người lên tiếng về những thất bại gần đây nhất, những thất bại có thể sẽ mang tính bản lề đối với mùa giải của Arsenal.

Thứ nhất, lẽ ra người đưa ra lời chỉ trích không thể là Alexis Sanchez. Nếu Oezil nói điều đó, chúng ta có thể chấp nhận được bởi lẽ anh đã chơi một mùa bóng  gần như cống hiến kiệt cùng cho Arsenal. Đằng này, lời chỉ trích lại đến từ Sanchez, người đã không còn là chính mình, đã chơi quá mờ nhạt kể từ khi bình phục chấn thương. Và bàn thắng gần nhất anh ghi cho Arsenal ở Premier League đã từ tháng 10/2015, trước Watford còn bàn gần nhất của anh tính ở mọi mặt trận thì từ 30/01, ở FA Cup. Một người đã 8 trận không ghi bàn cho đội bóng, người ấy có còn khát vọng không để đặt dấu hỏi về khát vọng cho những đồng đội khác mà đa số họ còn non trẻ hơn mình?

Thứ hai, không có cầu thủ chuyên nghiệp nào không có khát vọng chinh phục đỉnh cao cả. Bắt đầu mỗi mùa bóng, cùng với HLV của mình, các cầu thủ luôn xác lập mục tiêu phấn đấu của cả mùa. Rồi sau đó, chính bản thân họ cũng tự xác lập ra các mục tiêu cá nhân trong mục tiêu chung ấy. Các cầu thủ Arsenal cũng vậy thôi. Thậm chí khát vọng của họ còn lớn hơn bất kỳ ai.

Arsene Wenger và Arsenal: Khi nào Giáo sư về hưu?

Arsene Wenger và Arsenal: Khi nào Giáo sư về hưu?

“Arsene Wenger. Cảm ơn vì những kí ức, nhưng đã đến lúc phải nói lời tạm biệt”.

Đơn giản, họ đã đứng dưới những lời mỉa mai suốt chục năm qua về chuyện tay trắng ở Premier League. Bây giờ, khi đã có 2 cúp FA liên tục, giấc mơ Premier League của họ càng thể hiện rõ nét hơn. Nhưng tại sao khát vọng đó lại không biến thành những chiến thắng ở đúng vào các thời điểm quan trọng nhất? Dễ hiểu, Arsenal vẫn còn thiếu một thứ và cái thứ còn thiếu đó Sanchez lại không hề nhắc tới hoặc anh tránh không muốn nói ra. Arsenal thiếu lòng dũng cảm để khát vọng chinh phục thể hiện bằng kết quả tích cực.

Cách chơi của Arsenal thời gian gần đây cho thấy một đặc tính rất rõ của các cầu thủ dưới tay Wenger. Đó là sự sợ hãi, sợ hãi thất bại và nỗi sợ hãi ấy càng dày hơn khi họ bị đứng trước những cơ hội một mất một còn, kiểu như trận gặp Swansea khi Leicester mới bị cầm hòa. Nỗi sợ hãi thất bại đó khiến các đôi chân dứt điểm càng vội vàng; các phán đoán tình huống phòng ngự càng thiếu chuẩn xác; các phản ứng lại với tình thế tranh chấp càng chậm chạp.

Nói chung, Arsenal sống dưới chê bai đã quá lâu và việc dự đoán trước sẽ có những chê bai tiếp tục và kéo dài sau mỗi thất bại đã ám ảnh các cầu thủ của họ. Lòng quả cảm bị tổn thương, họ rất dễ đánh mất chính mình khi những đôi chân bỗng nặng như đeo chì và càng gần ngày kết thúc mùa giải, nỗi lo sợ càng phình to hơn khi mường tượng về một năm thất bát càng hiển lộ rõ hơn.

Trong tổng thể nỗi sợ hãi tập thể ấy, Wenger chính là người thể hiện nỗi sợ rõ rệt nhất. Ông loay hoay trong các phương án xoay tua nhân sự và điều đó chứng tỏ ông không đủ dũng khí để đặt cược vào một phương án chắc chắn nào. Chọn Gabriel hay một Metersacker đang ì ạch và vụng về; chọn Welbeck hay một Giroud đang vô duyên trước khung thành; chọn Campbell hay một Walcott không thuyết phục nổi bất kỳ người hâm mộ dễ tính nào? Wenger cứ luẩn quẩn trong các lần “nâng lên đặt xuống” như thế. Sự thiếu chắc chắn của ông cho thấy ông mới là người sợ thất bại nhất và cũng chính nỗi sợ ấy đã làm cho cầu thủ của ông ngày một thiếu dũng cảm hơn.

Tâm lý tiêu cực là thứ có thể lây lan trong môi trường tập thể. Nỗi sợ hãi cũng có thể lây lan như thế. Và khi Arsenal tự đẩy mình vào thế thiếu vắng yếu tố quan trọng nhất để chinh phục là lòng dũng cảm, họ sẽ chẳng chinh phục được gì cả.

BGĐ của đội bóng thì sao nhỉ? Có lẽ họ cũng đang sợ việc phải thay Wenger bằng một người trẻ khác sẽ đem lại những hệ lụy A,B,C,D… nào đó mà quên mất rằng, luôn phải có những thay đổi thì mới là đời sống.

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...