(Thethaovanhoa.vn) - Dù đều không có phong độ tốt, Man City vẫn được đánh giá cao hơn nhà ĐKVĐ Premier League khi họ đã sẵn sàng chuẩn bị cho tương lai lâu dài.
Trận cầu tâm điểm vòng 5 Cúp FA giữa Man City và Chelsea sẽ là cuộc đối đầu giữa hai đội bóng có phong cách tiếp cận thành công trái ngược nhau.
Tầm nhìn của Man City
Đội chủ sân Etihad được đánh giá là những người sẵn sàng hướng đến thành công lâu dài. Kể từ khi Sheikh Mansour tiếp quản Man City vào năm 2008, họ mới bổ nhiệm tổng cộng 3 HLV, tính cả Pep Guardiola, người sẽ đến Etihad vào mùa Hè này. Nếu chiến lược gia người Tây Ban Nha thực hiện trọn vẹn hợp đồng ba năm với Man City, đó sẽ là chỉ dấu cho thấy mong muốn hướng đến sự ổn định của ông chủ người Ả Rập.
Ngoài ra, người ta cũng nhìn thấy tầm nhìn rõ ràng của Man City về mẫu HLV mà họ mong muốn. Khi đội chủ sân Etihad bổ nhiệm Txiki Begiristain làm Giám đốc thể thao mùa Hè năm 2012, đó là dấu chấm hết cho phong cách huấn luyện quyết liệt của Mancini. Begiristain mang đến thông điệp rõ ràng cho tương lai của Man City: Phải chơi thứ bóng đá tấn công.
Việc Guardiola không thể đến sân Etihad vào năm 2013 không ảnh hưởng quá nhiều tới định hướng của Man City. Họ chọn Pellegrini, giải pháp chuyển giao tốt nhất, người có thể chơi thứ bóng đá cống hiến và kế thừa những giá trị mà Mansour và Begiristain mong muốn. Trong giai đoạn khó khăn nhất của triều đại Pellegrini, Man City một mặt vẫn ủng hộ ông, mặt khác âm thầm chờ đợi Guardiola, để tránh phá vỡ dự án dài hạn của mình.
Trong khi đó, trường hợp của Chelsea lại là một bức tranh tương phản. Roman Abramovich cũng mơ về thứ bóng đá đẹp mắt, nhưng việc Chelsea trở thành lò xay HLV đã ngăn cản giấc mơ của ông. Kể từ năm 2008, đội chủ sân Stamford Bridge đã bổ nhiệm tổng cộng 7 HLV và vẫn đang tiếp tục đi tìm người tiếp theo ngồi lên chiếc ghế nóng.
Với Guardiola, trong khi Man City đã lên kế hoạch từ lâu và sớm hoàn tất hợp đồng, thì Chelsea lại đặt niềm tin vào Mourinho, đối trọng của Guardiola. Nên không khó hiểu vì sao Guardiola lại muốn đến sân Etihad.
Tư duy đào tạo trẻ
Ngoài vấn đề về tầm nhìn, tư duy về đào tạo trẻ của hai đội cũng đối lập. Chelsea chủ yếu thiên về việc đi săn tìm các tài năng trẻ, phát triển họ một phần nhờ việc gửi cho những đội khác mượn trước khi bán đi để đem về lợi nhuận. Man City, ngược lại, thành lập học viện bóng đá Man City (CFA), với chi phí 150 triệu bảng, nhằm hướng tới việc tự đào tạo những cầu thủ trẻ.
Điểm chung hiếm hoi chúng ta có thể nhìn thấy ở hai đội là màn trình diễn kém ấn tượng ở mùa này. Man City thi đấu trồi sụt và đang kém đội dẫn đầu tới 6 điểm. Thầy trò Pellegrini chưa từng thắng hai trận Premier League liên tiếp kể từ tháng Mười. Nhưng Chelsea còn tồi tệ hơn thế, khi phần lớn thời gian của mùa giải họ đứng ở nửa cuối bảng xếp hạng. Nhà ĐKVĐ Premier League buộc phải sa thải Mourinho và cầu cứu Guus Hiddink làm nhiệm vụ chữa cháy. Cơ hội dự Cúp châu Âu của Chelsea cực thấp, trong khi Man City vẫn còn hy vọng đạt được một danh hiệu nào đó ở mùa giải này.
Chừng đó đủ để cho thấy Man City được đánh giá cao hơn về tính ổn định cũng như đường hướng lâu dài, điều mà người ta không nhìn thấy ở Chelsea.
Đội hình dự kiến
Chelsea: Courtois – Azpilicueta, Ivanovic, Cahill, Rahman – Mikel, Matic – Willian, Fabregas, Pedro – Costa.
Man City: Caballero – Zabaleta, Demichelis, Otamendi, Clichy – Fernando, Fernandinho – Silva, Toure, Sterling – Iheanacho.
Dự đoán: 1-1 |
Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa