Anh Thơ: 'Ngày xưa nghe lời Trọng Tấn đi buôn đất thì giờ giàu to'
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 20/10, trên sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Trọng Tấn và Anh Thơ - hai giọng ca "vàng" của dòng nhạc trữ tình cách mạng đã đưa chuyến tàu âm nhạc "cập bến", đến với khán giả.
- Ca sĩ Trọng Tấn sốt xuất huyết, vẫn cố tập luyện liveshow 'để đời'
- Ca sĩ Anh Thơ: Tôi chỉ là 'bồ' của Trọng Tấn trên sân khấu
- Ngược dòng bolero, Anh Thơ - Trọng Tấn rủ Đức Tuấn, Hồng Nhung vào đêm nhạc đỏ
Những khán giả thân thuộc của hai giọng ca chắc hẳn đều biết Tình ta biển bạc đồng xanh 2 là chương trình thứ 2 mang tên gọi này của Trọng Tấn - Anh Thơ.
Ngược dòng thời gian cách đây 4 năm, khi chương trình Tình ta biển bạc đồng xanh 1 ra mắt, vé bán hết ngay trong tuần đầu. Và lần này, sân khấu của trung tâm hội nghị quốc gia trong tối 20/10 cũng không còn nhiều khoảng trống.
Có thể đây là một nỗ lực của nhà tổ chức trong việc quảng bá chương trình nhưng mặt khác, nếu không phải vì tiếng hát của Anh Thơ và Trọng Tấn vẫn luôn ở trong trái tim người nghe thì cũng thật khó "lôi kéo" được khán giả - nhất là ở thời điểm này, khi có quá nhiều đêm nhạc, quá nhiều món ăn tinh thần để khán giả lựa chọn.
Thậm chí cái sự "rộ lên của bolero" khiến cho nhiều ca sĩ ở dòng nhạc khác phải vào cuộc. Trong đó, Anh Thơ và Trọng Tấn từng không là một ngoại lệ. Chỉ có điều, Tình ta biển bạc đồng xanh đã minh chứng cho một giá trị khác về chất trữ tình trong âm nhạc Việt Nam, qua những ca khúc quê hương đầy tính hào sảng, sự tự hào, tình yêu thương nguồn cội với quê hương và con người.
Các ca khúc được thể hiện trong đêm nhạc như: Đất nước lời ru, Tìm về lời ru, Tình ca, Gửi em chiếc nón bài thơ, Rặng trâm bầu, Sông Dakrong mùa xuân về, Huyền thoại mẹ, Tình yêu trên dòng sông quan họ, Đừng ví em là biển, Xa khơi, Lá diêu bông, Ngẫu hứng lý qua cầu, Áo anh sứ chỉ đường tà, Lời ru, Cô gái Sầm nưa, Em chỉ có mình anh thôi, Khúc hát sông quê, Nhịp cầu nối những bờ vui, Người đi xây hồ kẻ gỗ, Đường 4 mùa xuân, Gặp nhau giữa rừng mơ, Tình ta biển bạc đồng xanh, Thương lắm Việt Nam ơi… không đi theo một "diễn biến" kiểu chương hồi có chủ đề mà các tiết mục cứ đan xen, đưa khán giả từ vẻ đẹp này sang vẻ đẹp khác của đất nước bằng âm nhạc.
Chỉ với hai màu sắc chủ đạo trong phối khí là tiếng sáo và tiếng đàn tranh, "phù thủy" phối khí - nhạc sĩ Thanh Phương đã không cần phải làm mới quá nhiều cho các tác phẩm. Vì cách mà anh "hút hồn" người nghe chính là sự khơi gợi những xúc cảm, chạm đến trái tim người nghe bằng một tình yêu chung: tình yêu đất nước luôn ẩn chứa trong mỗi người Việt.
Những bản phối không lạ ở những nét giai điệu mở đầu hay dẫn dắt nhưng mới ở hơi thở hiện đại trong sự hòa quyện giữa âm sắc của các nhạc cụ Đông - Tây đã đem đến sự quen tai một cách hấp dẫn cho người nghe. Đó là một phần thành công cho chương trình.
Như đã định: giọng ca của Anh Thơ và Trọng Tấn đã đủ sức cả về âm sắc và âm lượng nên không cần đến nhạc, nhạc sĩ Thanh Phương đã chọn hình thức trình diễn theo lối acousitc trong liên khúc nhạc Trần Tiến để tôn vinh giọng hát thực thụ.
Trở lại với những giọng ca của đêm nhạc, Trọng Tấn, Anh Thơ hay Đức Tuấn và Hồng Nhung đã có những chỗ "đứng" của mình dù có người nổi bật có người hơi mờ nhạt về tần suất xuất hiện hay để lại ấn tượng trong những phần trình diễn.
Nhưng tổng thể, khán giả vẫn dễ dàng nhớ đến Anh Thơ và Trọng Tấn hơn cả - tất nhiên, vì họ là nhân vật chính, hát nhiều nhất, hát không chỉ nhạc "đỏ" mà cả nhạc nhẹ, hát đơn ca và cả song ca...
Cái vẫn thế của người nghệ sĩ đã đi vào lòng công chúng bao năm qua rõ ràng là không được phép mất đi. Anh Thơ và Trọng Tấn cũng vậy. Nên nói họ chứng tỏ "đẳng cấp" trong dòng nhạc của mình bằng sự uyển chuyển, sự trầm bổng, ngân nga, du dương một cách điêu luyện trong chương trình cũng không hẳn là đúng. Có chăng, nội lực, sự rèn luyện và giữ mình bằng phong độ của họ đến thời điểm này vẫn rất ổn định và bền hơi.
Cũng vì thế, ít thấy ai lại bay bổng với cái míc như Anh Thơ tối qua. Chị làm chủ âm thanh của chính mình, làm chủ xúc cảm của chính mình, với sự điều tiết bằng việc chuyển động chiếc míc lúc xa lúc gần với khẩu hình một cách điêu luyện.
Trọng Tấn hát "Lời ru" như một món quà dành tặng mẹ và những người phụ nữ nhân ngày 20/10. Anh bảo lần nào hát ca khúc này cũng đều rất xúc động.
Với Trọng Tấn, giọng ca được diva Hồng Nhung bày tỏ sự ngưỡng mộ đến mức "tôi nghĩ có 10 đời theo học, tôi cũng không thể nào có được tiếng hát như anh ấy" cũng đã giữ được tiếng hát vang sảng có, ấm áp vừa vặn có. Không "hổ danh" là giọng ca có âm vực với biên độ rộng mà ở quãng trầm hát cũng đẹp, quãng cao lại càng "vút bay".
So sánh giữa một giọng ca nam và nữ thì nghe hơi khập khiễng nhưng nhìn Anh Thơ "bá vai" Trọng Tấn trên sân khấu, thấy ở những đoạn song ca hay bài song ca, Anh Thơ hát đôi khi còn hơi "lấn lướt" theo kiểu "tính tôi đàn ông có khi còn hơn Trọng Tấn" mà chị từng chia sẻ với công chúng quả là... không sai. Vậy nên, Trọng Tấn luôn có được những khoảnh khắc nâng đỡ bạn diễn hết sức tinh tế.
Không kể đến những phần trình diễn bị cho là "đá sân không thành công" ở các thể loại khác, ở một số tiết mục như Bản tình cuối, Em chỉ có mình anh thôi, liên khúc nhạc Trần Tiến (Ngẫu hứng lý qua cầu, Lá diêu bông, Tiếng trống paranưng) mà thực ra là mang tính "màu sắc" cho đêm nhạc, Anh Thơ và Trọng Tấn đã cống hiến cho khán giả một đêm nhạc "hoàn thành nhiệm vụ": chở tình yêu âm nhạc đến với từng "rãnh"xúc cảm của người nghe.
Ở đó, có thể là chỉ một màu với tình yêu đất nước bao trùm, vượt qua cả những yêu thương đôi lứa nhưng lại chính là những giá trị đẹp mà dòng nhạc trữ tình cách mạng có được, tồn tại được trong lòng nhiều thế hệ nghe nhạc. Tất nhiên, cũng là nguồn sống nuôi dưỡng những giọng ca như Trọng Tấn, Anh Thơ.
Một số hình ảnh của đêm nhạc:
Thanh Tú
Ảnh: Thành Đạt - Minh Tâm HD