Anh lạc lõng trong cuộc đối đầu với Nga
(Thethaovanhoa.vn) - Anh đang rơi vào tình trạng đơn độc và London sẽ khó có thể thành công trong kế hoạch lôi kéo, xây dựng liên minh chống lại Moskva.
- Phi công bị Nga cáo buộc bắn rơi máy bay MH17 đã tự sát
- Tổng thống Nga Vladimir Putin: Moskva không muốn chạy đua vũ trang, sẽ giảm chi phí quốc phòng
- Điện mừng ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống Liên bang Nga
Vụ án đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal cùng các biện pháp trả đũa giữa hai bên đang đẩy quan hệ Anh-Nga vào tình trạng căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã chủ động kêu gọi và tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) thân cận, nhưng phản ứng của các nước này rất chừng mực. Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore vừa đăng bài bình luận cho rằng, Anh đang rơi vào tình trạng đơn độc và London sẽ khó có thể thành công trong kế hoạch lôi kéo, xây dựng liên minh chống lại Moskva.
Theo Liên hợp buổi sáng, vụ việc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc vừa qua đã đẩy hai nước Anh-Nga vào cuộc chiến ngoại giao căng thẳng nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay. Thủ tướng Anh Theresa May khi phát biểu với quốc hội nước này ngày 15/3 đã khẳng định, Moskva liên quan đến vụ việc đầu độc kể trên, đồng thời ra lệnh trục xuất 23 quan chức ngoại giao và tạm dừng mọi hoạt động tiếp xúc với Nga. Đáp lại, Nga ngày 16/3 cũng ra lệnh buộc 23 quan chức ngoại giao Anh phải rời khỏi lãnh thổ nước này trong khoảng thời gian một tuần lễ. Ngoài ra, Moskva còn quyết định thu hồi lại giấy phép mở Lãnh sự quán Anh tại Saint Petersburg.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên người Nga bị đầu độc tại Anh. Trước đây từng xảy ra nhiều vụ việc các quan chức tình báo, người tị nạn chính trị và thương nhân Nga bị sát hại trong lãnh thổ nước Anh. Vụ án điệp viên hai mang lần này lại một lần nữa trở thành cơ hội để Anh tìm kiếm sự phối hợp của phương Tây trong đối phó với Nga. Chính phủ Anh một mực khẳng định Nga dính líu đến vụ việc, còn Moskva liên tục phủ nhận. London và Moskva không chỉ dừng lại ở các trận khẩu chiến mà hai bên còn lớn tiếng cáo buộc đối phương là chủ mưu trong vụ việc. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson còn cho biết, ông này đã có bằng chứng chính xác chứng minh rằng Nga nghiên cứu và sử dụng chất độc thần kinh dùng để ám sát. Đáp lại, Moskva yêu cầu Anh phải cung cấp mẫu chất độc để làm bằng chứng… Không dừng lại ở việc đơn độc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, Anh còn chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh NATO, đồng thời hối thúc HĐBA LHQ mở phiên họp khẩn cấp liên quan đến việc Nga dùng vũ khí hóa học. Sở dĩ tỏ ra sốt sắng, áp dụng một loạt các biện pháp như vậy là bởi vì Anh đang muốn kết hợp cả các chính sách cũ và mới trong việc thúc đẩy xây dựng một “liên minh chống Nga”.
Cho dù có nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh, nhưng Anh trong bối cảnh hiện nay cũng khó có thể xây dựng được một “liên minh chống Nga”, chưa nói đến việc tẩy chay Cúp bóng đá thế giới lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Nga từ 14/6 đến 15/7 tới đây. EU đang đối mặt với rất nhiều áp lực sau nhiều năm áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga. Quá trình trừng phạt Nga khiến cho EU bị tổn thất tới hơn 100 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp của Đức bị thiệt hại nặng nề nhất. Đảng dân chủ xã hội của Đức (SPD) liên tục kêu gọi giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Nga và đây cũng chính là nguyên nhân khiến nước này khó có thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống Nga. Một loạt các quốc gia châu Âu khác hiện cũng đang phụ thuộc vào nguồn cung ứng khí đốt của Nga, nhất là trong mùa Đông, do đó họ sẽ không đủ tự tin để bước vào cuộc đối đầu với Moskva. Sau khi Anh tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Washington cũng thực hiện lệnh trừng phạt đối với 19 người Nga với cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công mạng và can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, trong bối cảnh những điều tiếng của cuộc bầu cử cùng thái độ mập mờ của Donald Trump đối với Nga chưa được sáng tỏ, ông này khó có thể bày tỏ thái độ một cách rõ ràng đối với vụ việc cựu điệp viên hai mang bị đầu độc tại Anh.
Trên phương diện khác, Anh hiện đang trong giai đoạn cam go nhất của tiến trình đàm phán rời khỏi EU, mâu thuẫn giữa các bên đang ngày một căng thẳng hơn. Do đó, trong khi vấn đề lợi ích cốt lõi chưa thống nhất được với nhau thì việc các đối tác EU đứng về phía Anh chống lại Nga vẫn còn là biến số. Nguy hiểm hơn, chủ trương lợi dụng “vụ việc điệp viên hai mang” để khơi dậy phong trào chống lại Nga của Anh diễn ra đúng dịp bầu cử tổng thống tại Nga. Ông Putin với hơn 75% số phiếu ủng hộ đã dễ dàng giành chiến thắng để tiếp tục kéo dài thời gian nắm quyền đến năm 2024. Tổng thống Putin trong cuộc họp báo sau bầu cử đã thể hiện thái độ cứng rắn, phản đối lại cáo buộc của phía Anh và cho rằng đây chỉ là “những lời nói hồ đồ”, đồng thời khẳng định Moskva đã tiêu hủy hoàn toàn vũ khí hóa học.
Liên quan đến vụ việc này, dư luận trên mạng tại Nga hầu như đều tập trung chĩa mũi nhọn vào Anh, cho rằng đây là âm mưu của London. Điều này đã gián tiếp cho thấy, người dân Nga nói chung đang rất ủng hộ ông Putin. Trong bối cảnh tinh thần dân tộc lên cao như hiện nay tại Nga, các nước xuất phát từ tính toán lợi ích của mình khó có thể đứng về phía Anh để chống lại Moscow. Do vậy, có thể thấy, kế hoạch thúc đẩy xây dựng “liên minh chống Nga” của Anh khó có thể biến thành hiện thực.
Mặc dù trở thành vụ xung đột ngoại giao Nga-Anh căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng các diễn biến liên quan trong tuần vừa qua cũng đủ để cho mọi người có thể thấy trước được kết quả. Tổng thống Putin tiếp tục nắm quyền, trở thành người có thời gian lãnh đạo dài hơn cả Stalin, đồng thời tạo ra một biểu tượng vĩ đại cho nước Nga. Do đó, việc lựa chọn giải pháp đối đầu với Nga của Anh lúc này sẽ không thể giành thắng lợi.
TTXVN/Báo Tin tức