Anh Khang - tác giả bán chạy nhất Hội sách TP.HCM: 'Đông người không cứu được cô đơn'
(Thethaovanhoa.vn) - “Đừng đặt trên vai các tác giả trẻ sứ mệnh cáng đáng cả nền văn học đương đại” - Anh Khang (sinh năm 1987), tác giả cuốn Buồn làm sao buông viết trên trang cá nhân sau khi đọc nhiều chỉ trích cho rằng best-seller là sách thị trường.
Anh Khang không được biết đến với cá tính hay phá cách, thế mạnh của anh là văn giàu cảm xúc. Một câu văn quen thuộc của anh là “Sài Gòn giấu anh kỹ quá” đã được đưa vào ca từ nhạc trẻ.
Năm nay, hội sách TP.HCM ghi nhận Anh Khang là tác giả ăn khách hàng đầu, vượt qua cả Dan Brown (nhà văn Mỹ có đông độc giả ở Việt Nam) và Nguyễn Nhật Ánh (nhà văn Việt Nam bán chạy nhất hơn chục năm qua).
Tác giả Anh Khang (ảnh: T.L) và bìa cuốn sách Buồn làm sao buông.
“Càng dễ gặp gỡ, càng ít chỗ dựa khi cô đơn”
Anh Khang mấy ngày liền có mặt tại hội sách để giao lưu, luôn bị bao vây bởi đám đông độc giả. Một biểu hiện của sự đủ đầy, nhưng động lực sáng tác của anh bắt nguồn từ sự thiếu thốn.
Báo chí nói Anh Khang viết một loạt 3 tác phẩm ăn khách vì người yêu cũ bỏ ra đi, nhưng bên cạnh đó, còn có một lý do khác chìm khuất hơn. Anh viết cho tuổi trẻ, lứa tuổi suốt ngày đặt câu hỏi “Mình là ai? Đến Trái Đất để làm gì?” và luôn khao khát có người lắng nghe, đồng cảm. Càng khó tìm, họ càng khao khát.
Sự thiếu thốn đó cũng có thể hiểu là nỗi cô đơn. Ngày nay, người ta gặp nhau dễ dàng hơn, chẳng hạn việc Anh Khang có thể giao lưu với hàng nghìn độc giả bên ngoài trang sách. Nhưng anh hiểu “Chính vì quá dễ gặp gỡ, các mối quan hệ đến chóng vánh, không đủ sâu sắc và lâu bền. Càng gặp nhiều, ta càng thấy mọi thứ phù phiếm” - Khang nói với TT&VH.
Anh có suy nghĩ tương tự về mạng xã hội. “Những phương tiện giao tiếp càng phong phú, con người càng ít chỗ dựa khi cô đơn. Càng kiếm tìm sự giao tiếp, họ càng cô đơn. Càng nhiều lựa chọn càng khó có hạnh phúc vuông tròn. Có thể nói, nhiều khi tôi cô đơn và lạc lõng giữa vòng tay nhiều người”.
Làm việc trong lĩnh vực truyền thông, khá chuyên nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh, Khang tạo ấn tượng là một người trẻ hiện đại. Anh tiết lộ gu đọc khá bất ngờ: tác phẩm văn học gối đầu giường là Truyện Kiều của Nguyễn Du chứ không phải một tác phẩm đồ sộ của nước ngoài nào khác. “Có đọc hết văn chương năm châu bốn biển thì cuối ngày, vẫn đến lúc lắng lại và trở về với nguồn cội” - Khang nói.
Khi người trẻ chọn lãng mạn
Trò chuyện với TT&VH trong những ngày vẫn còn dư âm hội sách, với cả những khen chê xung quanh “sách thị trường bán chạy và văn hóa đọc”, Anh Khang khẳng định, anh không bàn luận nhiều vì chọn sách, đọc sách là quyền của mỗi người. Theo đơn vị làm sách, Buồn làm sao buông được đặt hàng trước 40.000 cuốn và tái bản trong ngày phát hành.
Tranh cãi sau hội sách TP.HCM, nhiều người cho rằng bảng xếp hạng sách bán chạy toàn sách thị trường dành cho giới trẻ, cho thấy văn hóa đọc rất đáng bi quan. Cách nhìn đó là một sai lầm. Công chúng đến hội sách cũng khá trẻ, rất đông học sinh sinh viên. Do đó, danh sách bán chạy hầu như phản ánh thị hiếu giới trẻ. Và họ chọn lãng mạn.
Tại sao các tác giả trẻ không thể viết gai góc và độc giả trẻ không thể đọc gai góc hơn? Đó cũng là điều cần suy ngẫm. Anh Khang nhiều lần khiêm tốn nói “Tôi không nhận mình là nhà văn hay một tác giả”, khẳng định nguyện vọng “Viết để đi tìm sự cảm thông đồng điệu, có thể hình thành dòng văn học giúp độc giả đồng cảm với cảm xúc của mình”.
Với khả năng của người học giỏi văn, nói chuyện cũng đầy chất văn như khi cầm bút, hy vọng văn của Khang và những người cùng thế hệ có thêm chút cạnh sắc, thêm những cái gai. Bởi, văn chương cũng có lúc không hiền.
Anh Khang sinh năm 1987, từng xuất bản bộ 3 sách được tuổi teen yêu thích như Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả - Người thương thành lạ và Buồn làm sao buông. Hiện, anh là biên tập viên báo chí về lĩnh vực văn hóa. |
Thể thao & Văn hóa